Bình luận

Đổi mới sáng tạo: “Bàn đạp” cho doanh nghiệp trong khó khăn

“Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) buộc phải rời khỏi thị trường nhưng vẫn có những DN tìm được lối đi cho riêng mình, khẳng định sức sống nhờ biết đổi mới sáng tạo (ĐMST)”, ông Trần Quốc Thắng – Giám đốc dự án ĐMST Việt Nam – Phần Lan (IPP) đã khẳng định trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, tại lễ khởi động dự án IPP giai đoạn II vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ông Trần Quốc Thắng, Giám đốc dự án ĐMST Việt Nam – Phần Lan

Xin ông cho biết hệ thống ĐMST ở Việt Nam hiện nay ra sao và IPP giai đoạn 2 sẽ thúc đẩy hoạt động ĐMST ở Việt Nam như thế nào?

Tại Việt Nam, IPP là chương trình ODA đầu tiên thí điểm thực hiện hỗ trợ đối với hoạt động phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) và ĐMST. Giai đoạn I của chương trình đã được thực hiện từ năm 2009-2013 với ngân sách hoạt động trên 7 triệu Euro. Giai đoạn II sẽ được bắt đầu từ nay đến tháng 2/2018, với ngân sách hoạt động dự kiến khoảng 11 triệu Euro.

Hệ thống ĐMST quốc gia chúng ta cần nghĩ tới 3 chủ thể: các cơ quan hoạch định chính sách; các DN – nơi sử dụng tri thức, sử dụng công nghệ; các viện ,trường nghiên cứu nơi sản sinh ra trí tuệ, sản sinh ra các công nghệ mới, công nghệ cao. Liên kết giữa 3 chủ thể trên tạo ra một hệ thống ĐMST.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống ĐMST của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển của kinh tế xã hội, đặc biệt chưa đáp ứng được sự cạnh tranh càng ngày càng mãnh liệt khi chúng ta xâm nhập càng sâu, càng rộng vào nền kinh tế thị trường quốc tế. Muốn nâng cao hơn nữa chúng ta cần nâng cao nhận thức trong suy nghĩ và IPP rất vinh dự, là một trong những nơi thí điểm để hỗ trợ cho sự liên kết giữa 3 nhà đó, hỗ trợ cho sự phát triển của hệ thống ĐMST của quốc gia.

Ông có thể đánh giá khái quát về những kết quả đã đạt được của chương trình trong thời gian qua?

Trong giai đoạn I chúng tôi đã nhận được trên 400 hồ sơ xin tài trợ và sau khi tuyển chọn thì chúng tôi đã chọn được khoảng 60 đơn vị để tài trợ. Trong 60 đơn vị này có khoảng 1 nửa là các DN vừa và nhỏ. Họ đã có những ý tưởng sáng tạo rất đa dạng. Từ những DN liên quan đến lĩnh vực y học cổ truyền cho đến những DN công nghiệp hiện đại như sơn Hải Phòng hoặc có những nhóm nghiên cứu của một số những viện trường.

Các DN có ý tưởng thông qua hỗ trợ của dự án IPP, được hỗ trợ về kĩ thuật, tài chính, tư vấn trong việc làm thế nào để hoạt động ĐMST có hiệu quả. Thông qua hỗ trợ đó có rất nhiều DN thành công. Tiêu biểu như: Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông đã nghiên cứu và sản xuất thành công đèn compact chất lượng cao, tiết kiệm điện. Hay như Nhà máy Sơn Hải phòng thông qua hỗ trợ của IPP đã đưa ra được sản phẩm sơn thân thiện với môi trường không dùng hóa chất độc hại hòa tan và đã xâm nhập được thị trường quốc tế…

Đối với IPP giai đoạn II, vẫn tiếp tục hỗ trợ cho những DN có ý tưởng ĐMST đồng thời sẽ hỗ trợ cho những DN khởi nghiệp mà có những ý tưởng ĐMST, có những sản phẩm mới, công nghệ cao đưa ra được thị trường trong nước và quốc tế.

Trong giai đoạn II, bước tiếp cận sẽ như thế nào để đạt hiệu quả cao hơn so với giai đoạn I, thưa ông?

Về quy mô, chúng tôi sẽ tập trung vào những vùng ĐMST, những vùng trọng điểm. Trong đó có 4 vùng: Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng và TP HCM, tạo ra hoạt động ĐMST trong 4 vùng đó hay nói cách khác là tạo ra liên kết giữa các nhà nghiên cứu, viện trường nghiên cứu ở vùng đó với các DN để làm sao tạo ra những sản phẩm đặc trưng cho các vùng đó và dần dần trở thành những sản phẩm quốc gia chiếm lĩnh được thị trường quốc tế.

Với IPP giai đoạn II tập trung vào chương trình đào tạo có tính chất hệ thống và mang tầm quốc tế, chúng tôi sẽ có những học bổng để đào tạo cho các nhà quản lý về ĐMST và đặc biệt xây dựng bộ chương trình ĐMST mà sau này chúng ta triển khai giảng dạy trong các trường đại học. Thêm nữa, trong chương trình IPP II chúng tôi cũng hi vọng sẽ thí điểm được vài cơ chế hỗ trợ về vốn cho các DN, theo dạng bảo lãnh vốn vay theo ngân hàng cho các DN có thể hoạt động ĐMST và đặc biệt chúng tôi rất quan tâm đến những DN khởi nghiệp từ những kết quả nghiên cứu của các nhóm, nhà khoa học, các bạn trẻ trong các trường đại học có những sản phẩm trí tuệ đưa ra được thị trường và xây dựng những DN KHCN.

Ông kì vọng thế nào về IPP giai đoạn II, đặc biệt để từ đây có những sản phẩm Việt đạt đẳng cấp quốc tế?

Tôi rất kì vọng, tất nhiên không phải chỉ do IPP giai đoạn II, mà chúng ta cần biết lồng ghép với các chương trình khác của đất nước để có những sản phẩm cụ thể mang thương hiệu quốc gia chiếm lĩnh được thị trường quốc tế. Đây chính là kì vọng của chúng tôi. IPP giai đoạn II cũng chỉ là một phần đóng góp vào hệ thống ĐMST của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Từ khi có chương trình IPP, các nhà tài trợ trên thế giới cũng biết rằng đối với Việt Nam bây giờ không phải chỉ có tài trợ để chúng ta phát triển hạ tầng như giao thông, bệnh viện, trường học mà còn có ĐMST và chỉ có ĐMST chúng ta mới có thể phát triển bền vững.

IPP là “đốm lửa” đầu tiên và nó sẽ lôi kéo được các nhà tài trợ tiếp theo. Giai đoạn II của IPP sẽ tạo ra những đột phá mới cho ngành KHCN Việt Nam, tạo điều kiện gắn kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học cao…

Xin cảm ơn ông!

Báo Công Thương
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo