Xã hội

Đội viên cuối cùng của Đội Tuyên truyền Giải phóng quân qua đời

Ông Tô Đình Cắm, người chiến sĩ cuối cùng trong số 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã qua đời lúc 22h10 đêm 14-7, hưởng thọ 96 tuổi.

Ông Tô Đình Cắm (còn gọi Tô Văn Cắm, bí danh Tô Tiến Lực, sinh ngày 16-10-1922, thường trú tại thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) là người chiến sĩ cuối cùng trong số 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam). 

Ông Tô Đình Cắm với bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông luôn coi như báu vật - Ảnh : MAI VINH

Ông Tô Đức Tuân, con trai cụ Cắm, cho biết những tháng cuối đời, cụ Tô Đình Cắm bị bệnh phổi nặng. Từ tháng 3-2017 cụ Cắm đã nhập viện điều trị tại Bệnh viện Quân y 7A (TP.HCM).

Đến tháng 6-2017 thì gia đình đưa cụ Cắm về nhà an dưỡng. Thời điểm này cụ cắm không còn minh mẫn, không còn nhớ nhiều về chuyện đã qua, nhận biết với cuộc sống hàng ngày rất yếu ớt.

Ông Tuân cho biết thêm, trước khi mất, cụ Tô Văn Cắm cũng không dặn dò gì ngoài việc an táng cụ tại nghĩa địa của thôn, nơi có phần mộ của vợ, tang lễ sẽ được tổ chức ngày 17-7 và sẽ an táng cụ Tô Đình Cắm vào ngày 18-7.

Cụ Tô Đình Cắm sinh ra, lớn lên tại bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Năm 22 tuổi, chàng thanh niên Tô Văn Cắm tham gia cách mạng, được dự lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo ngày 22-12-1944.

 

Năm 2015, khi chúng tôi thăm, dù đã già yếu, nhưng ông Cắm vẫn kể tường tận về những ngày ông được chiến đấu cùng đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Cắm mồ côi cha từ 6 tuổi nên trong thời gian cùng ăn ở chiến đấu đã khiến ông Cắm thương người chỉ huy Võ Nguyên Giáp như bố mình.
Ông Cắm kể: "Anh dạy cho tôi và đồng đội những chữ viết đầu tiên, cách ăn ở sao cho vừa lòng đồng bào người Mông, Thái, Tày, Nùng. Anh dặn chúng tôi muốn chiến đầu trong lòng dân thì phải làm cho dân thương như con cái trong nhà. Tôi coi anh như bố dù anh lớn hơn tôi chỉ 10 tuổi. Anh nghiêm khắc mấy tôi cũng không dám giận".

Có lần ông Cắm bị mật thám truy đuổi trong rừng. Khi về đội, ông Cắm kể lại cho người chỉ huy Võ Nguyên Giáp và đòi giữa đêm sẽ đột nhập vào nhà tên mật thám giết cả gia đình để "cảnh cáo". Vừa dứt lời, ông bị chỉ huy Võ Nguyên Giáp phạt mà chưa kịp hiểu nguyên nhân.
"Anh gọi cả đội lại chứng kiến tôi bị phạt, rồi ôn tồn bảo không được giết hại kẻ thù vì lòng căm tức cá nhân. Làm như vậy là bất nhân như kẻ thù, làm mất lòng tin của người dân, làm hại tổ chức", ông Cắm kể.

Chiến đấu bên cạnh chỉ huy Võ Nguyên Giáp khoảng ba tháng thì ông chuyển sang đội khác. Đến tháng 9-1945, ông theo đoàn quân "Nam tiến" đến chiến đấu tại thị xã Rạch Giá, bị thương nặng và được cho giải ngũ.

Đến năm 1947, khi Pháp tấn công Bắc Kạn, ông Cắm lại lên đường nhập ngũ, quay lại chiến trường với vai trò trung đội trưởng Trung đội Pháo binh.

 

Cụ Cắm kể: "Chẳng ai ép một bệnh binh lên đường chiến đấu. Nhưng nghĩ đến anh Văn năm xưa dặn mình phải hi sinh đến gọt máu cuối cùng để bảo vệ Tổ quốc, tôi đã quay lại chiến trường".

Năm 1950, trong trận đánh tại Đông Khê của chiến dịch Biên giới, ông Cắm không may bị thương ở vai. 

Năm 1954, ông giải ngũ về quê tham gia nhiều hoạt động của địa phương.

Năm 1992, dù đã 70 tuổi, nhưng do cuộc sống khó khăn, ông Tô Đình Cắm đưa vợ và bảy người con rời Cao Bằng vào Đạ Tẻh (Lâm Đồng) lập nghiệp. 

Nên đọc
Theo báo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo