Đóng góp của FDI và hướng đi sắp tới
Đánh giá sau 25 năm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có mặt tại Việt Nam (1987-2013), những người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận khu vực FDI đã có đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tất nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại cần sớm được khắc phục để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Đóng góp của khu vực FDI
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu nhận xét, khu vực FDI là khu vực phát triển năng động nhất với tốc độ tăng GDP luôn cao hơn tốc độ tăng của cả nước. Năm 1995, GDP của khu vực FDI tăng 14,98% trong khi GDP cả nước tăng 9,54%; năm 2000, tốc độ này tương ứng là 11,44% và 6,79%; năm 2005 là 13,22% và 8,44%; 2010 là 8,12% và 6,78%. Tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI vào GDP tăng dần từ 2% năm 1992 lên tới 12,7% năm 2000; 16,98% năm 2006 và 18,97% vào năm 2011.
Tác động của khu vực FDI đối với tăng trưởng kinh tế còn thể hiện rõ hơn thông qua bổ sung vốn cho tổng vốn đầu tư xã hội. Theo đó, giai đoạn 1991-2000, khu vực FDI đã bổ sung 29,67 tỷ USD, chiếm 24,32% tổng vốn cho đầu tư xã hội và giai đoạn 2001-2011 khu vực FDI bổ sung 69,47 tỷ USD, chiếm 22,75% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỷ trọng khu vực FDI trong cơ cấu kinh tế giai đoạn 2000-2011 tăng 5,4%.
FDI cũng góp phần quan trọng vào xuất khẩu. Trước năm 2001, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ đạt 45,2% tổng kim ngạch, kể cả dầu thô, từ năm 2003, xuất khẩu của khu vực này bắt đầu vượt khu vực trong nước và dần trở thành nhân tố chính thúc đẩy xuất khẩu, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2012. FDI cũng đóng góp vào ngân sách ngày càng tăng. Giai đoạn 1994-2000, khu vực FDI đóng góp vào ngân sách 1,8 tỷ USD và tăng lên 14,2 tỷ USD vào giai đoạn 2001-2010. Riêng năm 2012, khu vực FDI nộp ngân sách 3,7 tỷ USD (không kể dầu thô), chiếm 11,9% tổng thu ngân sách.
Khu vực FDI cũng góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. 58,4% tổng vốn FDI vào Việt Nam tập trung vào lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, với trình độ công nghệ cao hơn mặt bằng chung cả nước. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng của khu vực FDI đạt bình quân 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn ngành. Đến nay, khu vực FDI đã tạo ra gần 45% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, khai thác, chế biến dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin, thép, xi măng,…
Ngoài những đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, khu vực FDI còn góp phần nhất định vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế thông qua việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; tạo công ăn việc làm cho 2 triệu lao động trực tiếp và 3-4 triệu lao động gián tiếp. Khu vực FDI cũng được đánh giá là kênh chuyển giao công nghệ quan trọng, góp phần nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế.
Theo thống kê, từ năm 1993 đến nay, Việt nam đã có 951 hợp đồng chuyển giao công nghệ được phê duyệt/ đăng ký, trong đó 605 hợp đồng là của khu vực doanh nghiệp (DN) FDI, chiếm 63,6% tổng số hợp đồng chuyển giao công nghệ được phê duyệt, đăng ký,… đó là những tiền đề làm cho tác động lan tỏa của khu vực FDI đối với nền kinh tế là rất lớn, nó được thực hiện thông qua mối liên kết sản xuất giữa DN FDI với DN trong nước, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để DN trong nước tiếp cận với chuyển giao công nghệ. Nhiều sản phẩm của khu vực DN FDI mang thương hiệu Việt Nam còn có chỗ đứng nhất định trên thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,…
Tồn tại và hướng khắc phục
Bên cạnh những đóng góp trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận việc thu hút và sử dụng dòng vốn FDI thời gian qua vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Tỷ lệ dự án sử dụng công nghệ cao còn thấp, chưa thu hút được công nghệ nguồn, tỷ lệ việc làm mới chưa cao. Tình trạng cấp Giấy chứng nhận đầu tư không phù hợp với quy hoạch; sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả ở một số dự án FDI vẫn còn tồn tại. Nhiều DN FDI vẫn chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam, thông qua hành vi chuyển giá và xả thải ra môi trường,…
Theo Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, do đó thu hút FDI trong giai đoạn tới cần thực hiện theo 4 hướng sau: Phải tạo bước chuyển biến mạnh. Từ chỗ chạy theo số lượng sang chọn lọc các dự án có chất lượng, có công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng và của quốc gia; Quan tâm thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các DN phụ trợ; Quy hoạch thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế của từng vùng để phát huy hiệu quả đầu tư của từng địa phương, từng vùng và phù hợp với tổng thể lợi ích quốc gia; Chuyển dần thu hút FDI với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao.
Muốn thực hiện được mục tiêu này, theo ông Vinh, Việt Nam cần phải có những giải pháp mang tính đột phá, có hiệu quả và có tính thực thi cao. Trong đó, ngoài các giải pháp chung như ổn định kinh tế vĩ mô, mở rộng thị trường nội địa, tập trung khắc phục các “nút thắt” về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước… cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu hút đầu tư theo hướng minh bạch, rõ ràng, phù hợp với giai đoạn tới và cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Quyết Thắng
Theo VEN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo