Đòn bẩy FTA và tâm thế chuẩn bị của Việt Nam
Đẩy nhanh tốc độ đàm phán
Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB), được công bố ngày 23/10, cho hay Việt Nam đã tụt một bậc, xếp vị trí 99/183 nước được xếp hạng. Cũng theo đánh giá của WB, dù đã có những nỗ lực cải tiến, nhưng lần này, Việt Nam lại tuột xuống thứ hạng thấp nhất kể từ năm 2006.
Trước đó, Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) cũng đưa ra một bản Báo cáo Môi trường kinh doanh quý IV/2012 sau khi khảo sát các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - công nghiệp, dịch vụ và các lĩnh vực khác. Theo đó, hầu hết nhà đầu tư đều cho biết họ gặp khó khăn trong lĩnh vực thuế, các khoản phạt và cơ chế quản lý của các cơ quan chức trách. Đó là chưa kể sự èo uột của nền kinh tế vĩ mô, mà điển hình là vấn đề lạm phát trong trung hạn đã khiến 72% doanh nghiệp được khảo sát lắc đầu ngao ngán. Thế nên, không quá ngạc nhiên khi chỉ có 44% doanh nghiệp được khảo sát có sự lạc quan tương đối về khả năng "kiếm lời" trong năm 2013, và 1/3 trong số này cho rằng "có lời" ít hơn năm trước. Thế nên, không quá lạ khi chủ tịch Hội đồng châu Âu ra dấu hiệu "báo động" trước xu thế hội nhập mạnh mẽ cùng các cam kết chặt chẽ về nền thị trường của Việt Nam trong WTO.
Việt Nam được đánh giá là một trong những đối tác tiềm năng và rất quan trọng trong xu thế chuyển hướng đầu tư từ châu Âu (do khu vực này đang đối diện với những thách thức lớn về vấn đề khủng hoảng kinh tế) sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, các cường quốc kinh tế Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và các nền kinh tế mới nổi cũng đã và đang tập trung vào thị trường Việt Nam. Điều này được chứng minh khi trong giai đoạn gần đây, bất chấp nền kinh tế khó khăn, Việt Nam vẫn tiến hành mục tiêu đàm phán FTA (hiệp định thương mại tự do) với nhiều quốc gia khu vực.
Với tiến trình đàm phán FTA giữa EU - Việt Nam, ông Herman Van Rompuy đánh giá là có nhiều thuận lợi. Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra tại Hà Nội từ 8-12/10 đạt kết quả tích cực và các cuộc thảo luận diễn ra một cách cởi mở và xây dựng.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 15 Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Liên bang Nga, Việt Nam và Nga đều nhất trí hướng tới việc sớm đàm phán để ký kết FTA giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan gồm ba nước Nga, Belarus và Kazakhstan.
Đáng chú ý, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ về kinh tế thương mại có nhiều chuyển biến tốt đẹp kể từ sau khi Ấn Độ và ASEAN ký kết FTA hồi đầu tháng 6/2010. Ngày 1/11, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Anand Sharma tại hội nghị Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 13 về các doanh nghiệp Đức tại New Delhi đã cho biết Ấn Độ mong muốn sớm ký kết với Việt Nam hiệp định về dịch vụ và đầu tư vào đầu năm 2013...
Đóng cửa không là giải pháp tích cực
Xét ở góc độ lợi thế chung, FTA hiện nay đang phát huy lợi thế hơn bao giờ hết. Một số ý kiến cho rằng, khủng hoảng tài chính là một trong những rào cản lớn của việc tăng cường đàm phán FTA. Nghĩa là, một quốc gia gặp khủng hoảng tài chính (thường liên quan đến khủng hoảng tiền tệ, tín dụng, bất động sản, chứng khoán... ) sẽ có xu hướng thu mình, tự bảo vệ bản thân và nền sản xuất nội địa hơn là mở cửa để các nước khác vào chiếm lĩnh trong cơ chế thị trường. Đó là chưa kể, FTA cần phải đảm bảo tối thiểu về tính cân xứng, bổ sung tiềm năng giữa các bên tham gia, điều này không phải quốc gia nào khi gặp khủng hoảng cũng có thể đảm bảo được.
Tuy nhiên, đó dường như chỉ đúng nếu xét ở khía cạnh "tâm lý". Năm 2009, Antonio Cardoso đại diện của Hội đồng châu Âu - trong một bài phát biểu, cho rằng: "Tôi không nghĩ cuộc khủng hoảng có thể gây ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán FTA giữa các bên. Ngược lại, nó sẽ bơm thêm động lực và tính năng động vào quan hệ hợp tác".
Việc tham gia các FTA sẽ là cơ hội để Việt Nam thu hút và tạo ra nguồn vốn, giải quyết hàng tồn kho... làm "thông mạch máu" nền kinh tế quốc gia. Ảnh minh họa
Ông Antonio Cardoso chỉ ra tâm lí, xu hướng chung rằng các quốc gia sẽ tăng cường bảo vệ khu vực nội địa khi họ cảm thấy bị đe dọa, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng "đóng cửa" không phải là một giải pháp tích cực.
Không phải ngẫu nhiên khi gần đây, hàng loạt các quốc gia trên thế giới không ngại va chạm để tiến hành tăng cường hướng đến đàm phán FTA trong bối cảnh kinh tế thế giới đang "xám xịt" nhiều phần. Điển hình như Trung Quốc - Hàn Quốc, Trung Quốc - Nhật Bản, Nhật Bản - Canada, Nhật Bản - Colombia, Canada - Jordan hay EU - Việt Nam...
Như vậy, FTA đang được các nước tiến hành đẩy mạnh như một cứu cánh theo đúng quy luật biện chứng trong tiến trình nỗ lực vượt qua khó khăn, hồi phục và phát triển nền kinh tế.
Cảnh giác chuyện ngụ ngôn "cửa kính vỡ"
Xét nền kinh tế Việt Nam, bài toán nan giải về vốn đầu tư, tái đầu tư, và xử lí hàng tồn kho được xem như những nút thắt chính khiến Chính phủ đau đầu, doanh nghiệp phá sản. Việc tham gia các FTA sẽ là cơ hội để Việt Nam thu hút và tạo ra nguồn vốn, giải quyết hàng tồn kho... làm "thông mạch máu" nền kinh tế quốc gia thông qua các hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư, tăng cường trao đổi cải tiến công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động.
Ông Lê Xuân Dương, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương), cho rằng việc ký kết và tham gia các hiệp định thương mại tự do đã tạo cho Việt Nam những cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế và tăng trưởng xuất khẩu.
Và thực tế, ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - chuyên gia đàm phán Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) tiết lộ: "Thời gian qua, không ít các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được những ưu thế của hiệp định thương mại tự do". Bên cạnh đó, cần chú ý khai thác khía cạnh FTA là sân chơi chung để các quốc gia có thể bổ sung thế mạnh, hỗ trợ các kinh nghiệm xử lý khó khăn trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng.
Tuy nhiên, phải nhắc lại câu chuyện ngụ ngôn "cửa kính vỡ" với xu thế FTA. Nhà lý luận kinh tế nổi tiếng người Pháp Frédéric Bastiat (1801-1850) - khi nói về tầm nhìn của con người trong hoạt động kinh tế - đã kể câu chuyện ngụ ngôn hình tượng này. "Chuyện nói về một đứa trẻ ném đá làm vỡ kính, khiến chủ nhà phải thuê thợ lắp tấm kính khác. Người ta rầy la đứa trẻ ngỗ nghịch, song mừng vì người thợ làm kính đã kiếm được 6 đồng nhờ thay tấm kính vỡ. Nhưng người ta quên là 6 đồng của chủ nhà đáng lẽ phải được tiêu vào việc khác, ví như mua giày chẳng hạn". Câu chuyện dẫn đến kết luận trong quan hệ kinh tế, sẽ có sự chuyển dịch lợi ích giữa các chủ thể.
Bản chất lợi hay hại trong cuộc chơi FTA chính là tâm thế chuẩn bị của mỗi quốc gia. Nghĩa là, nếu Việt Nam chấp nhận mở rộng sân chơi này trong khi nội lực quá yếu, chưa đáp ứng những nhu cầu cơ bản thì "lợi bất cập hại", nền kinh tế nội địa nhanh chóng suy kiệt, thậm chí hàng hóa xuất khẩu cũng không có tín hiệu lạc quan.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại không có con đường thoái lui cho Việt Nam khỏi FTA khi Việt Nam đã gia nhập WTO. Như vậy, thế lưỡng nan trong chiến lược phát triển kinh tế buộc Việt Nam phải thay đổi để hòa nhập. Việc thay đổi phải bắt đầu từ vấn đề con người: nguồn nhân lực, quản lý và vấn đề cơ chế: luật pháp, quy định, thuế, cơ chế kiểm tra, giám sát... Tất cả phải tạo nên một ê kíp chuyên nghiệp nhằm hướng tới hai mục tiêu song song: tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách cơ chế hội nhập hướng đến xây dựng nền kinh tế thị trường và mở rộng đối tác quốc tế.
Việt Huế (Theo VEF)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông