Đời sống

Đồng Nai: Mùa săn tôm càng xanh, cá đặc sản kiếm vài trăm ngàn/đêm

Từ tháng 9, tháng 10 trở đi (thời điểm sắp hết mùa mưa) là mùa 'săn' thủy sản của nhiều người dân sống dọc sông Đồng Nai. Tùy từng loại thủy sản mà người trong nghề lựa chọn thời điểm nước lên, nước xuống để đi đánh bắt cho phù hợp.

Ngày nay, việc kiếm sống bằng các ngành nghề ở thành phố phát triển công nghiệp - dịch vụ bậc nhất cả nước khá dễ dàng, thế nhưng, nhiều gia đình vẫn gắn bó với nguồn thủy sinh tự nhiên ở sông.

Nhộn nhịp “xóm cào”

Sông Đồng Nai là dòng sông khá hiền hòa, thơ mộng. Bên cạnh những nguồn lợi về phù sa, nước sinh hoạt và tưới tiêu, giao thương và du lịch, sông Đồng Nai còn có nguồn thủy sản tự nhiên phong phú. Các loại cá như cá đối, cá phèn, cá nâu, cá chép, cá bống; tôm càng xanh, cua, hến... có quanh năm. Vừa có vị ngòn ngọt xen lẫn chút mặn mòi đặc trưng, thủy sản sông Đồng Nai được nhiều người yêu thích.

Sản phẩm thu hoạch được của ngư dân đi ghe. Ảnh: L.An.

Tháng 9, tháng 10 trở đi được xem là mùa đánh bắt, bởi qua mùa mưa, cá, tôm sinh sản nhiều và sinh trưởng nhanh hơn, sản lượng thu về nhiều hơn, đồng nghĩa với thu nhập của những người đi ghe cũng khá hơn.

Một buổi sáng tháng 10, ở “xóm cào”, phường Long Bình Tân có hàng chục ghe, thuyền buông lưới bắt hến, cá, tôm, cua đem bán. Người dân ở đây cho biết, tên “xóm cào” đã có từ hàng chục năm và sau này, dù đã có tên phố, tên phường người ta vẫn quen gọi “xóm cào”, theo cách gọi dân dã của người miền Tây, xưa kia lên đây buôn bán rồi định cư.

Theo ghe của ông Nguyễn Văn Châu (54 tuổi) chúng tôi xuôi về hướng Bến Gỗ (phường An Hòa) để “cào hến“. Chạy chừng 2km, ông Tân kiểm tra lưới rồi quay ra nói, “chắc vừa có ghe cào ở đây“ và cho ghe chạy nhanh hơn về hướng huyện Long Thành. Trên ghe còn có cậu em họ của ông Châu chừng 15-17 tuổi theo phụ.

Tiếng ông Châu xen lẫn tiếng máy: “Chục năm trước “xóm cào” có đến hàng trăm chiếc ghe, đậu kín cả mé sông. Sau này, do phát triển công nghiệp, phần vì ghe hư hỏng nên số người làm nghề giảm đáng kể“. Ông Châu theo cha đi ghe khi mới hơn 10 tuổi. Lúc đó, ghe phải chèo bằng tay hoặc chân chứ không có động cơ, vất vả hơn nhiều. Những ngày ghe trúng, ông theo cha lên chợ Bến Gỗ bán sỉ cho tiểu thương, được nhiều thì bưng thau bán dạo ngoài xóm, cũng có ngày “hẻo“ quá, chỉ đủ làm thức ăn cơm chiều.

Giờ đây, ghe về, ông Châu chỉ cần gọi điện thoại, “mối” vào tận nhà “gom hàng“. Trung bình mỗi ngày ông Châu kiếm được vài trăm ngàn đồng. “Đủ rau dưa mắm muối và thức ăn tươi mỗi ngày“ - ông Châu nói. Do ông Châu cũng có gần 50 năm theo nghề nên có kinh nghiệm, buổi sáng nước lớn thì cào cá, buổi trưa cào hến, tối đến cào cua, cáy.

Càng về trưa, tiếng đò máy, tiếng người gọi nhau trên các ghe càng nhộn nhịp. Con nước lên cũng là lúc các ghe chạy về phía bến đò ở xã Long Hưng. Một số bán sỉ tại chỗ, một số đưa về bán chợ chiều. Ngoài các ghe của người dân xóm cào, còn có ghe của người dân ở huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch, quận 2 và quận 9 (TP.Hồ Chí Minh).

Độc đáo nghề câu

Đặc trưng nhất và cũng là loại thủy sản có giá trị kinh tế cao nhất ở sông Đồng Nai là tôm càng xanh. Nhờ sản vật này, hàng chục hộ dân bám trụ lòng sông đã có nghề, có nhà.

Bà Lê Thị Hồng đang chuẩn bị ngư cụ câu tôm. Ảnh: L.An.

Nghề câu tôm ban đầu phát triển bởi các thuyền buôn bán nhỏ nằm ở chân cầu Ông Tơ (nay là cầu Bửu Hòa, phường Bửu Hòa). Những người đi câu ở đây đều không biết nghề này có từ bao giờ, chỉ biết đời cha, đời ông đã đi câu.

Bà Lê Thị Hồng, người có 40 năm gắn bó với nghề câu tôm càng xanh cho biết, lên 9 tuổi, bà đã lênh đênh theo cha từ cầu Ghềnh, cầu Ðồng Nai (TP.Biên Hòa) xuống tận vùng Long Thành, Nhơn Trạch để phụ thả lưới, gỡ tôm. Lớn lên, bà lập gia đình với một người dân câu trong xóm và cả hai gắn bó với nghề đến hiện tại. Cũng nhờ nghề câu, bà Hồng cất được căn nhà ven sông, các con được đi học đến nơi đến chốn, hiện con rể của bà cũng theo nghề này.

Theo bà Hồng, trước mỗi chuyến đi, thợ câu phải dành vài giờ đồng hồ gỡ lưới, móc mồi (trùn hoặc tép). Theo giờ nước lên, mỗi ngày người câu đi thả lưới 2 lần. Theo kinh nghiệm của dân câu, nếu ngày hôm nay thả lưới lúc 3 giờ và 15 giờ thì ngày hôm sau sẽ là 4 giờ và 16 giờ. Mỗi ghe thả chừng 100-150 tụ, tương đương 1-1,5 ngàn lưỡi câu. Mỗi một tụ thả câu cách nhau khoảng 1m và được gắn phao bằng nhựa để làm dấu. Nếu may mắn, mỗi tụ có thể “dính“ 1-2 con tôm càng.

Ông Mai Trung Hiền, một thợ câu lớn tuổi trong xóm cho biết, tuy vất vả nhưng dân câu khó mà bỏ nghề. Bản thân ông từng vài lần bỏ lên bờ tìm việc làm, thế nhưng chỉ được một thời gian, nhớ ghe, nhớ nước lại quay trở về. Thấy dân trong xóm sửa soạn đồ nghề, ông cũng dong thuyền đi câu.

Hiện tại, quanh khu vực cầu Bửu Hòa có khoảng 20 hộ gia đình làm nghề với khoảng 30 ghe giăng câu mỗi ngày. Cũng giống như các loại thủy sản sông khác, tôm càng xanh được mối lái đặt hàng đưa về các chợ, nhà hàng bán với giá từ 300 - 600 ngàn đồng/kg. Giá cao, tiêu thụ thuận lợi, nhiều người an tâm gắn bó với công việc này.

Sông Đồng Nai có nhiều loại thủy sản ngon nức tiếng, mỗi loại có cách chế biến khác nhau như: cá phèn (có nhiều ở khu Bến Gỗ, xã Long Hưng, TP.Biên Hòa) thịt mềm, thơm, có thể chiên tươi, kho tộ, kho tương; cá nâu (có nhiều ở vùng Long Thành, Nhơn Trạch) tựa như cá chim nhưng mình tròn hơn, trên nền da vàng có đốm nâu tròn. Cá nâu càng lớn, thịt càng dày và dai. Cá nâu ngon nhất là nướng than chấm muối ớt.

Hến (có nhiều ở sông thuộc các phường Tân Mai, An Bình, Long Bình Tân), hến sơ chế nấu cháo hoặc nấu canh. Cũng có nhiều người mua hến nhỏ về làm thức ăn cho gà, vịt.

Riêng tôm càng xanh (có nhiều ở vùng Tam An, huyện Long Thành) thịt chắc và ngọt, có thể chế biến thành nhiều món cho người lớn, trẻ nhỏ. Ghẹ, bạch tuộc, chem chép (có nhiều ở các xã Long Thọ, Đại Phước, Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) dùng để hấp tươi ăn là ngon nhất.

Theo Lê An/Báo Đồng Nai
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo