Thị trường

Đơn giản hóa thủ tục để hộ kinh doanh đổi lên doanh nghiệp

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất một triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động. Một trong những giải pháp quan trọng nhằm hoàn thành mục tiêu nêu trên là tạo điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất một triệu Doanh nghiệp (DN) hoạt động, một mặt, cần tạo điều kiện để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật DN; mặt khác, phải cải cách quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng và chống thất thoát, tăng số thu cho ngân sách nhà nước. 

Quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cần cải cách theo những định hướng sau: Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thủ tục tài chính - kế toán, trong đó có thủ tục hành chính thuế và kế toán thuế đối với DN nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng để hộ kinh doanh có điều kiện giảm chi phí khi chuyển đổi từ mô hình hộ kinh doanh sang mô hình DN.

 Đơn giản hóa thủ tục để hộ kinh doanh đổi lên doanh nghiệp. Ảnh: Internet

Theo khảo sát, chi phí tăng lên khi chuyển sang DN là rào cản lớn nhất khiến không ít hộ gia đình kinh doanh e ngại. Bên cạnh đó, cần siết chặt các quy định về hóa đơn chứng từ trong sản xuất kinh doanh nhằm khắc phục các kẽ hở thường được các hộ kinh doanh lợi dụng để trốn, lậu thuế. 

Tình trạng mua bán không hóa đơn chứng từ đi đôi với thanh toán bằng tiền mặt không chỉ khiến cho việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh khó khăn mà còn vi phạm lợi ích của khách hàng, nhất là khi có các khiếu nại và tranh chấp liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh, báo Nhân dân đưa tin.

Trước những lo ngại của các hộ kinh doanh, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, nghĩa vụ thuế của các hộ kinh doanh và doanh nghiệp là như nhau, không có sự thiên lệch. 

Ông Trí cho biết, hiện hộ kinh doanh được ấn định thuế khoán hàng năm. Mức thuế khoán được cơ quan Thuế khảo sát trên thực tế doanh thu của hộ kinh doanh, sau đó công khai và lấy ý kiến của hộ kinh doanh khác, cũng như Hội đồng tư vấn thuế cấp phường hoặc xã. Khi công khai, các lợi ích đằng sau sẽ lộ diện và ai cũng có quyền chất vấn việc hộ kinh doanh phát triển, có đông khách hàng, doanh thu hiển nhiên rất lớn lại thực hiện nghĩa vụ ít hơn nhiều hộ kinh doanh kém hơn. 

Quá trình giám sát chéo thúc đẩy sự công khai, minh bạch trong kinh doanh và hiện tại trong pháp luật thuế đó là điều cần thiết. Đồng thời, cơ quan Thuế  đã và đang có nhiều giải pháp để đảm bảo mức thuế khoán với các hộ kinh doanh công khai, minh bạch, ngăn chặn thỏa thuận giữa cơ quan Thuế và hộ kinh doanh để lách thuế, báo Hải Quan đưa tin.

 

Còn theo bà Lê Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế), việc hộ kinh doanh “ngại” thành DN do sợ bị các đoàn thanh tra, nhất là thanh tra thuế kiểm tra là không có cơ sở. Theo lý giải của bà Thủy, khi là hộ kinh doanh cá thể, hàng năm vẫn sẽ có cán bộ thuế đến kiểm tra để rà soát doanh thu, ấn định thuế khoán. Còn khi thành DN, hiện nay công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan Thuế đều dựa trên cơ sở áp dụng rủi ro. “Nếu như DN hoạt động công khai minh bạch, hồ sơ, sổ sách, chứng từ rõ ràng thì không có lý gì phải gặp thanh tra thuế”, bà Thủy khẳng định.

Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, hiện ngành Thuế đang nghiên cứu thêm giải pháp để từng bước quản lý tốt hơn doanh thu của hộ kinh doanh như giám sát qua việc sử dụng máy đếm tiền; tuyên truyền để người tiêu dùng quen với việc lấy hóa đơn để giám sát doanh thu hộ kinh doanh, tránh thất thu thuế với khu vực này và đảm bảo công bằng trong kinh doanh.

Nên đọc
Trung Hùng (Tổng hợp theo báo Hải Quan, Nhân dân)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo