Tin tức - Sự kiện

Độc đáo Tết mừng tiếng sấm của đồng bào Ơ Đu miền tây xứ Nghệ

(DNVN) - Tết Chăm Phtrong là một cái tết quan trọng bậc nhất để mừng tiếng sấm đầu tiên trong năm mới của người Ơ Đu tại huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An)..

Người Ơ Đu là một trong những dân tộc ít người nhất của Việt Nam. Hiện nay, dân số của tộc người Ơ Đu chỉ khoảng hơn 600 người. Thời kỳ hưng thịnh đồng bào Ơ Đu sống độc lập, không xen kẽ với bất kỳ dân tộc nào. Thời điểm này người Ơ Đu rất ít giao du với các dân tộc bên ngoài, họ chủ yếu chỉ qua giao du với người Thái, Khơ Mú khi có nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa.

Trải qua thời gian và biến động lịch sử số lượng ngưởi Ơ Đu giảm dần về số lượng. Rồi dần dần người Ơ Đu sống xen kẽ với đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú nên phong tục người Ơ Đu bị mai một dần và bị ảnh hưởng nhiều từ phong tục của hai dân tộc trên.

Khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công các dân tộc được tự do nên người Ơ Đu đã chuyển về sống tập trung tại 2 bản Xốp Pột và Kim Hòa, xã Kim Đa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Chỉ có một số ít sống rải rác tại các bản Tạ Xiêng, xã Kim Tiến; bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An. Tuy nhiên, do biến cố lịch sử cùng với việc di chuyển nhiều nên đến thời điểm này không còn người Ơ Đu nào nhớ được ngôn ngữ và phong tục riêng của đồng bào mình. May mắn chỉ còn vài người già của đồng bào Ơ Đu còn nhớ được tập tục ăn tết Chăm Phtrong cúng lễ mừng tiếng sấm đầu tiên của năm. Cho đến nay gần đây là tục lễ duy nhất của người Ơ Đu còn sót lại.

Người Ơ Đu tại xã Nga My, huyện Tương Dương đang xem chân gà ngày tết Chăm Phtrong tại nhà cộng đồng.

Sự bình ổn nơi ở của đồng bào Ơ Đu chưa dừng lại, năm 2006 khi lòng hồ thủy điện Bản Vẽ khởi công xây dựng, hai bản Xốp Pột và Kim Hòa, xã Kim Đa, huyện Tương Dương nơi có người Ơ Đu sinh sống tập trung nhiều nhất lại phải tiếp tục di dời đến bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương để sinh sống.

Người Ơ Ðu sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy, gần đây được sự quan tâm của chính quyền nên người Ơ Đu đã biết làm thêm lúa nước. Mỗi năm người Ơ Đu chỉ làm một mùa rẫy bắt đầu từ tháng 4 và thu hoạch vào tháng 10. Ngoài lúa người Ơ Đu còn trồng thêm sắn, ngô … Cho đến nay nghề hái lượm và săn bắn vẫn được người Ơ Đu xem là nguồn thực phẩm quan trong nhất trong đời sống hàng ngày. Những năm trở lại đây nhờ được hướng dẫn và hỗ trợ con giống nên việc chăn nuôi gia súc, gia cầm của người Ơ Đu phát triển khá nhanh.

Tết Chăm Phtrong nét văn hóa riêng còn sót lại của người Ơ Đu

Tết Chăm Phtrong được xem như phong tục riêng hiếm hoi còn sót lại của đồng bào Ơ Đu. Khoảng những năm 50 (thế kỷ XX) về trước đồng bào Ơ Đu khắp nơi thường tụ họp về Xốp Pột (Kim Đa, Tương Dương, Nghệ An) để vui hội Chăm Phtrong. Vì theo suy nghĩ của người Ơ Đu nơi đây chính là nơi vua Ơ Đu đã từng đóng đô.

Những ngày cuối năm 2014, chúng tôi may mắn được dự tết Chăm Phtrong của người Ơ Đu tại bản Văng Môn, xã Nga Mi, huyện Tương Dương. Người Ơ Đu thường tổ chức tết Chăm Phtrong hàng năm trước tết Nguyên đán một tháng. Tết Chăm Phtrong là ngày người Ơ Đu làm lễ để cúng thần sấm đầu năm. Theo người Ơ Đu thì đây là thời điểm có ngày xuất hiện tiếng sấm đầu tiên trong năm. 

 

Đây là tập tục cổ xưa của dân tộc Ơ Đu với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa để thuận lợi cho việc trồng trọt, săn bắt. Đối với tộc người Ơ Đu, lễ mừng tiếng sấm năm mới là ngày Tết lớn nhất trong năm nên cả làng bản Ơ Đu tổ chức rất long trọng, giết trâu, mổ lợn ăn uống linh đình...

Người Ơ Đu tổ chức chọi gà vui tết Chăm Phtrong.

Trong những ngày tết Chăm Phtrong, trên bàn thờ gia đình đồng bào Ơ Đu được trang trí rất cầu kỳ và rực rỡ sắc màu. Trong mỗi gia đình bàn thờ ma nhà và bàn thờ thổ công được trang hoàng lộng lẫy, sặc sỡ với các loại giấy ngũ sắc. Tuy nhiên, trên bàn thờ người Ơ Đu vào những ngày tết không bao giờ có sự xuất hiện của màu đỏ. Bởi người Ơ Đu rất sợ lửa nên theo quan niệm của họ luôn kiêng kị với màu đỏ.

Mỗi khi vào tết Chăm Phtrong mỗi gia đình người Ơ Đu đều phải chuẩn bị một con gà trống thiến. Con gà trống này sẽ được làm thịt để làm lễ cúng và cặp chân gà được giữ cẩn thận để xem chân gà. Đôi chân gà này sau khi cúng tổ tiên, các gia đình sẽ mang đến nhà cộng đồng nhờ những thầy mo giỏi nhất bản làm lễ thăm chân gà. 

Theo quan niệm của người Ơ Đu việc xem chân gà đầu năm là để xem một năm mới có được no ấm, hạnh phúc hay không? Bởi cũng theo người Ơ Đu thì sau tiếng sấm đầu tiên trong năm con vật cất tiếng kêu đầu tiên là con gà. Vì vậy, gà được xem là linh vật thần sấm gửi gắm thông điệp những ngày đầu năm.

Ngoài ra trong lễ cúng Tết Chăm Phtrong, mỗi gia đình người Ơ Đu đều phải thịt một con lợn để cúng tổ tiên. Tùy vào điều kiện gia đình mà mổ con lợn to hay nhỏ. Khi mổ lợn, các gia đình Ơ Đu đều phải mời dân làng tới dự và uống rượu để ăn tết cùng. Đây được xem là dịp gia chủ cảm ơn bà con, hàng xóm trong bản làng đã giúp đỡ gia đình một năm vừa qua. Trong những ngày Tết Chăm Phtrong người Ơ Đu còn tổ chức các trò chơi vui năm mới như đánh khăng, chọi gụ, chọi gà, đi kà kheo....

 

Thường lễ Tết Chăm Phtrong của người Ơ Đu kéo dài từ 5 đến 7 ngày, cho đến khi mọi thủ tục cúng lễ thần sấm trong bản làng hoàn tất ngày tết Chăm Phtrong mới kết thúc. Ngoài ăn Tết Chăm Phtrong người Ơ Đu còn tổ chức ăn Tết Nguyên Đán, tổ chức lễ rước hồn lúa và ăn cơm mới như các dân tộc khác.  

Nên đọc
Xuân Hòa
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo