Tin tức - Sự kiện

Đòi giải trình sau chất vấn "đụng chạm": Sao chỉ bàn chuyện... tự ái?

"Trong câu chuyện khá đặc thù này, vị ĐBQH phải đứng cả 2 tư cách, vừa là ĐBQH nhưng cũng đang là người chịu trách nhiệm liên quan. Ở đây chúng ta hay bàn chuyện tự ái mà không đi vào thực chất..."

Xung quanh văn bản của Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế TP giải trình về phát biểu của ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan – Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM về công tác quản lý đấu thầu, nhập khẩu thuốc tại phiên họp do Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức đã có nhiều ý kiến khác nhau. PV đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Dương Trung Quốc về vấn đề này:

- Xin ông chia sẻ quan điểm của ông về văn bản của Bộ Y tế yêu cầu ĐBQH giải trình gây tranh cãi trong thời gian gần đây?

 Tôi có theo dõi việc này, cho đến bây giờ thì chính Bộ Y tế cũng nói rằng Bộ không đặt vấn đề như cách nói của truyền thông. Có một vấn đề tế nhị là vị ĐBQH ấy lại ở 2 tư cách: vừa là quan chức trong bộ máy y tế của thành phố, vừa là ĐBQH.

Câu chuyện này đang đặt ra những vấn đề nằm trong cơ chế có phần đặc thù của Việt Nam – chấp nhận người làm trong bộ máy hành pháp vẫn tham gia vào bộ máy lập pháp. Cho nên việc “phân thân” như thế nào trong khi hành xử với 2 trách nhiệm là chuyện đáng nói. Chúng ta đừng đặt vấn đề thuần túy phê phán, đừng bàn quá nhiều đến chuyện “anh có quyền gì mà hỏi tôi”, mà cần tìm cách gỡ như thế nào.

- Theo ông thì trong trường hợp này phải tháo gỡ như thế nào?

 Hãy tách ra 2 việc. Một việc là ĐBQH phản ánh ý kiến của dân. Nhưng để trả lời câu hỏi ấy, cơ quan có liên quan cũng phải trả lời cho cơ quan chủ quản của mình xem bản chất là gì, đúng hay sai? Thì lúc này, ĐBQH với tư cách là PGĐ Sở phải trả lời cho Giám đốc, Giám đốc trả lời cho Bộ trưởng nhưng nó theo một kênh khác.

Trong câu chuyện khá đặc thù mà tôi cho là thú vị này thì vị ĐBQH này phải đứng cả 2 tư cách, vừa là ĐBQH nhưng cũng đang là người chịu trách nhiệm liên quan. Tôi cho ở đây chúng ta hay bàn chuyện tự ái mà không đi vào thực chất vấn đề để cho nó có hiệu quả.

- Nhiều ý kiến cho rằng văn bản yêu cầu giải trình của Bộ Y tế sai về thể thức?


Cái gọi là ứng xử về mặt nguyên tắc thì có thể không chuẩn mực, ta phải điều chỉnh.

Nhưng cái quan trọng nhất là đừng nói vị đại biểu quốc hội ấy không chịu trách nhiệm về việc đó. Anh là người phản ánh ý kiến của dân nhưng đồng thời cũng phản ánh chính công việc anh đang làm thì chính anh cũng phải trả lời chứ. Tại sao lúc này chỉ là ĐBQH mà anh quên mất cái chức trách kia của anh.

Tất nhiên bàn câu chuyện quy chế thì nó phải chặt chẽ, có cái gì hở, vênh, không thích hợp thì phải điều chỉnh lại. Nhưng điều chỉnh gì thì cuối cùng cũng đi đến hiệu quả, phải lấy hiệu quả làm đầu.

Trong trường hợp này, quốc hội chấn chỉnh lại về phương thức đảm bảo đúng theo luật định nhưng đánh giá cuối cùng là hiệu quả. Khi tiếng nói người dân đến đấy thì ngành y tế sẽ xử lý như thế nào.

- Xin cảm ơn ông!

Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo