Đời sống

Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên do chưa có nghiên cứu đầy đủ, cũng như định hướng và chính sách cụ thể để phát triển nên du lịch chăm sóc sức khỏe chưa được đầu tư một cách bài bản để thu hút khách du lịch.

Khánh Hòa sẽ đón khách du lịch trở lại vào tháng 10 / Ngoài Đà Lạt, Lâm Đồng còn có địa điểm du lịch nào đáng chú ý?

Việt Nam cần khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe. Ảnh: VGP/Diệp Anh

Việt Nam cần khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe. Ảnh: VGP/Diệp Anh

Ngày 6/10, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo trực tuyến về “Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam”.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, lợi thế phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe của Việt Nam là rất lớn với bờ biển dài 3.260 km, 2.773 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều bãi tắm đẹp và nguồn tài nguyên nước khoáng phong phú và đa dạng. Hiện Việt Nam có khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng trên cả nước, trong đó đã điều tra, nghiên cứu và phân tích 287 nguồn và phân thành 11 loại khác nhau, vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có thể khai thác thành nước uống đóng chai phục vụ cho đời sống con người.
Các nhà đầu tư cũng đã tận dụng nguồn tài nguyên nước khoáng nóng phong phú và đa dạng của Việt Nam để xây dựng các khu du lịch suối khoáng nóng phục vụ du khách đến nghỉ dưỡng như: Khu du lịch suối khoáng nóng Mỹ Lâm-Tuyên Quang, khu du lịch suối khoáng nóng Quang Hanh-Quảng Ninh, khu du lịch suối khoáng nóng Thanh Thủy (Phú Thọ)…
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có hệ thống cây dược liệu đa dạng, quý hiếm với khoảng 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng làm thuốc. Nhiều chùa, tịnh xá, với hệ thống thiền viện rất đặc sắc cùng cảnh quan hấp dẫn có thể khai thác để phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch gắn với thiền, yoga nói riêng. Các công ty du lịch cũng bắt đầu đưa ra sản phẩm du lịch thiền, yoga ở những nơi thiên nhiên còn hoang sơ, yên tĩnh, trong lành, có huấn luyện viên hướng dẫn tập cho du khách.
Du lịch giảm cân cũng là một loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, phù hợp với địa hình thiên nhiên vừa có núi, vừa có biển, hướng đến đối tượng chính là khách châu Âu.
Tuy nhiên, du lịch chăm sóc sức khỏe hiện nay ở Việt Nam chưa được đầu tư bài bản. “Chúng ta chưa có nghiên cứu đầy đủ, chưa có định hướng và chính sách cụ thể để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe nên khó thu hút khách du lịch”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hương nói.
Các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe còn ít, chưa đa dạng; chưa có nhiều cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe đủ tầm cỡ về quy mô, chất lượng để đón khách du lịch.
Phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe như spa và tắm nước khoáng, nước nóng tắm bùn, thiền, yoga... vẫn ở quy mô nhỏ, nhân lực hạn chế, có cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách du lịch.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc nghiên cứu đưa ra được chính sách về phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. Cần phát triển đa dạng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, đào tạo nguồn lao động chuyên sâu về lĩnh vực này; học tập kinh nghiệm của các nước đi trước có hoàn cảnh tương đồng với phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam; hoàn thiện, nâng cấp những dịch vụ đi kèm...
Các đại biểu cũng đề xuất, cần đưa loại hình du lịch này thành một loại hình trọng điểm trong quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam nhằm phục vụ cho việc nâng cao sức khỏe người dân Việt Nam và thu hút khách du lịch, tăng nguồn thu cho ngân sách. Ngành du lịch phối hợp với ngành y tế cần có sự hướng dẫn cho các cơ sở y tế cũng như doanh nghiệp du lịch các cách thức, giải pháp để mở rộng loại hình du lịch này…
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm