Đời sống

Bôi gừng lên mặt chống nắng, coi chừng mang họa

Nắng nóng kéo dài, nhiều phụ nữ truyền nhau cách chăm sóc da mặt từ củ gừng để bảo vệ làn da khỏi ánh nắng, tẩy bay vết nám… Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo coi chừng rước họa vào thân.

Kem chống nắng là vật bất ly thân ngày nắng nóng nhưng dùng thế nào mới đúng? / Bạn có sử dụng kem chống nắng đúng cách?

Nhiều chị em đang chia sẻ công thức chăm sóc da, tẩy nám, chống nắng từ gừng, nào là thái lát gừng đắp lên mặt 10 phút rồi rửa lại bằng nước lã sẽ tăng cường đề kháng cho da…

Thông tin lan truyền rằng gừng có nhiều chất chống ô-xy hóa nên mỗi ngày đắp mặt nạ từ hỗn hợp gừng với mật ong và chanh chẳng những giữ cho da mặt luôn tươi trẻ mà còn tẩy bay vết nám, làm trắng da.

Boi gung len mat chong nang, coi chung mang hoa
Ảnh minh họa.

Chị T.T.X., 36 tuổi, ngụ tại Q.10, TP.HCM đang chờ khám da tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, mặt chị bị nám nên đã làm theo công thức trên mạng, đắp mặt nạ từ gừng và một số sản phẩm thiên nhiên để tăng cường chống nắng và tẩy nám.

Thời gian đầu bôi dung dịch, mặt chị có vẻ sáng hơn, vết nám mờ đi. Ai ngờ chỉ sau đó một tuần, mặt chị căng, sưng đỏ. Chị ngưng không dùng mặt nạ gừng nữa thì tình trạng sưng đỏ có giảm nhưng vết nám sậm màu hơn trước.

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - quản lý và điều hành Khoa Da liễu - Chăm sóc da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - ghi nhận, trong khoảng một tuần nay, lượng bệnh nhân gặp phải các vấn đề mặt bị viêm da tiếp xúc kích ứng do tự bôi các loại sản phẩm chăm sóc da tự chế chiếm tới 40% tổng số ca bệnh tới khám.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Chuyên, Bệnh viện Da liễu cũng cho biết, mỗi ngày những trường hợp bị viêm da dị ứng do tự ý bôi sản phẩm thiên nhiên tự chế lên mặt chiếm từ 10-15% số bệnh nhân mình khám.

Trước thông tin chăm sóc da mặt, chống nắng từ gừng, giáo sư - tiến sĩ Đông y Nguyễn Thị Bay - Trường đại học Y Dược TP.HCM - lưu ý: “Trong Đông y, gừng được dùng để tăng cường đề kháng cơ thể, chứ không dùng gừng để chăm sóc da và chống nắng theo kiểu trực tiếp như một số chị em đang làm”.

 

Boi gung len mat chong nang, coi chung mang hoa

Giáo sư Bay giải thích, trong gừng có tinh dầu và một số thành phần chống ô-xy hóa. Tuy nhiên, chất chống ô-xy hóa trong gừng cần được chiết xuất với liều lượng thế nào và dùng làm gì, chứ không phải cứ thái lát đắp lên mặt là được. Đối với da, tinh dầu từ gừng sẽ làm giãn cơ khi bôi, tác dụng sạch bã nhờn lỗ chân lông nhưng bôi mỗi ngày, lạm dụng lại gây mất cân bằng độ pH.

Bôi nhiều, đắp nhiều gừng chẳng những không chống được nắng mà còn làm phỏng biểu bì da. Lớp biểu bì da thông thường từ 4-6 tháng mới chết và bong ra, xoa gừng lên sẽ đẩy nhanh quá trình này, chỉ sau một ngày lớp biểu bì đã bị bong tróc. Chính vì vậy, nhiều chị em hiểu lầm mặt đang sáng lên, trắng ra.

Trong dân gian, có một số cây lá, củ, quả có tác dụng chống nắng nhưng phải đúng cách mới hiệu quả. Chẳng hạn như cà rốt chứa vitamin E nhưng phải chiết xuất được mới có tác dụng. Còn nếu thái lát đắp lên thì chỉ có màu thôi, vitamin E không hấp thu được vào da.

Nha đam cũng có tác dụng chống nắng nhưng với điều kiện để nguyên lớp gel nha đam bôi trên mặt khi ra nắng, chứ chỉ đắp lên rồi rửa thì không tác dụng. Dưa leo cũng vậy, nhưng mấy ai để khuôn mặt đắp đầy dưa leo đi ra đường để chống nắng, còn đắp lên rồi rửa sạch mới ra nắng thậm chí lại phản tác dụng, khiến da bắt nắng nhiều hơn.

“Trong gừng không có hoạt chất chống nắng, chị em đừng nghe đồn thổi bôi lên mặt kẻo mang họa”, bác sĩ Lê Thái Vân Thanh khẳng định.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm