Đóng cửa hay sáp nhập ngân hàng yếu kém?
Thời gian qua, mặc dù Ngân hàng Nhà nước tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan trên lộ trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém, nhưng trên thực tế, để xử lý được một ngân hàng yếu kém hoàn toàn không hề đơn giản.
Trong số 9 ngân hàng thuộc diện tái cấu trúc năm 2012, 5 đơn vị gồm SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank sáp nhập vào SHB và Tienphongbank tự tái cơ cấu xem như cơ bản đã ổn thỏa. Riêng 4 ngân hàng nhỏ còn lại nằm trong diện này là GPBank, Navibank, TrustBank và WesternBank đang nỗ lực tìm phương án tái cơ cấu.
Có thể nói, điều đáng lo ngại nhất trong quá trình tái cơ cấu chính là việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém chậm hơn so với kế hoạch dự kiến. Sự thiếu hợp tác, thậm chí chống đối từ phía cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại yếu kém đối với các chính sách, biện pháp tái cơ cấu theo chỉ đạo của NHNN đã gây khó khăn cho quá trình tái cơ cấu hệ thống.
Một điều đáng băn khoăn hơn ở chỗ, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian với nhiều thủ tục, quy trình.
Trả lời trên báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Hồng Hải - Phó Tổng giám đốc HSBC đã cho rằng, khi thực hiện tái cơ cấu ngân hàng cần đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, theo đó có thể phải đóng cửa một số ngân hàng, thay vì sáp nhập.
“Ngoài việc công khai tỷ lệ nợ xấu 8 - 10% là hết sức cần thiết trước khi chúng ta có thể bắt tay vào xử lý nợ xấu, một nỗ lực về mặt pháp lý quan trọng nhất, cho tới nay. Quyết định 254 của Thủ tướng về Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”. Sẽ tạo ra một hành lang pháp lý để xử lý các ngân hàng yếu kém và đề ra một loạt chỉ tiêu cần phải đạt được cho đến năm 2015” – Ông Phạm Hồng Hải cho biết.
Bên cạnh đó, trong quá trình sáp nhập, các ngân hàng “khỏe” hơn rất ngần ngại khi phải sáp nhập với ngân hàng yếu kém. Lợi ích của việc sáp nhập do mở rộng mạng lưới chi nhánh hay có thêm khách hàng có khả năng không lớn hơn chi phí giải quyết nợ xấu và không thể xác định được nợ xấu chính xác của ngân hàng yếu kém do thiếu sự minh bạch về sổ sách của nhóm ngân hàng này.
Ngoài ra, hoạt động của các ngân hàng sau khi sáp nhập cũng không dễ dàng chút nào, khi văn hóa, hệ thống, con người, quy trình… rất khác nhau. Thông thường, chỉ có các ngân hàng lớn với nhiều kinh nghiệm điều hành các ngân hàng sau sáp nhập mới có đủ lực để tạo nên giá trị cộng thêm sau sáp nhập. Nếu không quản trị cẩn thận, giá trị của ngân hàng sáp nhập sẽ thấp hơn giá trị của các ngân hàng chưa sáp nhập cộng lại.
Hơn nữa, khi nền kinh tế vĩ mô vẫn đang gặp khó khăn, nên hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ khó khăn hơn và tốn nhiều chi phí hơn. Các nhà đầu tư cũng sẽ ngần ngại khi tham gia bỏ vốn vào các ngân hàng yếu kém.
Với số lượng hơn 100 ngân hàng hoạt động hiện nay, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh hết sức khốc liệt để tồn tại. Chính sự cạnh tranh khốc liệt này sẽ dẫn đến tình trạng tăng trưởng bằng mọi giá, ví như tốc độ tăng tín dụng rất cao dẫn đến nợ xấu, che giấu nợ xấu, lãi suất huy động tiền gửi cao hơn lãi suất huy động cho phép.
Các ngân hàng khỏe cũng sẽ bị suy yếu dần khi phải cạnh tranh không bình đẳng và không cùng một chuẩn mực với các ngân hàng yếu kém. Bản thân người gửi tiền cũng sẽ lo lắng khi không biết tình hình hoạt động của ngân hàng mình đang gửi như thế nào.
Đoàn Huế (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết