Đòi lại thị trường cho vàng
Ngân hàng Nhà nước nên trở về với các nhiệm vụ cố hữu của một ngân hàng Trung ương trong việc điều tiết chính sách tiền tệ và cải thiện tình trạng vĩ mô, trả lại tiếng nói thị trường cho giá vàng thay vì áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính
Lạm phát luôn là yếu tố chính được nói đến như lý do để “giữ vàng” bảo vệ tài sản cá nhân hay quỹ dự trữ của các tổ chức. Vàng luôn là tài sản “trú ẩn” có tính thanh khoản cao để phòng thân cho các cá nhân và phòng khủng hoảng tài chính cho các tổ chức. Ngoài ra, yếu tố đặc biệt là trong 2 thập kỷ qua, giá vàng đã theo sát giá dầu quốc tế như biểu hiện của lạm phát toàn cầu.
Vì sao giá vàng trong nước vẫn cao?
Trong tuần qua, do thống kê dự trữ dầu được coi là cao bất thường ở Mỹ khiến giá dầu sụt giảm mạnh và kéo theo giá vàng xuống dưới mức kháng cự 1.550 USD (ngày 3-4 trên thị trường hàng hóa Mỹ). Điều này bất chấp sự căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang dâng cao cũng như chính sách nới lỏng định lượng QE 3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn tiếp tục.
Nhưng giá vàng SJC ở Việt Nam vẫn không xuống sâu như dự báo, nhất là với việc bán đấu giá vàng để “tăng cung” dựa theo tuyên bố chính thức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Mặc dù kỳ đấu giá thứ hai vào ngày 4-4 (bán được hết 26.000 lượng vàng, so với chỉ 2.000 lượng vào hôm 28-3) và kỳ thứ ba vào ngày 5-4 (bán được 25.700 lượng, chỉ “ế” 300 lượng) đã thành công hơn kỳ đầu hôm 28-3, khó lý giải được khoảng cách giá vàng nội và ngoại vẫn giữ mức cao, trên 4 triệu đồng/lượng, tức là cao hơn cả trước khi NHNN bán vàng ra lần đầu.
Trở về kỳ đấu giá ngày 28-3, giá tham chiếu sàn NHNN cao hơn giá vàng SJC hôm trước (27-3) đã được coi là nguyên nhân khiến các ngân hàng hay cá nhân ngần ngại không mua vì “giá còn cao quá” và theo lời tuyên bố chính thức, NHNN ngần ngại bán ra ở giá thấp vì lý do giữ gìn “tài sản quốc gia”, không thể để khối lượng vàng trong dự trữ ngoại hối mất giá trị (vì có thể chính NHNN đã mua vàng vào với giá cao lúc cho vàng vào danh mục dự trữ?).
Ngoài ra, yếu tố quan trọng nữa là một số ngân hàng thương mại còn phải mua vào thêm một khối lượng vàng để “tất toán” cho số vàng huy động từ dân cư trước đây trước kỳ hạn cuối tháng 6-2013.
Chính điểm tuyên bố quan trọng này của đại diện NHNN cùng “mức cầu” của các tổ chức tín dụng khiến những chuyên gia vàng và giới đầu cơ “bắt mạch” được NHNN. Họ tin rằng NHNN sẽ không hoàn toàn dựa vào tài khoản mở quốc tế để mua vàng ròng với giá rẻ và dập lại trong nước với hiệu SJC để bán giá cao hơn nhiều, có thể định giá tham chiếu đấu giá thấp hơn hẳn 1,5-2 triệu đồng chẳng hạn mà không sợ lỗ.
Và chỉ sau vài kỳ đấu giá liên tiếp, có thể thu hẹp khoảng cách này đáng kể, tái lập “liên thông giá” như tuyên bố ban đầu hay theo như dự đoán của ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT SJC: “Chỉ trong vòng 1 tuần sau khi NHNN bán ra là giá SJC sẽ xuống thấp về gần giá quốc tế”.
Sự thật là sau ngày đấu giá 5-4, giá nội SJC vẫn ngất nghểu cao. Muốn giá này xuống thật sự sâu, nên mạnh dạn mua từ tài khoản mở và bán vàng mạnh trong nước. Đừng đụng đến vàng trong dự trữ ngoại hối. Nhờ đó, có thể liên tiếp định giá tham chiếu trong những kỳ đấu giá tới thấp hẳn so với giá SJC để các nhà đầu tư hay đầu cơ thật sự thấy NHNN định đẩy cho giá xuống và đem ra bán nhanh trên thị trường tự do.
Tuy nhiên, họ sẽ còn do dự thêm nếu có biến đổi bất ngờ của tình hình Triều Tiên trong vài tuần tới.
Đóng nhầm vai
Giống như các biện pháp hành chính đang gây bao méo mó và rủi ro đạo đức cho hệ thống ngân hàng, việc quản trị vàng sẽ khiến thị trường linh hoạt nhất từ ngàn xưa trong tập quán kinh tế và văn hóa của người dân Việt vốn quen giữ vàng trở nên hỗn loạn.
NHNN nên trở về với các nhiệm vụ cố hữu của một ngân hàng Trung ương trong việc điều tiết chính sách tiền tệ và cải thiện tình trạng vĩ mô. Ngoài ra, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, cần đến vai trò sáng suốt của NHNN để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, giải quyết món nợ xấu khổng lồ là những vấn đề cấp bách nhất.
Việc NHNN phải theo dõi và hằng ngày đứng ra định giá vàng (mà đa phần còn chưa biết có nắm bắt thị trường đúng hay không?) thay vì lo nghiên cứu chính sách cho các vấn đề nóng bỏng trên, cũng có thể được ví như đang ở trong một cái nhà bị cháy mà không lo vác vòi chữa cháy, lại lo đi vác chổi quét nhà cho sạch!
Đây cũng là lúc cần suy nghĩ lại vài điều căn bản nhất. Đó là các hành vi của NHNN trong 2 năm qua như độc quyền Nhà nước về vàng, khống chế ngân hàng, điều khiển thị trường tín dụng theo mệnh lệnh hành chính… đã và đang làm nghẽn mạch hệ thống tiền tệ. Nếu cứ ra sức can thiệp bằng biện pháp hành chính thì nền kinh tế càng lâm vào thế “khó đỡ”, như chúng ta đã thấy.
TS. Phạm Đỗ Chí
Theo NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
5 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị bền vững
Kỳ tích bệnh nhân hồi tỉnh sau 80 ngày sống thực vật
Tài năng 'nhí' trượt băng tốc độ Bảo Chi làm đại sứ truyền thông Amazfit Active
Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen
Cột tin quảng cáo