Đời sống

Hoàng đế nói về đàn bà xấu và triết gia nói cái xấu của đàn bà

Chúng ta vẫn quen với những câu nói cửa miệng như: “Phụ nữ là phái đẹp”, hay “Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp”. Và chúng ta cũng không lạ gì với những khuôn mẫu về vẻ đẹp của phụ nữ, hay “nữ tính”: chăm chỉ, chịu thương chịu khó, chung thủy, quên mình vì chồng con….

Tâm sự đàn bà ly hôn: Chồng nói tôi sẽ đau khổ nhưng tôi đã chứng minh điều ngược lại / Những lý do khiến đàn bà dù bị chồng đối xử tệ bạc đến mấy cũng không dám ly hôn

Không những thế, phụ nữ còn phải thùy mị, nết na, thậm chí là yếu ớt và thụ động (liễu yếu đào tơ). Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi, nguồn gốc thực sự của quan niệm đó là tự nhiên hay xã hội?

Các nhà triết học hậu hiện đại đã triển khai ý kiến rất sâu sắc của Marx, rằng: “Con người là tổng hòa các quan hệ xã hội”, và chỉ ra rằng toàn bộ đời sống xã hội, bao gồm không chỉ triết học, luật pháp, khoa học, mà cả các hệ thống giá trị, thẩm mỹ, đạo đức..., cũng chỉ là sản phẩm của các “kiến tạo xã hội” (social constructs), hay còn gọi là “kiến tạo văn hóa”.

Chẳng hạn, quan niệm về sự khác biệt nam/nữ (đàn ông là phái mạnh, chủ động và sâu sắc, còn đàn bà là phái đẹp, yếu ớt, nông cạn: “Đàn ông nông nổi giếng thơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”) chẳng qua là hệ quả của xã hội nam quyền.

Vì lý do đó, những người đấu tranh cho nữ quyền phê phán việc Kinh Thánh mô tả phụ nữ như là chiếc xương sườn của đàn ông, kêu gọi cấm kể những chuyện cổ tích có nội dung “tiêu cực”, chẳng hạn mô tả những nàng công chúa chỉ biết làm một việc duy nhất là vào rừng ngủ để đợi hoàng tử đến cưới làm vợ! Tuy nhiên, theo nhà triết học Pháp Derrida, trong xã hội hậu hiện đại đang có sự phân rã các kiến tạo xã hội, một quá trình tự nhiên mà ông gọi là “giải kiến tạo” (déconstruction).

Một ví dụ trong xã hội Việt Nam: Nếu như trước đây, việc con mang họ bố là đương nhiên, thì ngày nay, rất nhiều cặp vợ chồng cho con mang họ của cả hai bố mẹ, như Nguyễn Lê Y.Y, Trần Hoàng X.X.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ không sa đà vào câu chuyện triết học này, mà hãy thử xem người xưa nghĩ về phụ nữ và vẻ đẹp phụ nữ ra sao. Biết đâu, đó lại là một cách hay để suy nghĩ về đề tài rất khó mà cũng rất hấp dẫn này.

Người đầu tiên là Lê Thánh Tông, một vị hoàng đế vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. Với bài thơ Nghiệt phụ trong truyện Người trần ở thủy phủ (Thánh Tông di thảo, Nguyễn Bích Ngô dịch và chú thích, NXB Văn học, 2001, tr.104-129), Lê Thánh Tông cho nhân vật của mình trình bày quan niệm về một người phụ nữ “xấu”. Các chú thích đều là của dịch giả.

Người thứ hai là triết gia Đức Schopenhauer (1788 - 1860). Cực kỳ bi quan và nhạy cảm, Schopenhauer cũng luôn luôn có thái độ ngờ vực về tình yêu và hôn nhân. Một đoạn rút từ Luận về đàn bà, nói về nhan sắc phụ nữ, được Will Durant trích trong Câu chuyện triết học (Trí Hải và Bửu Đích dịch, Đại học Vạn Hạnh, 1971, tr.430-433).

Minh họa: Hữu Khoa.

“Với những thiếu nữ, thiên nhiên dường như nhằm một mục đích mà trong ngôn ngữ kịch nghệ thường gọi là “hậu quả kích động”; vì trong một vài năm thiên nhiên cho chúng một tài sản nhan sắc và vẻ kiều diễm để có thể chộp lấy cơn bốc đồng của một người đàn ông đến độ chàng vội vã đảm nhận cái vinh dự săn sóc chúng suốt đời, một nước bước dường như không có một bảo đảm nào để biện minh nếu lý trí chịu điều khiển tư tưởng con người một chút…

Ở đây, cũng như nơi khác, thiên nhiên tiến hành với sự tiết kiệm thường lệ, vì hệt như con kiến mẹ sau khi sinh sản mất cả đôi cánh khi ấy đã trở nên dư thừa, hay đúng hơn trở nên một mối nguy cho việc nuôi con, cũng thế, một người đàn bà sau khi sinh một hay hai đứa con thường mất nhan sắc có lẽ cũng vì lý do tương tự”.

“Chỉ một người đàn ông bị mờ mắt vì sự thúc đẩy của xác thịt mới có thể tặng danh từ phái đẹp cho cái giống người thấp bé, vai hẹp, mông rộng, chân ngắn kia; vì toàn thể vẻ đẹp của giống này đều liên kết chặt chẽ với bản năng tính dục. Thay vì gọi chúng là phái đẹp, để bảo đảm hơn nên tả đàn bà là giống thiếu thẩm mỹ. Chúng không bao giờ thực sự có một tính cảm thụ nào đối với âm nhạc hay thi ca mỹ nghệ, chúng chỉ là một trò hề khi giả vờ có ý thức ấy để phụ vào nỗ lực làm hài lòng phái kia. Đàn bà không thể có mối quan tâm thuần túy, khách quan về bất cứ điều gì… Những bộ óc đặc sắc nhất trong toàn thể giống này chưa bao giờ sản xuất được dầu chỉ một công trình duy nhất về mỹ nghệ thật độc đáo và thuần túy, hay hiến cho thế giới một tác phẩm có giá trị trường cửu thuộc bất cứ lãnh vực nào”.

Đọc những dòng trên, chắc các bạn không khỏi mỉm cười. Chúng tôi cũng nghĩ rằng không cần bình luận, nhưng có một điều muốn nói thêm: Thế giới chúng ta đang sống quả thật đã khác nhiều rồi.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm