Ăn thịt chó là văn hoá?
Hồi còn nhỏ, nhà tôi có con chó vàng đẹp như tranh. Một ngày biển động, trời mưa, bè mảng nằm bờ, mấy ông trong xóm đến hỏi mua để đánh đụng. Người ta lùa bắt, lấy đòn gánh đè lên cổ, trói giật cánh khỉ hai chân trước, lấy khúc cây ghè mõm, rồi treo con vàng lên cây cắt tiết trước khi mang xuống biển dìm cho đến chết...
Một cảm xúc rất tự nhiên, tôi thương con vàng, ghét những người đến bắt giết nó, và tự hỏi sao thày mẹ tôi lại nỡ bán nó? Tôi chui vào góc nhà ngồi khóc, nhớ lại hình ảnh con vàng gần gũi, thân thiết hàng ngày. Hôm đó nhà tôi được chia phần thịt, đến bữa tôi không đụng đũa.
Nhưng rồi lớn lên tôi lại ăn thịt chó. Những năm tháng đói kém, có khi cả năm trời mới đôi ba lần được biết đến miếng thịt. Khan hiếm từng cân gạo, mớ rau, con cá, miếng thịt, cơ thể con người thường trực háo chất đạm. Châu chấu, nhái bén, chuột đồng đều trở thành nguồn thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể vốn đang thiếu hụt đủ đường, huống hồ con mèo con chó! Người ta nhìn con mèo, con chó không phải là người bạn thân thiết, thành viên trong một không gian gia đình, mà đơn giản chỉ là nguồn “vitamin gâu - gâu”, “vitamin meo - meo”, như cách gọi của nhiều người dân hồi ấy. Không hiếm nơi cứ dịp tết nhất, giỗ chạp, ma chay, cưới xin người ta lại giết chó. Có những nhóm người sùng bái “chủ nghĩa mộc tồn”, đến nỗi một tháng không được một bữa thịt chó thì thấy thiếu thiếu, bứt rứt trong người.
Cách đây hơn hai chục năm, hồi đang ở Tây Nguyên, một buổi chiều tôi được rủ đi ăn thịt chó. Tối đó tôi đau bụng, cả đêm không ngủ được. Rồi đêm sau, tôi mơ, bị đàn chó rượt đuổi. Bị dồn đuổi trên đường, tôi nhảy xuống hồ, đàn chó vẫn không buông tha. Không phải là những con chó bình thường, mà là hàng chục con chó bị thui loang lổ, răng trắng nhởn, kết thành thế trận hình vòng cung, lầm lũi nhe răng truy đuổi tôi. Khi tỉnh giấc, tim vẫn thình thịch, người đẫm mồ hôi. Những hình ảnh trong mơ khiến tôi liên tưởng tới bữa thịt chó và trận đau bụng hôm trước. Tôi đâm hãi. Hình như đó là thông điệp từ tiềm thức muốn lưu ý, nhắc nhở điều gì? Vạn vật hữu linh, biết đâu đấy...
Từ bấy đến giờ, tôi chưa bao giờ đụng đến miếng thịt chó.
Có người hỏi tôi, sao không ăn thịt chó. Tôi nói, có nhiều thứ để ăn, không nhất thiết phải thịt chó.
Mấy năm sau đó, thảng hoặc năm đôi ba lần, từ Tây Nguyên ra Hà Nội, tôi vẫn thường được anh em bạn bè rủ ra mạn đê Sông Hồng với vô vàn “Trần Mục” với “Anh Tú Béo”. Quả đúng là “liên hiệp các xí nghiệp thịt chó” với hàng hàng quán quán, xe xe cộ cộ, với công nghệ mờ mịt khói rơm, tưng bừng riềng sả, với tóc cua đầu hói, váy ngắn quần đùi...Khi mọi người rổn rang, đại loại “một chân chó, hai dồi chó mới vào” thì tôi rón rén xin đĩa đậu hay đĩa cá. Tôn trọng sự đa dạng và khác biệt, nhưng tôi vẫn được nhận cái liếc xéo, ra điều bày đặt...
Rồi không biết từ năm nào, tháng nào, “liên hiệp các xí nghiệp thịt chó” mạn Nghi Tàm như lửa rơm, bùng lên rất nhanh, rồi lụi. Tôi nghe có người bảo, quả báo đấy(!?) Tôi nghĩ, có nguyên nhân nào khác, như quy luật thị trường chẳng hạn, chứ quả báo quả bàng gì ở đây?!
Thảng hoặc, lâu lâu trên truyền thông nước nhà lại rộ câu chuyện, ở xứ người, người Việt ta vẫn nhớ món “cẩu nhục”, xem nó như “quốc hồn quốc tuý”, đến nỗi bất chấp luật lệ, phong tục nước người, giở thói anh hùng nhất khoảnh, trộm chó trộm mèo giết thịt. Nghe nói, một số quốc gia người ta trị cái tội ăn thịt chó thịt mèo rất nặng. Miếng thịt thành miếng nhục là vậy.
Khi thành phố Hà Nội dấy lên chủ trương vận động người dân Thủ đô không giết chó, không ăn thịt chó, có nhà xã hội học lên tiếng, rằng, ăn thịt chó là thói quen văn hoá, thành phong tục tập quán, khó mà xoá bỏ. Tôi đâm hoài nghi, ai ăn cứ ăn, nước mình nó thế, nhưng có thật ăn thịt chó là văn hoá, là phong tục tập quán của người Việt không? Khi bỏ thói quen giết chó và ăn thịt chó, có làm phương hại đến văn hoá hay phong tục tập quán cộng đồng không?
Có lần ở sân bay quốc tế Nội Bài, tôi chứng kiến cảnh mấy thanh niên mang theo nguyên một con chó thui. Họ nhìn trước ngó sau, lén lén lút lút rồi cố gói ghém, cất giấu trong túi hành lý, cốt sao cho qua cửa khẩu hải quan, an ninh. Tôi nghĩ, nếu sang bên kia, hải quan xứ người phát hiện ra trong túi hành lý của mấy thanh niên này cái món thực phẩm gọi là văn hóa, là “quốc hồn quốc tuý”, hình ảnh người Việt Nam trong mắt họ sẽ như thế nào nhỉ? Tôi nghĩ là dã man, hoang dại chứ chẳng có tí nét đẹp văn hoá văn minh gì ở đấy cả.
Tôi làm một cuộc điều tra nhỏ, hỏi nhanh một nhóm người trong cơ quan nơi tôi làm việc, anh/chị có ăn thịt chó không? Tất cả đều trả lời: không.
Những người tôi hỏi đều trả lời không ăn thịt chó, nhưng mỗi năm, theo kết quả điều tra của tổ chức Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA), người Việt Nam giết và ăn thịt khoảng 5 triệu con chó. Hàng tháng người ta vận chuyển khoảng 20.000 con chó từ Nam ra Bắc tiêu thụ.
Có cầu tất có cung. Nhiều người hành nghề ăn trộm chó, báo chí gọi là cẩu tặc. Trong số họ nhiều người chết thảm, nhiều người tàn phế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tử vi ngày 23/1/2025 của 12 con giáp: Quý nhân giúp tuổi Mão, tuổi Tuất cẩn trọng hơn
Sau ngày 23 tháng 1: 3 con giáp đón vận may giàu sang, thịnh vượng, cuộc sống thăng hoa
Gia đình xuống dốc, dòng tộc khó hưng thịnh nếu con cháu xuất hiện những đặc điểm này, cần chấn chỉnh ngay trước khi quá muộn
Loại hạt 'kim cương đỏ', Việt Nam trồng nhiều: Là ‘đồ ăn siêu cấp’, bán đắt gấp 10 lần ở trời Tây
Người xưa dạy cách nhìn người: “Ngựa nhìn bốn vó, người nhìn bốn tướng” là “bốn tướng” nào?
Tết Nguyên đán 2025: 6 cây cảnh 'toả mùi giàu sang', người có tiền thích chưng trong nhà để chiêu may, gọi lộc
Có thật ăn thịt chó là văn hoá, là phong tục tập quán của người Việt không? Ảnh minh họa: NLĐ.