Đón vốn từ Nhật
Nhiều nguồn thông tin cho thấy dòng vốn đầu tư của Nhật sẽ còn tăng rất mạnh trong thời gian tới nếu VN tận dụng tốt cơ hội...
Khác với những năm trước đây, phần lớn các địa phương và doanh nghiệp VN chờ nhà đầu tư đến tìm hiểu, còn nay nhiều địa phương, doanh nghiệp trong nước đã chủ động mời nhà đầu tư Nhật cùng đồng hành trong việc kêu gọi đầu tư.
"Chắc chắn xu hướng đầu tư Nhật Bản vào VN còn rất lớn, nhưng điều quan trọng là môi trường đầu tư VN phải thay đổi cách làm để đáp ứng nhu cầu cho nhà đầu tư Nhật. Khi đó chúng ta mới thật sự tận dụng được cơ hội"
Những ngày giữa tháng 9 này, tại Khu công nghiệp (KCN) Đại An, tỉnh Hải Dương, hàng trăm công nhân đang tất bật hoàn tất các hạng mục hạ tầng của cụm công nghiệp nhà xưởng dành cho các doanh nghiệp phụ trợ nhỏ và vừa của Nhật Bản.
Đây là dự án nằm trong liên doanh giữa Công ty cổ phần Đại An và Tập đoàn Forval (Nhật Bản) với quy mô rộng 30 ha, bao gồm 168 nhà máy (khu vực dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm nhiều loại diện tích khác nhau: 288m2, 648m2 và 1.152 m2), 10 khu kho, khu nhà cho chuyên gia, sân thể thao...
Theo bà Trương Tú Phương - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại An, dự án cụm công nghiệp nhà xưởng này đang nhắm vào các doanh nghiệp phụ trợ nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực cơ khí chính xác, linh kiện trong ôtô, điện tử, nhựa và khuôn mẫu cho ngành cơ khí... với tổng vốn đầu tư 66 triệu USD.
Toàn bộ nguồn vốn đầu tư này đang được Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản thẩm tra để hỗ trợ cho vay ưu đãi. “Hiện nay mặc dù rất khó khăn về tài chính, nhưng dự án đã xong phần xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, bắt đầu xây dựng các nhà xưởng và kho. Chúng tôi đang tăng tốc để kịp bàn giao nhà xưởng cho 20 doanh nghiệp Nhật đầu tiên vào tháng 3-2013” - bà Phương khẳng định.
Thật ra, xu hướng chủ động đón các doanh nghiệp Nhật không chỉ có ở Hải Dương. Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại ngày 19-9 từ Tokyo (Nhật), ông Hồ Văn Niên, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết ông đang dẫn đầu một đoàn xúc tiến tham dự Lễ hội VN tại Nhật 2012, đồng thời kết hợp làm việc với các cơ quan xúc tiến đầu tư, doanh nghiệp của Nhật để mời gọi về Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư. “Mời gọi đầu tư Nhật lúc này không thể chung chung.
Vì vậy, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng khu công nghiệp Phú Mỹ 3 và khu công nghiệp Đá Bạc với những ưu đãi và điều kiện đặc biệt để mời gọi nhà đầu tư Nhật trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ” - ông Niên nhấn mạnh.
Ông Niên cho biết thêm hiện cả hai khu công nghiệp này với quy mô rộng trên 1.000ha đã được tỉnh mời hai tập đoàn lớn của Nhật để họ tổ chức tư vấn kêu gọi đầu tư từ Nhật. Và kế hoạch của những đơn vị tư vấn trong vài tháng tới sẽ có nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật sang để tìm hiểu đầu tư vào hai khu công nghiệp này.
Ông Võ Hùng Dũng - giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ - cho biết gần đây doanh nghiệp Nhật đã đến khảo sát tìm kiếm đầu tư nhiều hơn.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong ngành chế biến nước uống đã đến khảo sát để mở nhà máy. Trong đó, Công ty Vox - một công ty thực phẩm lớn tại Nhật - đang nghiên cứu lập công ty chế biến nước cam ép tại Cần Thơ.
Tiếp xúc với chúng tôi, một đại diện của công ty này cho biết đang khảo sát trồng vùng nguyên liệu tại Đà Lạt và Đắk Nông để phục vụ việc sản xuất lâu dài của công ty. Ngoài ra phía Vox cũng đặt ra nhiều dự án không chỉ riêng ở Cần Thơ mà còn phát triển ra một số địa phương khác tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Bộ KH-ĐT, năm 2011 Nhật Bản đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,43 tỉ USD, chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ trong tám tháng đầu năm 2012, Nhật Bản đã vươn lên vị trí dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,33 tỉ USD, chiếm 51,1% tổng vốn FDI vàoViệt Nam.
Tại Bình Dương, địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI trong tám tháng đầu năm, các dự án đầu tư của Nhật Bản đã tăng rất nhanh. Trong đợt trao giấy chứng nhận đầu tư cho 17 dự án đầu tư vào Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (Bình Dương) mới đây, có tới 13 dự án của các công ty đến từ Nhật Bản.
Đại diện một số công ty đến từ Nhật phát biểu tại buổi trao giấy phép cho rằng so với các nước trong khu vực, môi trường đầu tư tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi.
Với thâm niên hoạt động tại Việt Nam, ông Hidetake Senoo - tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sài Gòn Stec - cho biết: “Sau khi cân nhắc, chúng tôi đã quyết định tăng 175 triệu USD để mở rộng sản xuất do nhu cầu khách hàng tăng lên gấp đôi. Công ty chúng tôi đang sản xuất một tháng 7-8 triệu sản phẩm nhưng nhu cầu của khách hàng trong tháng 9 và 10 đã tăng lên chừng 14 triệu sản phẩm”.
Được biết, Sài Gòn Stec là công ty chuyên sản xuất máy ảnh với ba nhà máy đang hoạt động tại Việt Nam, tổng số vốn đầu tư hơn nửa tỉ USD. Trong khu vực châu Á, Sài Gòn Stec còn có một nhà máy đang hoạt động tại Trung Quốc.
“Sở dĩ chúng tôi tăng vốn đầu tư vào VN là do môi trường đầu tư tốt, chính quyền địa phương cũng như hải quan tạo mọi điều kiện thông thoáng để nhà đầu tư nhập nguyên liệu” - ông Senoo khẳng định.
Tương tự, ông Nishitohge Yasuo - tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon VN, một trong những dự án vừa được tỉnh Bình Dương cấp giấy phép đầu tư - cho biết: “Ngoài Bình Dương và TP.HCM, hiện chúng tôi đang khảo sát thị trường Hà Nội và dự kiến mở rộng đầu tư vào địa phương này. Đây cũng là dự án nằm trong chiến lược dài hạn của tập đoàn là đến năm 2020 sẽ mở được 20 trung tâm thương mại tại thị trường VN”.
Đại diện công ty này cho biết hiện đang kết nối với các khách hàng tại Huế, Bình Dương, Hà Nội - nơi có các trung tâm mua sắm của họ - để tạo thành chuỗi vận hành nhằm đẩy nhanh hơn nữa mục tiêu, tăng sản xuất nội địa và xuất khẩu từ nhà máy đang hoạt động tại Việt Nam trong thời gian tới.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo Sở Kế hoạch Đầu tư, từ đầu năm đến nay đã có 65 dự án mới từ Nhật Bản với số vốn đầu tư gần 90 triệu USD. Tính riêng trong các Khu chế xuất - Khu công nghiệp cấp mới có 13 dự án đầu tư, mới có 5 dự án của Nhật về sản xuất phần mềm, bao bì, điện tử, linh kiện và cơ khí.
Ngoài ra số dự án điều chỉnh mở rộng các doanh nghiệp Nhật cũng chiếm đa số với 33%. Đặc biệt, lượng vốn FDI giải ngân lũy kế tại Thành phố Hồ Chí MInh, hiện Nhật Bản đang dẫn đầu. Riêng số lượng hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh đang vượt hơn 580 công ty.
Một lãnh đạo ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí MInh nhận định thời gian tới dòng vốn đầu tư của Nhật Bản sẽ còn tăng. Để thu hút đầu tư của Nhật trong thời gian tới, cơ quan này đang thúc đẩy dự án thành lập Khu công nghiệp dành riêng cho Nhật. S
ở Kế hoạch Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết số lượng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tăng đều trong thời gian qua và có nhiều khả năng tăng mạnh trong thời gian tới. Một đại diện Khu công nghiệp Hiệp Phước nói từ đầu năm đến nay có hàng trăm đoàn doanh nghiệp Nhật Bản (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa), có những đoàn có hơn 50 doanh nghiệp vào khu để khảo sát và tìm kiếm đầu tư.
GS Nguyễn Mại, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho biết sau sự kiện sóng thần tại Nhật, rồi lụt lội ở Thái Lan và gần đây nhất là sự căng thẳng giữa Nhật - Trung khiến một số nhà máy lớn của Nhật ở Trung Quốc phải đình trệ sản xuất, vì vậy nhu cầu chuyển vốn ra bên ngoài của Nhật đang tăng lên rất nhiều.
Đang xuất hiện một xu hướng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản thay vì nhắm vào Trung Quốc, Thái Lan giờ họ chuyển hướng qua Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines.
Trong đó, mối quan hệ về chính trị và kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay rất tốt, hai bên đang rất cần nhau, vì thế không chỉ tám tháng đầu năm mà sắp tới đầu tư của Nhật vào VN còn tăng nhiều hơn nữa. Nhà đầu tư Nhật sẽ vào trong thời gian tới với hai hướng, một là các công ty lớn như Toyota, Canon..., hai là các công ty vừa và nhỏ chuyên mảng công nghiệp phụ trợ.
Là người từng sang Nhật nhiều lần để kêu gọi đầu tư, ông Hồ Văn Niên cũng khẳng định ngoài những lý do trên còn một yếu tố rất quan trọng buộc các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật phải ra nước ngoài đầu tư là đồng yen lên giá. Tuy nhiên, ông Niên cho rằng Việt Nam phải có chiến lược thu hút đầu tư riêng với Nhật. “Với nhà đầu tư Nhật, hệ thống dịch vụ phục vụ nhà đầu tư không chỉ đến chân hàng rào Khu công nghiệp, mà phải đến tận nhà xưởng” - ông Niên nhấn mạnh.
Hiện nay để chuẩn bị cho xu hướng này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngoài việc chuẩn bị hạ tầng, thuê tư vấn Nhật... còn đang xúc tiến thành lập trường tiếng Nhật nhằm đáp ứng nhu cầu lao động có trình độ cho nhà đầu tư Nhật.
Riêng về chính sách thu hút đầu tư, ông Hồ Văn Niên cho biết đang kiến nghị Chính phủ xem xét áp dụng các khung ưu đãi tốt nhất, đặc biệt đối với các dự án đầu tư vào hai KCN Phú Mỹ 3 và Đá Bạc, do lĩnh vực thu hút chủ yếu thuộc nhóm công nghệ cao.
Từ ngày 23 đến 26-9-2012, khoảng 100 doanh nghiệp Nhật do chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Nhật Bản Okamura Tadashi làm trưởng đoàn sẽ sang Việt Nam. Dự kiến đoàn có các buổi làm việc với các bộ ngành và tiếp xúc với các doanh nghiệp ở Hà Nội để tìm hiểu về môi trường đầu tư, xúc tiến thương mại giữa hai nước.
Cũng theo thông tin từ phía Nhật Bản, vào ngày 24-9 sẽ có một đoàn gồm 24 doanh nghiệp từ miền Trung Nhật Bản đến Việt Nam khảo sát thị trường và tìm kiếm đầu tư. Phần lớn doanh nghiệp lần này hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Theo Tuổi Trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo