Đời sống

Căn bệnh có thể gây chết người lây truyền từ thú cưng

Dù thường xuyên được nhốt trong nhà và kiểm tra sức khỏe, một vài trường hợp thú cưng vẫn có thể mắc bệnh dại, gây nguy hiểm cho người.

Những sai lầm khi ăn lẩu khiến bạn tổn thọ, bỏ ngay trước khi quá muộn / Phụ nữ tưởng mình giỏi nấu nướng nhưng hầu hết đều mắc phải 8 sai lầm này

Hai con chó đánh nhau trong sự bất lực của người chủ tại công viên ở Hà Nội. Ảnh: Đức Anh.

Mới đây, một nữ nhân viên thú ý tại Đồng Nai bị một con chó mắc bệnh dại cắn vào tay khiến nhiều người bất ngờ và lo lắng. Điều đáng nói là giống chó Poodles vốn có kích thước nhỏ, thân thiện và quấn người.

Sau sự việc này, ngành y tế tỉnh Đồng Nai lập tức điều tra và xử lý ổ dịch chó dại tại địa phương và kiểm tra nhiều tiếp xúc gần.

Theo Bộ Y tế, bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Chủ spa không dám nhận thú cưng có biểu hiện mệt

Chị Thanh Nhàn, chủ trung tâm chăm sóc, khách sạn chó mèo ở TP.HCM, cho hay bị chó, mèo cắn là tai nạn thường gặp khi làm việc với thú cưng. Vì thế, các phòng khám thú y, trung tâm chăm sóc thú cưng cần sàng lọc kỹ chó mèo trước khi nhận chăm sóc.

 

“Trước khi nhận chăm sóc các bé, chúng tôi luôn có quy trình kiểm tra kỹ càng về lịch sử chích ngừa và tình trạng chó, mèo. Nếu có biểu hiện mệt hoặc mắc bệnh về da, ve, rận… chúng tôi cũng từ chối nhận”, chị chia sẻ.

Chị Nhàn cho hay chó, mèo đều phải bắt buộc được chích ngừa đều đặn hàng năm để đảm bảo sức khỏe. Thông qua sổ tiêm, trung tâm có thể xác định được.

benh dai anh 1

Chị Nhàn chia sẻ chó, mèo cắn là tai nạn thường gặp khi làm việc với thú cưng. Ảnh: Duy Hiệu.

Chị Nhàn lý giải một con chó bị dại cho đến khi phát bệnh phải có khoảng thời gian ủ bệnh 7 ngày. Nếu theo dõi chó sát sao, chủ chó rất dễ nhận ra những dấu hiệu mắc bệnh trước đó như bỏ ăn, sốt cao, mắt đỏ, lừ đừ, uống nước dồn dập đến mức sùi bọt mép.

 

Những trường hợp chó như vậy nên sớm được phát hiện, tách ra khỏi bầy đàn và có cách xử lý sớm để tránh làm bị thương con người cũng như những con vật xung quanh.

Bệnh dại đang gia tăng ở Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hàng năm, thế giới có trung bình 60.000 ca tử vong do dại. Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012-2016.

Tuy nhiên, từ năm 2021, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại.

Trong đó, tỉnh Bến Tre có 12 ca tử vong (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021), Kiên Giang có 5 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 ghi nhận 1 ca) và Gia Lai ghi nhận 4 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 không ca tử vong).

 

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong đợt Tết 2023, tình hình tiêm chủng vaccine phòng bệnh dại tại đơn vị này tăng rõ rệt. Trong đó, tổng số lượng tiêm phòng dại là 1.365 lượt. Số ca tiêm chủng do chó cắn, đả thương là 496, bệnh mèo cào là 55.

Tại Hà Nội, từ đầu năm tới nay, phòng tiêm chủng Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận 99 trường hợp bị chó, mèo cắn đến tiêm phòng dại.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại được lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, liếm, xước trên da… vào cơ thể.

Virus từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương, sau đó sinh sản rất nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Dại là một trong số căn bệnh truyền nhiễm có thể tỷ lệ tử vong cao nhất. Trên thực tế, 100% người lên cơn dại sẽ tử vong ngay sau đó.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do không tiêm phòng vaccine. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.

 

Tính đến tháng 9/2022, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, tỷ lệ cần đạt phải ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp.

Dại vẫn có thể bùng phát ổ dịch

Tại Đồng Nai, sau khi ghi nhận tình trạng chó dại cắn người, lực lượng y tế địa phương đã nhanh chóng khử khuẩn theo quy định tại khu vực ổ dịch có chó dại và đề nghị những người sinh sống trong nhà, có tiếp xúc với chó dại đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vaccine.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đồng Nai cũng kiến nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh điều tra và xử lý ổ dịch chó dại tại địa phương và các nơi có liên quan.

benh dai anh 2

Chó thả rông chưa tiêm phòng có thể một nguồn lây bệnh dại. Ảnh: A.H.

 

Theo Cục Y tế dự phòng, cơ quan thú y và y tế cần giám sát nơi có ổ dịch chó dại cũ, nơi thường xảy ra bệnh dại ở súc vật, những nơi mua bán súc vật nhất là chó, mèo để tránh bùng dịch.

Những con vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại cần phải được cách ly theo dõi. Toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc.

Tất cả chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch phải được nhốt, theo dõi. Chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch và các phường tiếp giáp phải được tiêm bắt buộc. Nếu không tiêm, chúng buộc phải bị tiêu hủy.

Những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.

Những người bị chó, mèo cắn phải thực hiện nghiêm ngặt nội dung sau:

 

– Xử lý vết thương:

+ Rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng virus tại vết cắn.

+ Chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày.

+ Tiêm vaccine uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm