Đối thoại Shangri-La 2013: Hành động để xây dựng lòng tin chiến lược
Cách tốt nhất để xây dựng lòng tin là hành động
(laodong) Quan điểm của Việt Nam đã được thể hiện rõ ràng và xuyên suốt trong thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng nhấn mạnh việc chung tay xây dựng lòng tin chiến lược, bởi lòng tin là điều kiện tiên quyết của hòa bình. Cụ thể hóa trên lĩnh vực hợp tác quốc phòng trong khu vực, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh rằng, chỉ có hành động mới đem lại kết quả và đó là nền tảng cho sự thành công. “Để đưa các cam kết vào thực tế, cách tốt nhất là phải xây dựng lòng tin, mà cách tốt nhất để xây dựng lòng tin là hành động” - Thứ trưởng Vịnh nói.
Trả lời câu hỏi của ông Lee Chung Min - Đại học Yonsei (Hàn Quốc) - về đánh giá của Việt Nam về lòng tin đối với Mỹ và Trung Quốc, Thủ tướng nhấn mạnh rằng Mỹ và Trung Quốc là hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như đối với hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Nhấn mạnh lại luận điểm của Thủ tướng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, tất cả các nước, đặc biệt những nước lớn cần hợp tác trung thực, thể hiện rõ quyết tâm và chứng minh trách nhiệm của mình trong hành động thực tế.
Việt Nam không khỏi lo ngại trước những thách thức đang diễn ra ngày càng phức tạp trong khu vực, nên đã tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh khu vực. Nhân diễn đàn Shangri-La, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh một lần nữa nhắc lại đề nghị tăng cường hợp tác về chính sách hải quân, hàng hải và biên phòng, đồng thời thành lập đường dây nóng giữa bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN.
An ninh trên biển “nóng” diễn đàn
Căng thẳng đang diễn ra trên biển Đông và biển Hoa Đông thu hút sự chú ý của không ít đại biểu tham dự Shangri-La. Phát biểu trong phiên thảo luận ngày 2.6, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói rằng, chủ nghĩa dân tộc trong từng quốc gia ở Châu Á có thể đe dọa đến sự ổn định trong khu vực. Tiến sĩ Ng nhấn mạnh rằng, mạng lưới khu vực và toàn cầu cần đóng vai trò then chốt để giúp cân bằng chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy. Bên cạnh đó, tiến sĩ Ng cũng ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22 rằng “không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển Đông”.
Về những sự cố trên biển Đông trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Việt Nam khẳng định quyết tâm và trách nhiệm nhằm bảo đảm tự do, an ninh an toàn trên đường hàng hải quốc tế nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam đề nghị các bên có liên quan đến biển Đông tôn trọng và bảo vệ ngư dân, tuyệt đối không sử dụng vũ lực với ngư dân dưới bất kỳ hình thức nào, cả quân sự và phi quân sự. Hành xử vô nhân đạo với ngư dân là không thể chấp nhận được, đó là quy định chung của luật pháp quốc tế và là đạo lý của thế giới hiện đại.
Nguy cơ chạy đua vũ trang
Các bộ trưởng quốc phòng tham dự đối thoại đã cảnh báo về nguy cơ cuộc chạy đua vũ trang làm mất ổn định khu vực Châu Á. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond cho rằng, việc gia tăng chi tiêu quốc phòng ở Châu Á là rất “đáng ngại”, trong bối cảnh căng thẳng do tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ngày càng tăng và các nước tranh nhau những nguồn tài nguyên. Điều này có nguy cơ dẫn đến tình trạng bất ổn định lâu dài hoặc nguy hiểm hơn nữa, dẫn đến xung đột vũ trang.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purmono Yusgiantoro cho rằng, để tránh việc hiện đại hóa quân đội dẫn đến mất ổn định khu vực, cần phải có một sự minh bạch cao hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith cũng chia sẻ, Australia coi hiện đại hóa quân sự là một phần tự nhiên trong phát triển kinh tế của bất kỳ quốc gia nào và Australia sẽ tiếp tục khuyến khích tất cả các nước công khai các chính sách quốc phòng, kế hoạch quân sự và mua sắm vũ khí của họ.
P.V
End of content
Không có tin nào tiếp theo