Đời sống

Lập trình lại cuộc sống của 2 mẹ con sau khi ly hôn

Tôi lập trình lại cuộc sống của hai mẹ con. Con trai học gần nhà, cuối tuần tôi đồng ý để bố về đón đi chơi. Còn tôi, đi dạy xa nhà bằng cái tâm của người cầm phấn.

Thói quen sai lầm của cha mẹ khiến răng con mủn nát, nhấp nhô, vàng khè / Chưa kết hôn đã bị mẹ chồng tương lai can thiệp sâu vào cuộc sống

Tốt nghiệp Sư phạm, trường thông báo sinh viên tự tìm nhiệm sở. Nhiều bạn nộp hồ sơ tại địa phương rồi chờ mãi chẳng thấy bổ nhiệm. Còn tôi, tôi ôm hồ sơ đến chỗ thiếu giáo viên. Tôi chọn làm cô giáo vùng cao.

Đi dạy xa nhà, tôi có người yêu – mối tình đầu của tôi – một chàng trai nghèo, chưa có việc làm. Tôi vẫn quyết định "theo chàng về dinh". Bạn bè, gia đình sợ tôi khổ nên phản đối kịch liệt, tôi bảo vệ tình yêu đến cùng. Phương châm sống của tôi là, vì đã chọn nên sẵn sàng trả giá.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.


Hai tám tuổi, sau tai nạn thập tử nhất sinh, tôi bị chồng bỏ. Chuyện này có sự chen ngang công khai của người thứ ba. Tôi chấp nhận thua non, không giành giật. Tôi đã làm hết sức rồi, không giữ được thì buông...

Đúng là họa vô đơn chí. Lúc thể xác còn bầm dập vì những di chứng kinh hoàng của tai nạn (mắt trái bị nhược thị, tay phải mất lực, rân rân ngứa và tê đau, hàm gãy sạch và bị chấn thương nặng). Chưa trồng được răng cố định, tôi ăn uống rất khổ và chịu đau nhức triền miên. Khổ nhất là bị chấn thương tâm lý nặng, mắc thêm căn bệnh động kinh. Cứ nửa tháng tôi lại lên cơn một lần. Mỗi lần đến cơn lại rơi vào trạng thái sợ hãi, hoảng loạn, khó thở cần người trợ giúp trong khi tôi lại phải làm mẹ đơn thân.

Trở về từ cõi chết, tôi phải tự nuôi con nhỏ ở nơi đất khách quê người, cuộc sống đã khó lại càng thêm khó. Tôi rất cần sự hỗ trợ của gia đình nên muốn đem con về quê. Nhưng con trai quyến luyến nhà nội không muốn rời xa, tôi làm sao nỡ... Mà tôi cũng muốn cho con mình có nội, có ba như những đứa trẻ khác. Vậy là tôi chấp nhận sống trong ngôi nhà cũ gần trường học, sát vách nhà nội. Hằng ngày tôi phải chứng kiến cảnh người cũ chở vợ mới, con mới về nội chơi. Cảm giác thật không dễ chịu nhưng tôi cố tỏ ra vững vàng. Vì con, tôi không để tâm đến sự chạnh lòng của mình.

Sống được mấy năm, những tưởng sự lựa chọn như thế là giảm tổn thương cho con nhưng dần dà, tôi nhận ra nó không ổn. Con trai là con chung, là cháu đích tôn của phía nội. Tôi không được quyền giáo dục con theo ý mình. Tôi thương con, nội thương cháu nhưng giữa tôi và họ bất đồng trong cách giáo dục trẻ. Con trai đã 9 tuổi, tôi nỗ lực dạy con tính tự lập, chưa cho con tiếp xúc sớm với công nghệ thông tin trong khi ông bà nội cứ ôm cháu mà than thở rằng: tội nghiệp, còn nhỏ mà mẹ bắt tự ăn, tự tắm, tối ngủ không ai gãi lưng. Ông bà nội còn hào phóng tặng cháu điện thoại xịn, chỉ cách tiếp cận thế giới net, chơi game... Tôi can thiệp, điều chỉnh thì sẽ bị hờn lẩy. Ấy là chưa nói nếu nhà tôi có khách, đặc biệt khách nam thì sẽ bị dòm ngó, chỉ trích. Con trai tôi được ông bà nội cảnh báo, mẹ mày có chồng thì mày sẽ ra rìa.

 

Đến khi con trai bảo muốn sống với ông bà nội để được lo ăn, lo ngủ thì tôi giật mình. Đương nhiên nếu phải lựa chọn giữa được chơi theo ý muốn với học hành, rèn luyện thì thiên đường của trẻ vẫn là chơi. Tôi bất lực vì không thể thực hiện một cuộc đối thoại nghiêm túc nào với anh và gia đình anh về việc cùng nhau nuôi dưỡng, giáo dục con.

Không được, tôi thấy môi trường này không phù hợp cho hai mẹ con, đặc biệt cho sự hình thành và phát triển nhân cách của con nên quyết định chuyển chỗ ở. Tôi buộc phải rời bỏ căn nhà mình đã đổ mồ hôi nước mắt xây dựng, dắt con về quê, tá túc với cha mẹ ruột. Xin chuyển công tác chưa được, ngày ngày tôi phải vượt quãng đường gần 40km đi dạy bằng cả xe máy, xe buýt và đi bộ. Với sức khỏe mong manh, nhiều người can gián nhưng tôi vẫn quyết định đi.

Tôi lập trình lại cuộc sống của hai mẹ con. Con trai học gần nhà, cuối tuần tôi đồng ý để bố về đón đi chơi. Còn tôi, đi dạy xa nhà bằng cái tâm của người cầm phấn. Tôi dành thời gian quan tâm, giúp đỡ những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng cách vận động, kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Được các em học sinh yêu mến, tôi thấy những nhọc nhằn của đoạn đường xa là nhỏ bé.

***

Bây giờ, nhiều người gặp tôi trên xe buýt vẫn hỏi: Sao tự nhiên bệnh đau mà bỏ nhà đi dạy xa cho cực thân vậy? Tôi chỉ im lặng cười, tôi chẳng thể nói rằng, vì số phận đã chia những lá bài xấu nên tôi phải nghĩ cách để chiến thắng.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm