Đời sống

Dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm vị thành niên

Thay đổi cảm giác ngon miệng hoặc khối lượng cơ thể, hoạt động chậm chạp... có thể là dấu hiệu của bệnh tâm thần tuổi vị thành niên.

Trầm cảm là gì?

Dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm vị thành niên

Bạn cần thận trọng với bệnh trầm cảm vị thành niên. Nguồn ảnh: Internet

Trầm cảm là bệnh lý của rối loạn cảm xúc, giảm khí sắc. Người bệnh luôn buồn rầu, giảm các hứng thú, sút cân, rối loạn giấc ngủ, giảm tập trung chú ý, không thích hoạt động. Nặng hơn, người bệnh có ý nghĩ mình phạm tội lỗi, thấy bản thân không xứng đáng và có thể dẫn tới hành vi tự sát.

Dấu hiệu nhận biết trầm cảm vị thành niên

Trầm cảm ở vị thành niên về cơ bản cũng giống với trầm cảm ở người trưởng thành. Giai đoạn trầm cảm kéo dài ít nhất 2 tuần, trong đó phải có ít nhất 1 trong 2 triệu chứng chủ yếu là khí sắc giảm hoặc mất hứng thú/sở thích cho hầu hết các hoạt động. Khí sắc có thể bị kích thích nhiều hơn buồn, nghĩa là có một thời điểm trong ngày, bệnh nhân nổi cáu vô cớ. Ngoài ra, bệnh nhân cần biểu hiện ít nhất 4 trong số các biểu hiện sau: Thay đổi cảm giác ngon miệng hoặc khối lượng cơ thể (ăn ít hoặc ăn nhiều, sút cân hoặc tăng cân), rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều) và hoạt động tâm thần vận động chậm chạp (hoặc kích động), giảm sút năng lượng, cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định, ý nghĩ tái diễn về cái chết hoặc ý nghĩ, kế hoạch và hành vi tự sát.

Điểm khác biệt lớn nhất của trầm cảm ở vị thành niên so với người lớn là hay cáu gắt, học hành sút kém và thường xuyên nghĩ về cái chết. Từ ý nghĩ về cái chết (mình chết quách đi cho đỡ khổ), bệnh nhân sẽ nhanh chóng có kế hoạch thực hiện hành vi tự sát.

Cách phòng tránh bệnh trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên

 

Cuộc sống ở lứa tuổi vị thành niên có thể ví như đồ thuỷ tinh, đẹp, trong suốt nhưng rất dễ vỡ. Do vậy để tránh cho con mình rơi vào những trạng thái tâm lý tiêu cực, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến con trẻ về đời sống tinh thần, mối quan hệ bạn bè, chia sẻ với trẻ những khó khăn trong cuộc sống của chúng. Đặc biệt không nên quát mắng, xúc phạm khi trẻ có lỗi hoặc có kết quả học tập kém bạn bè mà nên phân tích, răn dạy cho trẻ hiểu.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo