Đối mặt kiện chống phá giá
Ngay từ đầu năm 2013, nhiều sản phẩm của Việt Nam đã phải điều trần trước các đơn khởi kiện chống bán phá giá ở nước ngoài, kể cả nhiều mặt hàng có kim ngạch thấp và đặc biệt là các vụ kiện kép.
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là trong bối cảnh khủng hoảng, nhiều nước đã quyết liệt áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như một rào cản mới để bảo vệ hàng hóa trong nước.
Một cổ 2 tròng" thuế
Chỉ mới bước sang năm mới vài ngày, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ VN cùng với 6 nước khác, trong khi con tôm VN đang bị áp thuế chống bán giá phá. Nếu lần này các nguyên đơn thắng kiện và thuế chống trợ cấp bị áp dụng thì con tôm VN sẽ rơi vào tình trạng "một đầu tôm, hai đầu thuế" khi xuất khẩu vào nước này. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), nếu điều đó xảy ra chắc chắn sẽ rất khó khăn để con tôm VN vào được thị trường Mỹ.
Cùng cảnh ngộ “1 cổ 2 tròng” vì những vụ kiện kép là sản phẩm ống thép và túi nhựa PE của VN, cũng ở thị trường Mỹ. Không dừng lại ở đó, đầu tháng 2 vừa qua, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) thông báo quyết định cuối cùng khẳng định ngành sản xuất nội địa Mỹ có thiệt hại do sản phẩm “móc áo thép” nhập khẩu từ VN có bán phá giá và trợ cấp. Theo quy định, DOC sẽ sớm ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm này.
Điều đáng lo ngại, các nguyên đơn không chỉ xuất phát từ Mỹ hay châu Âu (EU) như trước mà còn lan sang cả các nước trong khu vực ASEAN. Ngoài Mỹ và EU, có 13 nước khác đã tham gia kiện VN bán phá giá. Trong số này có những nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Đáng nói là sản phẩm bị khởi kiện cũng ngày càng "quái" chiêu hơn. Nếu như trước đây chỉ những mặt hàng có kim ngạch lớn như thủy sản, da giày mới bị kiện thì nay ngay cả những mặt hàng như: lò xo không bọc, lốp xe đạp... có kim ngạch chỉ vài chục triệu USD cũng phải đối mặt các vụ kiện. Mới nhất là câu chuyện Ủy ban Tự vệ Indonesia đã thông báo lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc tiến hành điều tra tự vệ đối với các sản phẩm sắt hoặc thép cán không hợp kim, dựa trên đơn kiện của hai công ty sản xuất thép nội địa Indonesia. Điều này đang khiến cho các doanh nghiệp sản xuất thép đứng ngồi không yên.
Cạnh tranh không bình đẳng
Theo ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, các cam kết giảm thuế nhập khẩu về 0 đến 5% của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) là cơ hội để các doanh nghiệp ASEAN có được một sân chơi chung nhằm phát triển cộng đồng kinh tế ASEAN ngày càng vững mạnh. Bản thân các công ty thép của VN cũng đang cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu vào khu vực này. Nhưng việc Indonesia bắt đầu điều tra về tự vệ thương mại đối với tôn lợp nhà của Hoa Sen, hay Thái Lan đang tiến hành kiện chống bán phá giá là bảo hộ không chính đáng. “Những việc điều tra đó xuất phát từ lợi ích của một số công ty và tập đoàn đa quốc gia, sẽ gây bất bình đẳng trong quan hệ thương mại giữa các nước và tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Đồng thời nó làm tổn hại đến mục tiêu tự do hóa thương mại trong ASEAN”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ngay khi phía Mỹ công bố vụ điều tra, đại diện VASEP khẳng định vụ điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm của Mỹ là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh và thiếu cơ sở. Vì phía nguyên đơn là Liên minh Công nghiệp tôm vùng Vịnh (COGSI) đã lợi dụng cơ chế pháp lý để làm tăng giá thành, giảm nhu cầu tôm nhập khẩu và giảm lợi thế cạnh tranh của tôm VN trên thị trường Mỹ. Bản thân COGSI chỉ đại diện cho ngành khai thác tôm Mỹ và hiện chỉ đáp ứng cho khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ tôm của nước này, trong khi 90% nhu cầu tôm của người Mỹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Do đó, nếu một mức thuế chống trợ cấp (CVD) nhất định được thông qua, sẽ là một đòn nghiêm trọng đánh vào không chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu và chế biến tôm của Mỹ, mà còn ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của nhiều triệu nông dân và nhiều doanh nghiệp chế biến tại 7 nước có liên quan tới vụ kiện, trong đó có VN.
Còn theo ông Đỗ Duy Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, các nước đều đang ra sức bảo hộ hàng sản xuất nội địa bằng nhiều hàng rào kỹ thuật khác nhau. Bên cạnh những vụ kiện điều tra chống bán phá giá hay trợ cấp, nhiều nước còn đưa ra nhiều quy định, thủ tục rườm rà, kéo dài cả tháng để hạn chế sản phẩm nhập khẩu. Điều này đã hạn chế các doanh nghiệp muốn nhập khẩu vào thị trường nước sở tại vì bị giảm sức cạnh tranh, đặc biệt nếu các loại thuế chống bán phá giá được áp đặt sẽ khiến sản phẩm VN không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm nội địa.
Quyết Thắng (Theo TNO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo