Đổi đời nhờ trồng cây quý hiếm
Trong vườn nhà ông Nấu hiện có cây huỳnh đàn đã 24 năm tuổi, được nhiều thương lái hỏi mua với giá 300 triệu đồng.
Ngôi nhà hai tầng khang trang nằm bên bờ đông con sông Re là thành quả mà ông Phạm Văn Nấu (51 tuổi), người Hrê, ngụ thôn Cà Rầy, xã Ba Tiêu (Ba Tơ) có được sau hơn mấy chục năm gắn bó với cây huỳnh đàn.
Trồng chơi… ăn thật
Ngồi giữa khu vườn rộng hơn một hécta với hàng trăm cây huỳnh đàn đang sinh trưởng tốt, ông Phạm Văn Nấu kể cho chúng tôi nghe “cơ duyên” ông đến với loài cây này.
Năm 1990, khi còn là một cán bộ y tế xã với đồng lương eo hẹp, ông thường nghe cha mình nhắc về loài cây quý cho thớ gỗ mịn, bền chắc, được dùng làm cái rìu, cây cung… nhưng gần như “tuyệt chủng” trên những cánh rừng Ba Tơ. Với mong muốn khôi phục lại loài cây này trên mảnh đất quê hương, ngoài giờ làm, ông tranh thủ đi rừng hái cây mây nước bán, dành dụm tiền mua cây giống về trồng. “Hồi đó ông anh ở thôn Làng Trui vào tít rừng sâu bên Kon Tum nhổ về bán cho mình với giá 2000 đồng/cây. Mình bỏ gom góp tiền mua một trăm cây về trồng”, ông Nấu nhớ lại.
Số cây giống đem trồng, có cây sinh trưởng tốt, cũng có cây do bị mất rễ nên chậm lớn. Vì vậy năm 2008, khi có thương lái hỏi mua, ông bán những cây chậm phát triển với giá từ 3 - 5 triệu đồng. Từ năm 2013, ông mới bắt đầu bán 4 cây hai chục năm tuổi, thu về hơn 500 triệu. “Nhưng bán rồi cây sẽ hết”, từ ý nghĩ này, ông bắt đầu lấy hạt ươm cây giống trồng thêm. Hiện nay, trong vườn nhà ông có trên 120 cây huỳnh đàn lớn nhỏ. Các cây từ 5 - 7 tuổi được hỏi mua với giá 5 - 8 triệu đồng.
Sở hữu số lượng cây có giá trị lớn, nhưng khi chúng tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ, ông Nấu khiêm tốn nói: “Mình có tài giỏi gì đâu! Cây vốn dễ sống. Mình chỉ tưới nước, bón phân, chăm sóc cho nó như cách mọi người vẫn làm với cây keo thôi. Lúc bắt đầu trồng cũng chẳng có ý định buôn bán gì. Giờ được thế này chỉ tại mình may mắn thôi!”.
Vườn ươm “cháy hàng”
“Tiếng lành đồn xa”, mọi người liên tục đến nhà ông tham quan và hỏi mua cây giống. Nhận thấy nhu cầu trồng huỳnh đàn rất lớn, ông Nấu quyết định đầu tư vườn ươm. Cách ươm cây được ông Nấu tận tình chia sẻ: Hạt cây huỳnh đàn sau khi được tách ra đem ủ trong cát, thường xuyên tưới nước trong hai tuần để cây ra rễ, sau đó cho vào bầu đất. Để cây sinh trưởng tốt, cần làm mái che chắn và tưới nước 3 - 4 lần trong ngày. Ngoài ra, ông Nấu cho biết thêm: “Vỏ hạt huỳnh đàn khá mỏng. Khi tách hạt phải thật cẩn thận, nếu làm rách lớp da bên ngoài, cây sẽ không mọc rễ”.
Tháng 8 hằng năm là thời điểm thích hợp để bắt đầu ươm cây. Tháng 3 năm sau có thể bán cây con. Mỗi năm ông Nấu tiến hành ươm một đợt. Sau hai năm thực hiện, vườn ươm nhà ông đã cung ứng ra thị trường hơn 4.000 cây giống. Với giá 30 ngàn đồng/cây, ông thu về hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, vì huỳnh đàn cho quả ít, lượng cây ươm được chỉ ở mức cầm chừng nên vườn ươm của ông Nấu luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Hiện nay, bà con muốn mua cây đều phải liên hệ đặt hàng từ khi hạt còn chưa được ủ.
Ông Phạm Văn Thiết - Phó Chủ tịch xã Ba Tiêu cho biết: “Tại địa phương tiện có thêm nhiều người học theo anh Nấu trồng huỳnh đàn. Anh Nấu rất nhiệt tình trong việc chia sẻ kinh nghiệm cho bà con. Trong những năm đến, nếu huỳnh đàn vẫn giữ được giá cao như hiện nay thì sẽ có không ít hộ dân thoát nghèo. Cây huỳnh đàn không chỉ cho giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần tạo nên sự đa dạng sinh thái cho núi rừng Ba Tơ”.
Theo Quảng Ngãi online
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Cột tin quảng cáo