Tin tức - Sự kiện

Đổi mới chính sách pháp luật quản lý ngân sách Nhà nước

Chiều 28-3-2013, tại Ninh Bình, Bộ Tài chính phối hợp với Dự án Quỹ tín tác đa biên tổ chức Hội thảo đánh giá thi hành pháp luật trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia đến từ các bộ, ngành để tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật quản lý NSNN.
Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, thời gian qua việc ban hành các văn bản pháp luật phục vụ cho công tác quản lý NSNN đã dần được đồng bộ; góp phần thúc đẩy quản lý NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; thực hiện phân cấp và nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong quản lý NSNN.
 
Đồng quan điểm với Vụ trưởng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN- Bộ Tài chính Đỗ Việt Đức chia sẻ, qua gần10 năm thực hiện Luật NSNN 2002 (có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2004) đã đem lại những thay đổi căn bản trong phương thức quản lý ngân sách ở Việt Nam, góp phần thực hiện quản lý tập trung thống nhất NSNN; đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đồng thời tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương. Ngoài ra, tốc độ thu  NSNN hàng năm tăng; cơ cấu thu đã có chuyển biến theo hướng tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN; thu NSNN không những đảm bảo được chi thường xuyên, chi trả nợ mà còn tăng dần tích luỹ cho đầu tư phát triển.
 
Hiện nay, công tác quản lý và điều hành NSNN ngày càng chủ động hơn, chất lượng và hiệu quả từng bước được nâng lên; công tác cải cách hành chính trong quản lý ngân sách, thực hiện công khai ngân sách được đẩy mạnh. Đồng thời đã phân định rõ quyền hạn quản lý, điều hành ngân sách của Chính phủ và UBND các cấp, đảm bảo sự chỉ đạo điều hành thống nhất thu, chi ngân sách Nhà nước, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và những nhiệm vụ quan trọng trong từng thời kỳ; Quy định cụ thể trách nhiệm và nâng cao quyền chủ động trong quản lý, sử dụng ngân sách của các bộ, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính trong bối cảnh NSNN ngày càng được quản lý công khai, minh bạch nên nhiều nhiệm vụ phát sinh như cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngân sách, xây dựng các tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách; tiêu chuẩn định mức, chế độ chi tiêu,... cần phải được hướng dẫn và tiếp tục hoàn thiện. 
 
Bên cạnh đó, theo ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, so với nhiều quốc gia khác thì mức độ công khai ngân sách của Việt Nam vẫn còn khoảng cách, bởi trách nhiệm giải trình chủ yếu ở cơ quan tổng hợp. Theo điều tra của Chương trình hợp tác ngân sách Quốc tế - IBP, chỉ số công khai ngân sách của Việt Nam năm 2012 đạt 19/100 điểm.
 
Tài liệu công khai chủ yếu dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin tổng hợp, chưa đi kèm với các đánh giá cụ thể về hiệu quả sử dụng nguồn lực ngân sách. Một số chỉ tiêu báo cáo ngân sách vẫn chưa được thực hiện theo các chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, chế tài ràng buộc, đảm bảo thực thi trong việc thực hiện các quy định về công khai còn thiếu đồng bộ nên mức độ tuân thủ và hiệu quả tuân thủ chưa cao.
 
Hiện, Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Luật NSNN (sửa đổi) trình Chính phủ và Quốc hội ban hành trong thời gian tới. Theo đó, sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chế độ về quản lý chi tiêu ngân sách (chế độ trang bị cơ sở điều kiện làm việc; chế độ chi ngân sách thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; chế độ, định mức về công tác phí, hội nghị,...);  thúc đẩy đơn vị sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, thực hiện công khai minh bạch; để  làm căn cứ sử dụng, quản lý và kiểm soát chi ngân sách đối với các đơn vị sử dụng ngân sách.
 
Tiếp tục rà soát và giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực NSNN từ khâu lập, chấp hành và quyết toán NSNN nhằm để vừa tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách, nhưng vẫn bảo đảm quản lý ngân sách chặt chẽ, hiệu quả... Đồng thời, tiến tới, từng bước chuyển dần từ việc lập dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách cho các cơ quan, đơn vị theo yếu tố đầu vào sang lập dự toán và phân bổ ngân sách gắn với kết quả và hiệu quả công việc trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh phân cấp và trao quyền tự chủ. Tăng cường khả năng giám sát, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là sự giám sát của  người dân và của cộng đồng trong quản lý và sử dụng NSNN.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo HQO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo