Đời sống

Khuyến cáo chuyển đổi vật nuôi khi chưa hết dịch tả heo châu Phi

Sau gần 5 tháng, bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xuất hiện và lây lan ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã để lại hậu quả nặng nề. Hiện tình trạng dịch bệnh ở một số địa phương đã hạn chế lây lan, ít xuất hiện mới. Người chăn nuôi hiện nay vẫn ngán ngại việc tái đàn, dự báo thịt heo sẽ khan hiếm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Thiệt hại nghiêm trọng

Mặc dù trong ngày 18/9/2019, tại TP Cần Thơ, bệnh DTHCP phát sinh tại 3 hộ chăn nuôi của 3 ấp, khu vực thuộc 3 phường, xã của quận Ô Môn, huyện Thới Lai và Cờ Đỏ. Tổng đàn heo trong ổ dịch 37 con; số heo đã tiêu hủy 9 con, trọng lượng 500kg. Nhưng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, tình trạng lây lan, xuất hiện mới DTHCP đã giảm dần. Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Bệnh DTHCP hạn chế lây lan là nhờ thành phố tăng cường biện pháp kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ heo trên địa bàn; tổ chức tiêu độc chống dịch khẩn cấp tại các vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm; hướng dẫn hộ chăn nuôi biện pháp phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc và phòng, chống bệnh DTHCP; vận động người chăn nuôi vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, khu vực xung quanh chuồng trại… Đặc biệt, người dân biết áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăm sóc nuôi dưỡng nên hạn chế được tình trạng dịch bệnh lây lan, xuất hiện mới…".

Từ ngày 23/5 (khi bệnh DTHCP xuất hiện đầu tiên tại quận Cái Răng) đến hết ngày 18/9/2019, bệnh DTHCP đã xảy ra tại 2.258 hộ chăn nuôi thuộc 76 xã, phường của 9 quận, huyện. Tổng số heo trong ổ dịch là 63.888 con, số bệnh là 30.942 con, chết 13.215 con, số heo tiêu hủy là 57.454 con (ngành thú y tiêu hủy 56.957 con, khối lượng là 3.280,8 tấn và chủ hộ tự tiêu hủy 497 con), chiếm gần 50% tổng đàn heo trên địa bàn TP Cần Thơ. Công tác hỗ trợ thiệt hại được thành phố thực hiện nghiêm túc theo quy định và kịp thời cho hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng bệnh dịch.

Sóc Trăng được xem là địa phương có nhiều trại chăn nuôi heo quy mô đàn lớn cùng với hàng ngàn hộ nuôi heo nhỏ quy mô gia đình và một trung tâm giống vật nuôi cung cấp heo giống tốt nhất vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, từ khi khởi phát ở thị xã Sóc Trăng, đến nay bệnh DTHCP đã lan rộng. Những nơi được xem có hệ thống bảo vệ nghiêm ngặt nhất, như trung tâm giống vật nuôi và một số trang trại có đàn heo trên 1.000 con cũng bị bệnh dịch xâm nhập, lây lan với nhiều nguyên nhân khác nhau. Đến ngày 14/9/2019, bệnh DTHCP xảy ra trên 2.700 hộ, tại 510 ấp của hơn 100 xã thuộc 11 huyện, thị xã. Tổng số heo bị bệnh buộc phải tiêu hủy trên 53.200 con, với trọng lượng hơn 3.600 tấn. Cứ mỗi ngày, ước tính trung bình 150-200 con heo bị bệnh phải tiêu hủy.

Ông Lâm Minh Hoàng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, nhận định: "Trong tình hình dịch bệnh đang bùng phát, các hộ chăn nuôi nhỏ căng thẳng đối phó với bệnh dịch. Vấn đề quan trọng hiện nay là hộ chăn nuôi nhỏ chưa nắm rành kỹ thuật chăn nuôi và áp dụng biện pháp an toàn sinh học. Do đó, các hộ dân nếu nóng vội tái đàn heo vào thời điểm này sẽ không đảm bảo an toàn. Hiện nay, tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ chi thiệt hại cho người chăn nuôi, đồng thời Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ khuyến cáo nông hộ chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi. Trước mắt tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp và đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi bò thịt, dê, nuôi gà lông màu hoặc các giống vịt... nhằm đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới".

Một hộ dân ở quận Bình Thủy tập trung nuôi và chăm sóc gà, hướng đến góp phần đảm bảo nguồn thực phẩm tiêu dùng thay thế thịt heo.

Cần chuyển đổi vật nuôi

Tại TP Cần Thơ sau gần 5 tháng bệnh DTHCP xuất hiện, đến nay bệnh dịch tuy vẫn còn nhưng số ổ dịch có dấu hiệu giảm dần. Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng có những xã, phường sau khi DTHCP đi qua gần như mất trắng đàn heo và không hộ chăn nuôi nào dám mua heo giống về tái đàn. Phần lớn số hộ chăn nuôi heo ở vùng nông thôn của TP Cần Thơ vẫn còn lo sợ bệnh dịch; số hộ có đàn heo chưa nhiễm bệnh cũng tập trung phòng tránh và tốn nhiều công sức. Một vài hộ còn heo nái đẻ, heo con bán chẳng ai mua, buộc phải nuôi tiếp trong tâm trạng phập phồng lo sợ dịch bệnh. Ông Lê Trung Hoàng, Chi Cục Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, cho biết: "Trong điều kiện thực tế mầm bệnh còn nên hộ chăn nuôi nhỏ không ai dám tái đàn. Vì vậy, với một số hộ còn nuôi giữ được đàn heo trước mắt cần ngăn ngừa vật nuôi với mầm bệnh, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Chuồng trại chăn nuôi phải cách xa nhà ở, khu dân cư, nơi đi lại của con người và ngăn chặn sự xâm nhập của các loài vật khác. Tại các trại chăn nuôi phải có rào cản, cửa đóng mở nhằm tránh người ra vào mang virus truyền bệnh. Chuồng trại chăn nuôi phải có vách ngăn từng khu vực chăn nuôi heo thịt, heo sinh sản, heo con. Người chăn nuôi heo phải thực hiện thời gian cách ly mỗi đợt nuôi từ 10 đến 15 ngày để vệ sinh chuồng trại, xử lý mầm bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng. Đối với đàn heo giống, người nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt về kiểm soát con giống. Trong đó chú ý con giống phải sạch bệnh và xét nghiệm âm tính với bệnh DTHCP và phải đảm bảo an toàn sạch bệnh từ các phương tiện, dụng cụ chăn nuôi...".

Để chuẩn bị cho giai đoạn hậu tái đàn, sau khi bệnh DTHCP đã chấm dứt, TP Cần Thơ và các địa phương trong vùng ĐBSCL định hướng phục hồi, phát triển chăn nuôi heo sắp tới sẽ có sự chuyển đổi, sắp xếp giảm tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đồng thời hướng dẫn, vận động chăn nuôi tập trung, quy mô lớn và ứng dụng tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, để đảm bảo nguồn thực phẩm thay thế thịt heo thời gian tới và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ngành nông nghiệp các địa phương khuyến cáo người dân tăng cường các vật nuôi thay thế, như: gà, vịt, bò, dê và thủy sản… nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Theo Hà Văn/Báo Cần Thơ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo