Đời sống

15 đặc sản không thể bỏ qua khi đến Kon Tum

Kon Tum không chỉ là vùng đất có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa các dân tộc thiểu số đặc sắc mà còn là nơi có những món ăn vô cùng hấp dẫn, độc đáo.

11 tư thế chụp ảnh khi đi du lịch: Đơn giản và nắm bắt khoảnh khắc đẹp tự nhiên / Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới: Gọi tên Việt Nam

Cùng tham khảo danh sách 15 món ăn được coi là đặc sản ở Kon Tum để thưởng thức khi đến vùng đất này nhé:

Bún đỏ cao nguyên

Bún đỏ cao nguyên là một trong những món ăn ngon tại Kon Tum mà bạn không nên bỏ lỡ. Khác với những món bún như bún bò, bún chả cá, hay bún mắm,… bún đỏ cao nguyên đơn giản hơn từ cách chế biến đến cách thưởng thức.

Nguyên liệu chính của món bún đỏ cao nguyên chính là cua đồng, một ít chả viên cùng trứng cút luộc. Tuy là món đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo mới có thể làm nên một tô bún đỏ cao nguyên hấp dẫn từ màu sắc cho đến mùi vị.

Bún đỏ cao nguyên đã trở thành món ăn đặc sản của người dân Kon Tum

Bún đỏ cao nguyên ấn tượng ngay từ đầu với màu hơi đỏ của hạt điều, rồi màu đỏ au bắt mắt của từng miếng cà chua, đặt cạnh màu xanh tươi non của đĩa rau sống, hay màu nâu của chả cá, của riêu cua, màu trắng của trứng cút luộc. Tất cả hòa hợp làm nên một tô bún ngon từ ánh mắt!

Nếu nhìn qua nhiều người sẽ lầm tưởng món bún đỏ cao nguyên là bún riêu, hay canh bún được bày bán ở nhiều phố thị. Nhưng điểm khác của bún đỏ cao nguyên chính là ăn kèm với rau cần đước, với giá cùng mỡ hành, mỡ tóp, và trứng cút luộc.

Về Kon Tum du khách có thể tìm bún đỏ cao nguyên ở một nhà hàng sang hoặc một chiếc xe đẩy, một đôi quang gánh. Và lúc nào những nơi có bún đỏ cao nguyên cũng tấp nập người vào ra thưởng thức. Họ thường tìm đến những quán bún đỏ cao nguyên những buổi chiều trời se se lạnh, vừa xì xụp húp, vừa đón nhận cái không khí ở nơi cao nguyên này.

Gỏi lá

Quả đúng như tên gọi, món gỏi lá này toàn… lá. Chỉ một món ăn mà bày kín mâm, bởi gỏi lá “đúng chất” có tới 40-50 loại, từ các loại rau quen thuộc như: lá cải, tía tô, đinh lăng, lá sung, lá mơ, hành, rau húng… đến các loại lá ít xuất hiện trong bữa ăn như: lá xoài, lá ổi, lá chua, lá chùm ruột, ngũ gia bì… và rất nhiều loại lá là riêng biệt của Tây Nguyên mà nhiều người chưa biết hết tên.

 

Giữa “mâm lá” là đĩa thức ăn ăn kèm. Thịt ba chỉ luộc, thái mỏng sao cho mỡ và thịt vừa đủ, không quá ngấy. Vài lát cá chép, tôm luộc, bì lợn. Đặc biệt có thêm đĩa tiêu nguyên hạt, muối hạt. Thứ đặc biệt và kỳ công nhất của món gỏi lá này là nước chấm được là từ gạo nếp, tôm khô, thịt ba chỉ, mẻ, sa tế.

Thưởng thức món này cũng cần có kiểu cách, không vội vã “vơ” hết các lá mà phải theo đúng quy trình. Trước tiên, lấy lá cải hoặc lá mơ làm lá cuốn, sau đó cho thêm lá chua và vài lá khác tùy lựa chọn của người ăn, cuốn thành cái phễu nhỏ, bỏ miếng thịt ba chỉ, tôm, bì lợn… vào trong “phễu”, nhất định phải cho thêm hạt tiêu và hạt muối, một chút nước chấm. Mỗi lần cuốn lá là những loại lá khác nhau, tạo nên những hương vị khác nhau, khi thì chua chua lá xoài, khi thì bùi bùi lá sung, chan chát lá ổi.

Rượu ghè

Nếu bạn có dịp đi du lịch Kon Tum, khám phá ẩm thực địa phương thì đừng bỏ qua một lần nếm thử rượu ghè. Rượu ghè là thức uống đặc biệt của những đồng bào dân tộc ở miền núi này. Chất men cay tự nhiên này trở thành hương vị không thể thiếu trong nhiều lễ hội của họvà trở thành “đặc sản” của riêng những du khách miền xuôi khi ngược lên nơi này du ngoạn.

 

Nguyên liệu chính của rượu ghè được làm từ gạo nếp hoặc sắn, và một loại men đặc biệt được làm từ nhiều lá cây rừng, được ủ kín trong một thời gian dài để lúc mang ra cho từng vị ngọt lịm.

Người ta cho rằng, rượu ghè có một hương vị rất riêng mà không loại rượu nào có được, bởi loại men ủ rượu được làm từ nhiều loại rễ cây, lá cây mà người dân tộc nơi đây tìm trong rừng sâu. Loại men đặc biệt đó khi ủ lên tạo nên hương vị rất riêng, hương vị của đại ngàn. Ngày nay, rượu ghè được chế biến bởi nhiều loại men chợ, tuy cũng vị ngọt nhưng mất hẳn chất đại ngàn như trước. Với đồng bào dân tộc nơi đây, để làm nên một hũ rượu ghè đặc trưng thì phải đủ trên 20 loại lá, rễ cây rừng.

Sau khi đem những lá, rễ cây đặc biệt trên về họ sẽ giã nhuyễn, đem trộn với nhau để tạo vị ngọt, sau đó phơi khô để khi dùng chỉ cần bóp tơi. Mỗi lần nấu chỉ việc lấy men này đem rắc đều chiếc ghè có sẵn gạo, ngô… theo một tỉ lệ thích hợp, sau đó bịt kín bằng lá chuối, ủ quá 15 ngày là dùng được. Và đặc biệt, rượu ghè ủ càng lâu hương vị càng thơm nồng nàn.

Rượu ghè trở thành một đặc sản Kon Tum làm quà nói riêng và đặc sản của Tây Nguyên nói chung. Người ta bảo nếu lên đây mà chưa thưởng thức rượu ghè thì xem như niềm vui giảm nửa. Bởi qua cách uống, qua hương vị ẩn giấu phía sau loại rượu này là cả một nét văn hóa đặc trưng lâu đời của đồng bào dân tộc, sẽ khiến người thưởng thức như cảm nhận nhiều hơn và thêm yêu thương hơn vùng Tây Nguyên gió lộng này.

 

Heo Măng Đen quay

Giống heo Măng Đen (heo rẫy) của dân tộc bản địa. Heo được nuôi bằng thức ăn tự nhiên của núi rừng nên thịt săn chắc, thơm ngọt và rất bổ dưỡng. Con to nhất lúc trưởng thành cũng chưa đầy 20kg. Heo được làm sạch lông, mổ lấy nội tạng; sau đó tẩm ướp gia vị là các loại nguyên liệu từ núi rừng Măng Đen như ủ nén, ngò gai, gốc mùi, sả, ớt. Heo quay nguyên con bằng lửa than cho đến khi căng da vàng giòn rộm, tỏa mùi thơm phưng phức.

Cá chua

Cá chua là một món ăn để dự trữ của người dân vùng núi ở Kon Tum. Cách chế biến món ăn dân dã này khá dễ dàng, đầu tiên người dân sẽ chọn loại cá niệng đặc trưng, đây là một loại cá giống cá trôi có rất nhiều ở sông suối Tây Nguyên.

 

Những con cá niệng sau khi đánh hết vẩy, lấy ruột bỏ, rửa sạch mang, cắt thành từng khúc nhỏ chừng 2 đến 3 cm rồi để cho ráo nước. Khi cá đã khô nước sẽ được trộn cùng muối, lá bép, ớt, thính ngô. Tiếp tục đưa cá vào từng ống lồ ô khô, sạch rồi nút hai đầu thật kín rồi để lên gác bếp, đợi vài ngày là có món cá chua độc đáo.

Trong ăn uống ở Kon Tum, với nhiều người, cá chua là một món ăn độc đáo, dẫn dã và điều đặc biệt là đểcàng lâu thì từng miếng cá lại càng thấm gia vị, nên khi nếm một miếng cá chua thực khách sẽ thấm được vị mặn của muối, vị cay của từng trái ớt rừng, vị ngọt dịu nhẹ của lá bép, cùng với hương thính ngô thơm lừng sau khi lên men cho vị chua độc lạ. Tất cả làm nên một món cá chua có một không hai, một hương vị rất riêng của vùng núi Tây Nguyên.

Cá gỏi kiến vàng

Đến huyện Sa Thầy, Kon Tum, nơi sinh sống của dân tộc Rơ Măm bạn phải thưởngthức món cá gỏi kiến vàng độc và lạ. Món ăn mới nghe tên nhiều người cảm thấy sợnhưng khi được ăn rồi muốn ăn nữa.

 

Cá suối bắt loại vừa phải, bằng ba ngón tay, đem về làm sạch, băm nhuyễn, vắt cho cạn nước để đỡ mùi tanh. Kiến vàng chọn ổ kiến non, còn cả trứng đem về giã nhỏ để riêng. Lấy muối hột, ớt xanh, tiêu rừng trộn chung cá với kiến vào, thêm chút thính gạo bột gạo rang cháy xém, dậy lên mùi thơm. Khi ăn lấy lá sung cuốn lại vừa miếng và thưởng thức, vị ngọt của cá suối hòa vào vị béo của kiến non, vị cay xé của tiêu, ớt tạo nên hương vị ngon tuyệt vời.

Rượu vang ngọt sim Măng Đen

Do vị trí địa lý của vùng miền núi Kon Tum và khí hậu luôn ở nhiệt độ 10 đến 15 độ C mỗi ngày đã cho ra những quả sim luôn tươi mát. Nguồn nguyên liệu dùng để sản xuất rượu vang sim đặc sản Kon Tum là sim hoang dã, mọc tự nhiên ở các vùng cao của thôn Măng Đen thuộc tỉnh Kon Tum.

Mỗi năm cứ vào khoảng tháng 6 Dương lịch các đồng bào người dân tộc Cơ - Tu, Xê Đăng ở các vùng cao của thôn Măng Đen thuộc tỉnh Kon Tum lại rủ nhau vào rừng hái sim. Để đạt được chất lượng tốt buộc người hái sim phải hái vào thời điểm sáng sớm tinh sương. Từ nguồn nguyên liệu quý giá này kết hợp với công nghệ hiện đại sản xuất vang của Bordeaux (Pháp) đã được cải tiến và nguồn men chuyên sản xuất vang của nước Pháp, tất cả tạo nên cho rượu vang sim Măng Đen một hương vị mộc mạc tự nhiên của núi rừng nhưng không kém phần sang trọng cũng như đặc trưng của rượu vang chính hiệu.

 

Dế chiên Kon Tum

Có dịp nếu đến Kon Tum bạn đừng quên thưởng thức món đặc sản dế chiên để cảm nhận vị thơm, bùi, đậm đà mà không ngấy. Món ăn từ dế khá xa lạ với người đồng bằng, thế nhưng, với đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum, các món ăn chế biến từ dế đã trở nên quen thuộc, rất được ưa thích. Có rất nhiều loại dế như dế cơm, dế than, dế lửa nhưng để chế biến món ăn thì chỉ có dế cơm thì mới ngon được.

Để có một đĩa dế chiên vàng thơm cần trải qua nhiều công đoạn chế biến. Đầu tiên dế bắt về được rửa sạch, để ráo nước, sau đó cho vào chảo dầu đang sôi chiên lên. Bằng cách đó các bộ phận như đầu, chân… của dế trở nên giòn tan, còn phần thân dế lại không mất đi vị béo ngậy vốn có. Tiếp đó, để món dế có thêm hương vị, người ta nêm gia vị, bỏ thêm trái ớt, lá chanh, sả thái nhỏ vào rang chung. Khi cho các gia vị vào phải rang thật nhanh để lá chanh không bị mất đi màu xanh.

Thịt chuột đồng

 

Người Jẻ Triêng ở huyện Đăk Glei còn có món đặc sản là thịt chuột đồng, được chế biến chủ yếu thành hai món là: Thịt chuột nướng và Chuột khô gác bếp. Mùa lúa nương chín vàngcũng là mùa chuột đồng béo ngậy, ngon nhất, người dân vào mùa săn bắt chuột. Cuộn nhanh một đống rơm khô, nổi lửa lên thui trụi lông, bằng cách này thịt chuột dậy mùi thơm và giữ nguyênvị ngọt.

Sau khi làm sạch lông, mổ bụng, lột bỏ nội tạng, nhanh chóng rửa qua nước, xát chút muối lên khắp mình chuột rồi lấy que tre xiên thẳng, đem ra nướng trên bếp than cho vàng, dậy mùi thơm lên. Ăn kèm với ít xoài rừng chua, làm chén muối tiêu rừng, cay nồng, rất thích hợp. Kiếm thêm ít rau dớn rừng, bỏ vào ống le, đổ chút nước, đem nướng trên bếp rơm, chỉ một chút là đã có món ăn ngon lành.

Cà đắng

Cà đắng là món ăn dân dã của người dân tộc thiểu số Kon Tum. Cà đắng mọc thành vạt ven những ngọn đồi, bờ suối, quả nhỏ như cà pháo hoặc quả hình thuôn dài, to hơn đốt tay, màu xanh sậm, sọc trắng dọc quả. Trước đây, cà đắng là cây mọc hoang nay được bà con dân tộc mang về trồng trong vườn nhà, trái to hơn, màu xanh nhạt, vị đắng giảm đi chút ít, dễ ăn hơn và phù hợp với khẩu vị nhiều người.

 

Cà đắng nướng có vị thơm ngon đặc biệt, cà đắng thành từng lát mỏng, xiên qua từng que đặt lên nướng, khi cà chuyển sang màu nâu sậm, dậy mùi thơm lan tỏa và vừa chín tới, vẫn còn giữ chút nước đắng, hơi dai dai, mềm mềm, chấm với muối tiêu rừng hoặc ăn kèm với thịt rừng nướng rất ngon. Ngoài ra cà đắng còn nấu thành nhiều món kho với tôm, tép bắt được dưới sông hay cà đắng um lươn, ếch, món nào cũng ngon, cũng dậy lên hương thơm quyến rũ. Những ai ăn cà đắng lần đầu đều có cảm giác không thoải mái với vị đắng nhân nhẫn của loại trái hoang dại, nhưng vài lần sẽ nghiền và khó quên hương vị độc đáo của nó.

Xôi măng

Chỉ là món xôi nấu từ gạo nếp quen thuộc, kết hợp khéo léo với măng rừng nhưng đã trở thành món điểm tâm sáng thân thuộc với mỗi người dân tại Kon Tum.

Cách làm xôi măng khá đơn giản và chẳng mấy cầu kỳ. Măng tươi sau khi được đào trên rừng về lột bỏ vỏ ngoài, rửa sạch và thái miếng vừa ăn. Qua công đoạn sơ chế để làm mất mùi ngái, măng được đem xào qua với gia vị để trở nên đậm đà. Gạo nếp chọn loại ngon đem ngâm trong nước muối loãng có pha thêm bột nghệ để lên màu khoảng 8 tiếng thì mang ra đồ chín.

 

Mang nét đặc trưng riêng trong vẻ quyến rũ của màu sắc với đôi chút vàng tươi của măng rừng, đặt trên bát xôi nếp màu nghệ, xôi măng hấp dẫn người qua lại bằng cả mùi thơm đặc biệt, khiến biết bao người đều nán lại chỉ để mua cho được gói xôi kịp giờ đi làm. Vô tình món ngon ấy trở thành thứ để níu chân người một lần qua phố núi Tây Nguyên.

Thịt nhím

Dân tộc Brâu có nhiều các món ăn được chế biến từ rau rừng, thịt thú rừng như: heo rừng, thịt dúi, chuột đồng…. trong đó phải kể đến các món từ con nhím vừa bổ, vừa ngon mà còn phong phú cách chế biến.

Thịt nhím với vị ngọt, tính lạnh có tác dụng bổ dưỡng, nhuận tràng, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Nhím nướng than hồng, thịt nhím nhồi ống lồ ô, canh xương nhím nấu bột bắp, nhím gói lá dong, … Món nào cũng độc đáo, thơm ngon bởi thịt nhím chắc, thơm, hầu như không có mỡ, lớp bì dày nhưng giòn.

 

Cá tầm nấu măng

Tại cao nguyên Măng Đen, Kon Tum là vùng có nhiều hồ, nước mát lạnh quanh năm. Vì vậy, cá hồi, cá tầm được nuôi và sinh trưởng thuận lợi ở đây. Cá tầm là loại cá xương sụn, toàn bộ hệ thống xương của cá cũng như đầu cá đều cấu tạo từ sụn, thịt cá tầm trắng, dai, có vị béo ngậy, thành phần dinh dưỡng cao, dễ hấp thụ.

Đến đây bạn được thưởng thức món cá tầm mới được bắt lên từ hồ tươi roi rói. Cá tầm được làm sạch, tẩm ướp gia vị từ các loại cây dược liệu của núi rừng Măng Đen, sau đó được hấp, um hoặc nướng, sấy… bằng than hồng, hoặc nấu với măng le rừng chua món nào cũng ngon tuyệt.

Các món nướng trong ống lô ô

 

Với những nguyên liệu vốn có từ núi rừng, người dân tộc Ba Na ở Kon Tum chế biến thành những món ăn nướng trong ống lô ô rất độc và lạ. Sau khi rửa sạch các loại rau, cá sông, cá suối và các loại thịt gia súc, gia cầm băm nhỏ hoặc xắt thành sợi. Cà đắng, cà tím được xắt thành miếng. Cá mổ bỏ ruột, cắt thịt ra trộn rau rừng, măng rừng, sả, tiêu giã nhỏ cho vào ống lô ô. Còn thịt gia súc (trâu, bò, heo, dê) và gia cầm (gà, vịt) được thui trên bếp lửa rồi mới cạo hay vặt lông. Sau đó xẻ thịt, chặt từng khúc nhỏ, trộn gia vị cho vào ống lô ô để lên lửa than cây rừng nướng cho đến chín thơm phức hương vị độc đáo mà không có nơi nào có được.

Lá mì

Người dân tộc Brâu ở làng Đăk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) thường sử dụng lá mì vào những món ăn.

Cách chế biến đơn giản nhất và ít tốn kém nhất chính là lá mì muối chua, mà phải chọn lá mì ta, chứ không phải loại mì lai, mì nhật lá to nhưng ăn độc và không có vị ngon. Món này dùng như người Kinh ăn dưa muối, cà muối.

Từ lá mì chua, người Brâu chế biến ra nhiều món như: Gà rừng trộn lá mì chua, lá mì nấu cá khô, canh chua lá mì,…Món ngon nhất phải kể đến là gà rừng trộn mì chua. Món gà rừng trộn lá mì hiện diện trong mâm cơm thật dễ khiến người ta xuýt xoa không cưỡng lại được: màu xanh nâu của lá mì muối chua, thấp thoáng những miếng thịt gà rừng trắng, điểm thêm màu đỏ ớt hiểm. Vị chua gắt của lá mì muối, quyện với vị ngọt tự nhiên của thịt gà rừng tạo thành một hương vị đậm đà một cách hòa hợp và ngon miệng, ăn một miếng lại muốn nếm thêm miếng nữa, miếng nữa.

 

Những khi mùa mưa đến, không có thịt tươi, người Brâu lại chế biến lá mì với thịt khô (khô nai, khô cheo, khô bò…), giản dị nhất là lá mì nấu cá khô.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm