Đời sống

Đặc sản gỏi lá: Đúng như cái tên, toàn lá là lá có tới 60 loại lá

Đặc sản này có cái tên đặc biệt là 'gỏi lá' vì thành phần có tới 60 loại lá khác nhau, mỗi lá mang một mùi vị đặc trưng của đặc sản Tây Nguyên. Gỏi lá Kon Tum là sự hòa quyện của vị chua, cay, ngọt, bùi, béo, nồng… Khi đã ăn một lần, người ta sẽ nhớ mãi không thôi.

Món ăn này có cái tên đặc biệt là “gỏi lá” vì thành phần có tới 60 loại lá khác nhau, mỗi lá mang một mùi vị đặc trưng của đặc sản Tây Nguyên.

Gỏi lá đã đưa thực khách đến gần hơn với đặc trưng của văn hóa ẩm thực Tây Nguyên vì khi ăn từ việc chọn lá, lấy thức ăn kèm và cuốn gỏi phải dùng tay mới đúng điệu.

Nguyên liệu chính của món ăn là lá rừng nên lá phải được lấy ở trong rừng từ sáng sớm. Các loại lá mà chỉ Tây Nguyên mới có như lá trâm, ngành ngạnh đỏ, mật gấu, lá bứa, từ đại bi… Bên cạnh đó, mâm gỏi lá còn có thêm các loại lá dễ tìm hơn như chùm ruột, ngũ gia bì, lá sung, lá ổi, lá xoài, đinh lăng, càng cua, tía tô, lá mơ, lá cải…

Gỏi lá ăn chung với thịt ba chỉ luộc chín thái mỏng, tôm đất được cắt đầu rang vàng khô vừa béo vừa mềm. Món bì heo được chế biến vô cùng công phu khi được thái sợi rồi trộn với riềng giã mịn và gia vị. Phải có thêm đĩa tiêu nguyên hạt, muối hạt và ớt chỉ thiên, loại ớt xanh có mùi thơm đặc trưng của đất đỏ bazan.

Nhưng có lẽ, điểm nhấn đặc biệt nhấtcủa thức đặc sảnnày là nước chấm. Nước chấm của món gỏi lá Kon Tum không phải nước mắm hay nước tương thông thường mà được đặc chế từ hèm rượu, khử qua bằng dầu ăn rồi trộn cùng trứng vịt tạo nên chén nước chấm đậm đà, bắt mắt có màu vàng của nghệ. Sau đó, tất cả các loại lá đã được hái từ sáng sớm sẽ được rửa sạch và bày lên mâm. Các món ăn kèm cũng dọn ra cùng.

Giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu đã công phu, khi thưởng thức món ăn này cũng đặc biệt không kém, không thể vội vã mà phải theo đúng quy trình. Trước tiên, chọn một lá to bản như lá cải hoặc lá mơ lông bao bên ngoài, tiếp đó chọn lá non xếp vào trong, khi thấy vừa một cuốn gỏi thì xoáy gấp cuốn lá thành hình phễu.

Sau đó, cho thêm một lát thịt heo, một miếng tôm, vài sợi bì lên trên. Nhất định phải bỏ thêm muối hạt và hạt tiêu nữa mới đủ vị. Còn ớt chỉ thiên thì nên ăn riêng nếu ai thích vị thơm cay nồng của nó. Mỗi lần cuốn lá chúng ta có thể lựa chọn các loại lá khác nhau để tạo nên những hương vị riêng, khi thì bùi bùi của lá sung, chan chát của lá ổi khi lại thơm dịu, chua chua của lá xoài.

Cuối cùng, múc một thìa nước chấm chan đều lên rồi bỏ hết cuốn gỏi vào miệng và từ từ thưởng thức sự hòa quyện của hoang dại, nồng nàn, thanh mát đậm hương vị Tây Nguyên.

Đến mùa Xuân, khi hoa cỏ đâm chồi nẩy lộc mới đủ 56 loại lá trong mâm gỏi, các mùa còn lại chỉ còn khoảng 30-40 loại lá rừng. Khi hái, người ta cũng ý tứ bảodưỡng những cành lá non “để dành” cho ngày mai còn có cái mà thu gom nữa.

Theo lời kể của người dân nơi đây, món gỏi lá xuất hiện tại Kon Tum cách đây gần 25 năm khi họ cùng với đồng bào dân tộc thiểu số thường hái lá rừng thay cơm khi lên nương rẫy. Sau này trở về phố, ngoài lá rừng, họ còn phát hiện thêm các loại lá dễ kiếm hơn cùng các thức ăn ăn kèm để trở thành món gỏi lá đặc sắc ngày nay.

Gỏi lá Kon Tum từng hai lần được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là top 10 đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á.

Người dân địa phương thường nói rằng đến với Kon Tum, chưa ăn gỏi lá thì chưa nên về. Gỏi lá được ví như tinh hoa của Tây Nguyên, món ăn mang đậm chất núi rừng khi trong mâm Gỏi lá, như tên gọi của nó, toàn lá là lá.

Theo Đậu Đậu/Dân Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo