Con dâu khốn đốn vì bị mẹ chồng quản lý ngân sách
Định đón mẹ chồng sống cùng, nàng dâu "chết khiếp" với đề nghị hoang đường đến từ chị chồng, song sự im lặng này mới khiến cô "dứt khoát" / Hí hửng kéo hành lý đi hưởng tuần trăng mật, nhưng vừa tới sân bay gặp ngay bố mẹ chồng khiến tôi hoảng đến "vỡ mật"
“Mẹ giữ hộ, chứ đời nào bố mẹ lấy của các con”
Vừa chân ướt chân ráo về làm dâu, Hiền đã được mẹ chồng gọi riêng vào phòng thủ thỉ: “Trước giờ mẹ vẫn giữ tiền của thằng Hưng (chồng Hiền), giờ có thêm con về nhà này coi như mẹ có thêm một đứa con. Từ nay tiền vợ chồng các con làm được bao nhiêu thì đưa cho mẹ giữ giúp.”
Theo Hiền, lí do mà mẹ chồng cô đưa ra đó là do vợ chồng cô còn trẻ, bà không tin tưởng khả năng quản lí tài chính cho hai vợ chồng. Thấy con dâu ngơ ngác, mẹ chồng Hiền vội trấn an “mẹ chỉ giữ hộ thôi, chứ đời nào bố mẹ lại lấy tiền của các con”. “Nghe mẹ chồng nói cũng có lý. Mới về làm dâu mình cũng chẳng muốn tranh luận cho mang tiếng làm gì. Thôi thì, bà thích giữ thì mình cho bà giữ”, Hiền chia sẻ.
Tương tự hoàn cảnh của Hiền, là Ánh (Đông Anh, Hà Nội). Thậm chí Ánh còn gặp cảnh bi đát hơn khi bà mẹ chồng không chỉ muốn giữ tiền mà còn “cuỗm” sạch tiền vàng mừng cưới của đôi vợ chồng trẻ. “Mẹ chồng mình cũng viện lí do giữ giùm, giữ hộ, cần sẽ trả. Không chỉ tuyên bố bắt vợ chồng mình phải nộp tiền lương hàng tháng, mà có bao nhiêu tiền vàng mừng cưới (cả của mẹ đẻ mình cho) bà cũng đòi giữ sạch”, Ánh ấm ức.
Nhưng không im lặng để được tiếng như Hiền, ngay khi mẹ chồng có ý kiến là Ánh cũng tỏ luôn thái độ. Rằng: “Chúng con đã trưởng thành đến tuổi dựng vợ gả chồng cả rồi, đâu phải những đứa trẻ con mà không biết quản lí tiền bạc. Việc này mẹ cứ để chúng con tự lo” đồng thời không quên cảm ơn ý tốt của mẹ chồng.
Ánh bức xúc: “Trước giờ đến mẹ đẻ mình còn chưa bao giờ quản lí tiền bạc của mình, giờ mẹ chồng không nuôi không dưỡng mà tự nhiên đòi giữ cả tiền mồ hôi công sức mình kiếm được. Như thế ai mà không ức”.
Nhưng không may cho Ánh, chồng cô vốn giữ thói quen nộp tiền vào “kho mẹ” nên tỏ ra không hài lòng với vợ. Sau một hồi tranh luận, cuối cùng “tiền vợ thì vợ giữ, tiền chồng vẫn cứ nộp mẹ chồng”.
Tháng nào lấy lương cũng phải giao nộp lại cho mẹ chồng. (Ảnh minh họa) |
Nghe cũng khổ, không nghe cũng khổ
Ngay sau buổi “đàm phán” tiền nong bất thành, mẹ chồng Ánh bỗng nhiên thành kiến với con dâu vì tội không nghe lời. Tiền của con trai nộp bà kêu để dành, còn mọi khoản chi tiêu trong gia đình con dâu cầm tiền thì phải lo liệu.
Bình thường thì không sao, chỉ tới khi nhà có công có việc Ánh mới đủ méo mặt. Lí do là mẹ chồng không đưa thêm đồng nào, trong khi đó “vẽ” ra hàng tá những món sơn hào hải vị. Ánh có kêu thì bà lại được dịp trách móc “bảo đưa tiền lương đây thân già này lo hết cho thì không chịu. Sướng không muốn thì giờ cũng đừng kêu ai”.
Thế nhưng nghe lời như Hiền cũng chẳng sung sướng, bởi mỗi tháng vợ chồng Hiền được mẹ chồng cho tiền tiêu vặt như phát chẩn. “Trước đây lúc đòi giữ tiền lương bà nói ngọt xớt rằng lúc nào cần cứ bảo mẹ sẽ đưa cho. Ấy vậy mà giờ cứ mở miệng xin là lại nghe ca cẩm đủ kiểu, đưa rất ít thậm chí là không đưa”, Hiền than thở.
Nghĩ đến đồng tiền mồ hôi công sức mà không được hưởng, Hiền quay sang trách chồng. Chồng thì nghe mẹ, nghĩ vợ tiêu xài hoang phí. Vậy nên vợ chồng mới cưới mà chuyện to tiếng, ‘choảng nhau” xảy ra như cơm bữa.
Chị em hiến kế đối phó với mẹ chồng thích giữ tiền
Chị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Dù mất lòng hay không thì con dâu cũng nên thống nhất chi tiêu với mẹ chồng ngay từ đầu. Đừng để các cụ được nước làm tới, lúc đó có hối cũng đã muộn. Quan trọng là chị em phải biết cách nói năng làm sao cho thuyết phục và khéo léo nhất.
Như mình đây, lúc đầu nghe mẹ chồng đặt vấn đề sẽ quản lí tiền nong của hai vợ chồng, mình cũng bất ngờ lắm. Một mặt mình nghĩ ngợi không biết có phải mẹ chồng mình tham tiền hay không, mặt khác lại nghĩ cũng có thể bà lo cho con cháu thật. Nhưng với lí do gì thì câu trả lời của mình vẫn là không.”
Theo chị Hà, để không mất lòng mẹ chồng, khi bà nói đề nghị ấy mình cứ giả như đang lắng nghe. Sau đó tỏ ra tiếc nuối rồi bảo “ôi chán thế, giá mà mẹ nói sớm với con thì tốt. Tiền vàng có bao nhiêu còn đều đổi thành vàng miếng rồi gửi ngân hàng hết rồi. Nhưng thôi thế cũng tốt, vì mẹ đỡ mệt đầu. Nói như thế vừa trốn được “nhiệm vụ” vừa mang tiếng nghĩ cho mẹ chồng”, chị Hà chia sẻ.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm chuyên gia tâm lý, chị Tâm (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Nguyên nhân khiến mẹ chồng thích quản lý tiền bạc của con cái chủ yếu xuất phát từ thói quen trước đó hoặc do tâm lý sợ các con không biết cách chi tiêu. Hoặc cũng không loại trừ trưởng hợp bà mẹ chồng sợ con trai mình vất vả kiếm tiền trong khi con dâu tiêu xài hoang phí. Dù trường hợp nào thì người con dâu cũng cần biết cách thảo luận tiền bạc với mẹ chồng ngay từ đầu để thống nhất quan điểm.”
Theo chị Tâm, thẳng thắn bày tỏ thái độ với mẹ chồng là việc không nên làm, bởi điều này sẽ ảnh hưởng rất không tốt tới mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu về sau. Hoặc im lặng đồng ý miễn cưỡng như trường hợp chị Hiền ở trên cũng không tốt “bởi điều này chỉ khiến người con dâu cảm thấy ức chế. Dần dần sự căng thẳng sẽ trở nên quá sức chịu đựng và nổ tung bất cứ lúc nào”, chị Tâm đưa ra lời khuyên.
“Tốt nhất cứ khôn khéo như trường hợp của chị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội). Đôi lúc sự khôn khéo và lời nói dói vô hại sẽ giúp ích nhiều cho chị em chúng ta giữ gìn hạnh phúc gia đình. Và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, con dâu cũng nên tham khảo ý kiến mẹ chồng trước những việc lớn cần chi tiêu. Điều này sẽ khiến mẹ chồng, dù không giữ tiền cũng sẽ cảm thấy được coi trọng và tôn trọng. Cuối cùng, điều quan trọng nhất đó là việc chúng ta nên học cách chi tiêu hợp lý, biết tính toán việc tương lai. Như thế thì sẽ chẳng mẹ chồng nào đòi giữ tiền giúp”, chị Tâm đúc kết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo