Độc đáo nghệ thuật gỗ lũa Lâm Sơn
Vẻ đẹp tự nhiên
Đến thăm cơ sở sản xuất gỗ lũa Lâm Sơn những ngày này, không khí khẩn trương của những ngày gần Tết như phảng phất đâu đây. Cái se lạnh của tiết trời khi giao mùa, thoảng trong gió nhẹ là mùi thơm đặc trưng tỏa ra từ những tác phẩm gỗ lũa được bày tràn ngập trong khu sản xuất. Từ ngoài ngõ đến không gian nhỏ trong nhà đều có sự góp mặt của tác phẩm gỗ lũa, tác phẩm điêu khắc. Từ những bộ bàn ghế rất đời thường “Cửu long tranh châu”, đến tác phẩm mang màu sắc thiền như “Phật Di Lặc” hoặc tác phẩm cầu tài lộc “Thiềm Thừ” đến truyền thuyết “Thần Kim Quy”, “Cá chép hóa rồng”... đều toát lên vẻ đẹp kỳ lạ của gỗ lũa Lâm Sơn.
Mỗi một tác phẩm gỗ lũa ở Lâm Sơn đều mang những triết lý nhân sinh, phản ánh cái nhìn sâu sắc cũng như hàm chứa thông điệp của người nghệ nhân đã tạo ra nó. Tác phẩm gỗ lũa đẹp hay không, độc đáo hay không ngoài bàn tay tạo tác của con người thì bản chất nguyên sơ của chính những thân gỗ lũa tạo nên vẻ đẹp riêng có. Lũa được hình thành từ gỗ nhưng không phải thân gỗ nào cũng có thể tạo nên lũa. Trải qua thời gian, cùng với sự tác động của mưa, nắng đã tạo nên những gốc lũa có vẻ đẹp mê hoặc. Có những gốc cây nằm sâu dưới lòng đất cả trăm năm nên khi đào lên vẫn giữ được chất gỗ nguyên sơ. Những thân gỗ nằm trong vùng đầm lầy lại cho sắc lũa đen bóng như mun, như sừng. Một loại lũa quý, hiếm và đẹp nhất là lũa được hình thành dưới sự tác động của mưa gió với những đường vân uốn lượn vô cùng ấn tượng. Lũa được tạo thành từ những thân cây lâu năm như trai, nghiến, đinh hương, gù hương. Trong các loại lũa thì lũa được tạo bởi gỗ gù hương là được ưa chuộng nhất. Lũa gù hương vừa cho những hình dáng kỳ thú không giống bất kỳ một loại lũa nào lại có nước gỗ sáng và mùi thơm dịu nhẹ tạo cảm giác thư thái cho người thưởng lãm.
Vẻ đẹp của lũa không bao giờ lặp lại. Hình dáng của từng thân gỗ lũa là “độc nhất vô nhị”, có một đồ lũa này không thể đi tìm thấy cái thứ hai giống thế. Nét độc đáo không lặp lại ấy làm cho nó thấm đẫm chất nghệ thuật. Dường như thiên nhiên vùng rừng núi Hòa Bình như Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc ưu ái những người mê gỗ lũa hơn cả khi phần lớn những tác phẩm gỗ lũa có giá trị đều xuất phát từ những vùng đất này.
Và tài hoa của con người
Dưới con mắt nghệ thuật và bàn tay lành nghề của những người thợ ở xã Lâm Sơn đã tạo nên những kiệt tác gỗ lũa “có một không hai”. Trước tiên, để có được gỗ lũa, người thợ ở đây phải lặn lội lên các vùng đồi núi nguyên sơ tìm kiếm những gốc cây cổ thụ tốt, chất gỗ quý hiếm, rồi phải đợi khi trời có mưa, ngấm nước, đất mềm ra thì người ta mới đào. Công việc đào gốc này cần phải có nhiều kinh nghiệm và sự kiên trì vì nếu không kiên nhẫn mà cứ chặt hết những chiếc rễ cây ăn quanh thì coi như thất bại. Hình dáng của tác phẩm gỗ lũa trong tương lai có độc đáo hay không phụ thuộc vào chính những những thân rễ vây quanh nó. Anh Trần Văn Thuần - một người đã có gần 15 năm gắn bó với nghề sản xuất gỗ lũa chia sẻ: Có những lúc tìm thấy gốc gỗ lũa quý, anh em phải thuê hẳn một tốp thợ gần chục người làm việc cật lực hơn 6 tháng mới có thể ưa được về xưởng. Phải thật sự kiên trì và đam mê mới không bỏ cuộc giữa chừng. Những sản phẩm gỗ lũa của cơ sở anh Thuần vì thế có giá trị nghệ thuật rất cao.
Miệt mài, yêu nghề, anh Đào Xuân Thành, người có hơn 10 năm gắn bó với nghề suốt ngày say mê đục, đẽo, bào, gọt, đánh bóng... để “thổi hồn” vào những gốc cây vô tri, vô giác, biến chúng thành những tác phẩm đẹp mang đầy tính triết lý nhân sinh. Với trí tuệ sáng tạo và bàn tay khéo léo của người xuất thân từ điêu khắc những thân gỗ xù xì, xấu xí đã được khoác lên một diện mạo hoàn toàn mới. Anh chia sẻ: Gỗ lũa nghệ thuật rất gần với điêu khắc, tạc tượng, song nó phong phú, đa dạng hơn nhiều. Dựa trên những hình dạng, đường nét tự nhiên của cành cây, gốc cây, người nghệ nhân phải có tay nghề thợ mộc, sau đó là óc thẩm mỹ và mắt nhìn của người điêu khắc, thêm bớt chi tiết cho tác phẩm sinh động, có hồn.
Về Lâm Sơn, không thể không ghé thăm cơ sở sản xuất gỗ lũa của gia đình anh Trần Xuân Thể, người có hơn 20 năm trong nghề. Anh cho biết: Quá trình hình thành ý tưởng đòi hỏi người thợ phải cân nhắc, suy ngẫm để lựa chọn hình dáng, thế lũa phù hợp. Sau đó người nghệ nhân phải kiên nhẫn, tỉ mẩn gọt giũa, có khi phải mất mấy ngày chỉ để tạo nên một chi tiết cực nhỏ, có khi trong giấc ngủ cũng mơ về lũa. Người làm gỗ lũa ngoài trí tưởng tượng, khiếu tạo hình, bàn tay phải thật sự “nở hoa” mới tạo nên được những tác phẩm mang dấu ấn của cá nhân.
Giờ đây, trải qua bao thăng trầm, gỗ lũa Lâm Sơn đã có được vị trí nhất định và trở thành một trong những địa chỉ sản xuất gỗ lũa có giá trị, mang tính nghệ thuật độc đáo riêng. Tác phẩm gỗ lũa Lâm Sơn được nhiều chuyên gia mỹ nghệ đánh giá cao và đạt nhiều giải vàng, giải bạc tại các triển lãm, hội chợ, festival sinh vật cảnh trong cả nước. Một trong những trăn trở và tâm nguyện của người sản xuất gỗ lũa Lâm Sơn là Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ để bảo tồn, phát triển thành làng nghề chuyên sản xuất gỗ lũa trong thời gian tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Giá ngoại tệ ngày 24/12/2024: Đồng USD và NDT tiếp tục xu hướng giảm
Giá nông sản ngày 24/12/2024: Cà phê giảm 500 đồng/kg, hồ tiêu đi xuống 1.000 đồng/kg