Dồn dự án đón vốn ODA Nhật Bản
Danh sách dài các dự án giao thông đề xuất vay vốn ODA của Nhật Bản thời kỳ 2013 - 2015 có rất nhiều công trình trọng điểm, có sức lan tỏa lớn.
Con số 10.319 tỷ đồng tổng mức đầu tư có lẽ chưa phản ánh tầm quan trọng của Dự án Xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu thuộc Danh mục 29 dự án hạ tầng giao thông vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đề xuất sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản giai đoạn 2013 - 2015.
Là công trình cải tạo luồng hàng hải lớn nhất từng được triển khai tại Việt Nam, Dự án có mục tiêu xây dựng 40 km luồng vào Sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố..., đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn non tải vào các cảng nội địa nằm sâu trong sông Hậu, với tổng khối lượng hàng hóa qua lại lên tới 21 - 22 triệu tấn/năm.
“Đây sẽ là cửa ngõ quan trọng nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần giảm bớt ách tắc giao thông trên Quốc lộ 1 và nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa khu vực do không phải trung chuyển bằng đường bộ qua cụm cảng ở TP.HCM”, ông Nguyễn Mạnh Ứng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Cảng biển Việt Nam đánh giá Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, Dự án được khởi công vào cuối năm 2009 này đang bị “mắc cạn” do ngân sách không bố trí đủ vốn.
Sau gần 3 năm bị đình hoãn, tính đến cuối tháng 4/2013, tổng kinh phí thực hiện công trình mới đạt 932 tỷ đồng, thiếu 9.387 tỷ đồng – một khoản kinh phí quá lớn đủ làm “chùn” chân bất kỳ nhà đầu tư nào muốn tham gia vào Dự án theo hình thức BOT hoặc BT.
Đây cũng là lý do khiến Bộ GTVT đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc công trình khơi luồng sông Hậu sẽ nhận sớm nhận được khoản vay trị giá 30 tỷ yên từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong tài khóa đợt II năm 2013.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, ngoài việc phù hợp với các tiêu chí của JICA - nhà tài trợ rất có thế mạnh về công trình biển, Dự án có lợi thế là công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, hồ sơ dự án do chính các tư vấn Nhật Bản lập nên không mất thời gian chuẩn bị.
Được biết, ngoài Dự án Xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, một công trình cảng biển nước sâu quan trọng khác tại miền Trung là cảng Đà Nẵng cũng đã được Bộ GTVT đề nghị được sớm vay vốn ODA Nhật Bản để triển khai nâng công suất.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Vân, Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án 85 cho biết, Bộ GTVT đã đồng ý để đơn vị này lập Dự án đầu tư cải tạo cảng Đà Nẵng giai đoạn II - cảng đang có mức tăng trưởng hàng hóa và khách du lịch 20%/năm.
Theo đó, Dự án dự kiến xây dựng thêm 2 bến container có khả năng tiếp nhận tàu 50.000 DWT, 1 bến tàu khách, hệ thống kho bãi rộng khoảng 70.000 m2, nạo vét khu nước trước bến và vũng quay tàu. Tổng mức đầu tư của Dự án vào khoảng 150 - 200 triệu USD, trong đó dự kiến vay ODA Nhật Bản trong tài khóa năm 2013 với giá trị khoảng 10 tỷ yên.
“JICA đang rất quan tâm tới Dự án và sẵn sàng cử đoàn nghiên cứu hình thành dự án trong tháng 6/2013”, ông Vân cho biết.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong danh sách dài các dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản trong 3 năm tới hội tụ những công trình có quy mô rất lớn thuộc các lĩnh vực giao thông đô thị, cảng biển, đường cao tốc, hàng không và đường sắt.
Cụ thể, ngoài các hiệp định vay bổ sung cho các dự án đang triển khai, trong danh mục 29 dự án dự kiến vay ODA Nhật Bản có tới 15 dự án mới với quy mô vốn lớn.
Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), các dự án thuộc danh mục nói trên đều là những công trình cần được ưu tiên đầu tư do có sức lan tỏa, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn và nhất là phù hợp với tiêu chí cho vay của JICA.
“Trong bối cảnh nguồn ngân sách đang khó khăn, nguồn vốn ODA đến từ Nhật Bản với lãi suất thấp vẫn sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong thời gian tới”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.
Bên cạnh đó, nếu được phía bạn chấp thuận,khoản vốn vay ODA Nhật Bản cho 29 dự án dự kiến lên tới 470 tỷ yên (tương đương 6 tỷ USD) sẽ là một cú hích lớn cho nền kinh tế trong vòng 3 - 4 năm tới.
Công Duy
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo