'Con à, cha mẹ sẽ không chung nhà nữa…'
11 điều cần biết trước khi đi niềng răng / Đọc sách cho bé khi nào là thích hợp nhất?
Khi đứng trước ngưỡng cửa ly hôn, có những trường hợp cha mẹ giành quyền nuôi con không hẳn vì thương con, vì muốn được chăm sóc con mà chỉ vì muốn chứng minh: “Tôi đúng, anh/cô sai nên con phải ở với tôi mà không ở với anh/cô”.
Ly hôn nhưng vẫn giữ cho con sự yên bình trong tâm hồn, liệu có phải là điều quá khó?
Giữ yên bình cho con
Quyết định ly hôn, điều nghệ sĩ (NS) Minh Phượng lo lắng nhất không phải là mình sẽ sống tiếp ra sao ở một đất nước xa lạ, không người thân, không bạn bè… mà điều khiến chị mất ăn, mất ngủ là làm sao để các con không bị xáo trộn tâm lý, không ảnh hưởng đến sự phát triển.
Ba mẹ con nghệ sĩ Minh Phượng đã vượt qua những ngày ngột ngạt khi cuộc hôn nhân của anh chị tan vỡ |
Không nói với con cha mẹ sẽ ly hôn, nhưng cũng không che đậy sự thật, tô hồng cuộc sống hay cố gắng tìm mọi cách lôi kéo các con về “phe” mình, NS Minh Phượng để mọi việc diễn ra theo đúng tự nhiên và học cách kiềm chế cảm xúc bản thân. “Chúng tôi bàn tính chuyện của hai người lớn mà không cho các con biết, cho đến lúc anh ấy không về nhà nữa, các con cũng dần khôn lớn để nhận ra điều gì xảy ra với gia đình mình. Mọi thứ không xáo trộn, chỉ khác biệt là ba lũ trẻ không còn chung nhà, mà chỉ về thăm con vào cuối tuần hoặc dịp đặc biệt” - NS Minh Phượng chia sẻ.
Dẫu đã hết sức cẩn trọng, cố gắng tránh những biến động trong tâm hồn các con, nhưng NS Minh Phượng cho biết, con gái của chị vẫn chịu những tác động nhất định từ sự đổ vỡ của cha mẹ. Một thời gian dài, cô bé không còn niềm tin vào những người thuộc phái mạnh xung quanh mình.
Là cha, nhưng diễn viên (DV) Hữu Tiến cũng có rất nhiều quan điểm tương đồng với NS Minh Phượng khi nói về chuyện ly hôn và con cái: phải giữ được cho con sự yên bình trong tâm hồn trước biến cố gia đình. Người lớn còn chông chênh trước sự đổ vỡ hôn nhân, huống gì là những đứa trẻ mong manh luôn cần được chở che, bảo bọc.
“Cái tôi của mỗi người rất lớn khi đứng trước quyết định ly hôn. Trong thâm tâm, ai cũng muốn giành phần đúng về mình, muốn chứng tỏ cho đối phương biết không cần anh (cô) tôi vẫn sẽ nuôi con rất tốt. Chỉ đến khi mọi thứ kết thúc, pháp luật đã công nhận cả hai trở thành người độc thân, cảm giác cha mẹ đã làm các con tổn thương, mất mát mới hiện hữu rõ ràng. Tôi hối tiếc nhiều thứ, hối tiếc vì mình đã không đủ sức giữ cho con một gia đình có cha có mẹ. Nhưng điều may mắn nhất chúng tôi đã làm được là giữ cho con sự yên bình tốt nhất trong khả năng, tránh cho con những xáo trộn về tâm lý khi chúng không còn thấy cha mẹ chung một nhà” - DV Hữu Tiến chia sẻ.
Diễn viên Hữu Tiến |
Vợ chồng DV Hữu Tiến ly hôn khi con gái mới hơn một tuổi, cậu con trai đã bước vào tuổi teen. Khi gửi con về nhà ngoại, Hữu Tiến giải thích ngắn gọn: “Ba phải đi làm nhiều việc, không thể chăm sóc con nên tạm thời con và em về ở với ngoại. Mỗi tuần, ba sẽ sang thăm con, nhưng nếu con muốn, ba sẽ sắp xếp đưa con đi học mỗi ngày và bất kỳ lúc nào con cần gì ở ba, con cứ gọi cho ba”. Không nói ngay với con về cuộc ly hôn của cha mẹ, nhưng theo thời gian các con của Hữu Tiến cũng hiểu điều gì đã xảy ra. Khi đó, bọn trẻ dễ dàng chấp nhận cuộc chia tay của người lớn khi cảm nhận cuộc sống không có quá nhiều biến động, ngoại trừ việc cha mẹ không còn chung sống một nhà.
Nói chuyện ly hônvới con - dễ hay khó?
Câu trả lời chung của những bậc cha mẹ sau ly hôn là “không dễ chút nào!”. Nhắc lại ngày nói với các con việc cha mẹ sẽ chia tay, giọng chị Ngọc Ánh (Q.1, TP.HCM) vẫn run run: “Trước khi quyết định nói chuyện với các con, tôi đã gọi điện đến tổng đài nhờ tư vấn và đọc rất nhiều bài viết trên mạng để biết mình cần phải chuẩn bị ra sao, nói với con những gì về chuyện cha mẹ ly hôn. Nhưng lý thuyết và thực tế khác nhau rất xa. Tôi đã làm “đúng bài”: chọn thời điểm cả nhà đang vui vẻ, dự đoán tất cả câu hỏi con có thể thắc mắc để chuẩn bị câu trả lời, nói với các con bằng thái độ rất bình thản và cũng rất bài bản rằng, cha mẹ chia tay vì có những suy nghĩ không hợp, nhưng các con vẫn là con của cha mẹ, cha mẹ luôn luôn yêu thương và ở bên cạnh cách con…
Nhưng tôi đọc được sự thảng thốt của các con ngay khi vừa nghe phần mở đề. Trẻ ngày nay không ngây thơ như người lớn nghĩ. Các con nhận biết những vấn đề của gia đình rất sớm qua phim ảnh, qua chính cuộc sống của bạn bè cùng trang lứa… Các con không hỏi vì sao cha mẹ chia tay mà quan tâm đến những điều xa hơn: Tụi con sẽ phải ở với ai? Làm sao con được gặp em/chị? Tụi con có được điện thoại với nhau? Cha mẹ có lấy vợ/chồng khác? Dì ghẻ, cha dượng có cho con ở chung?…
Dù sau buổi nói chuyện, vợ chồng tôi vẫn cố gắng giữ nhịp sinh hoạt bình thường, nhưng không khí gia đình như có cơn bão vừa đi qua. Các con đã không còn là những đứa trẻ hồn nhiên, vô tư trước đó. Cả hai học hành sa sút, biếng ăn và gần như không còn hứng thú với những cuộc nói chuyện của gia đình, thậm chí có cả những phản ứng giận dữ. Các con luôn bất an và hồi hộp chờ đến ngày cha mẹ sẽ không còn ở chung một nhà. Không dễ dàng để gần con, không dễ chia sẻ và tiếp tục nói chuyện với con. Vợ chồng tôi phải nhờ sự hỗ trợ của cô giáo và một số bạn bè thân của các con để hiểu và tìm cách giải tỏa dần tâm lý cho các con”.
Vợ chồng đã ly hôn 3 năm, hai con sống cùng chị Ngọc Ánh, cuối tuần hoặc bất kỳ khi nào các con muốn gặp, chồng cũ của chị đều có mặt. Thậm chí thỉnh thoảng cả nhà vẫn sắp xếp đi ăn tối, đi dã ngoại cùng nhau như trước khi anh chị chia tay. Nhưng chị Ngọc Ánh nói, chị cảm nhận rất rõ sự thay đổi của các con so với lúc gia đình còn êm ấm. “Phải chăng tôi đã sai khi quyết định nói với các con chuyện ly hôn của cha mẹ?” - chị băn khoăn.
Có lẽ trải nghiệm của tuổi thơ phải sống trong một gia đình đổ vỡ nên Hữu Tiến hiểu hơn tâm lý của con và quyết định không nói với con về cuộc chia tay của cha mẹ. Anh quan niệm: dù có bài bản, khéo léo cách mấy, việc nói với con rằng cha mẹ sẽ chia tay vẫn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con.
Cũng theo anh Hữu Tiến, việc hỏi con lựa chọn ở với cha hay mẹ là câu hỏi và cách ứng xử rất nhẫn tâm. “Trẻ con vô tội, mọi hạnh phúc hay đổ vỡ là từ người lớn, do người lớn quyết định. Trẻ cần được sự yêu thương của cả cha lẫn mẹ, nên đừng bao giờ bắt con phải chọn lựa. Quyền nuôi con thuộc về ai hoặc ai là người có khả năng nuôi con hai vợ chồng nên tự dàn xếp, thỏa thuận. Ngay cả khi trẻ đã 15 tuổi, việc đưa con ra tòa, buộc con phải chứng kiến vụ xử ly hôn của cha mẹ và phải trả lời câu hỏi của tòa án “con ở với ai?”, theo tôi là sự độc ác, xuất phát từ lòng ích kỷ của người lớn. Và điều quan trọng nhất sau khi ly hôn là những người lớn phải giữ lời, phải làm đúng những gì đã nói. Đừng hứa, đừng nói vô tội vạ chỉ để chứng tỏ cái tôi của mình, rồi phớt lờ tất cả, phủi bỏ trách nhiệm sau khi ly hôn”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo