Theo Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), kiều hối năm 2013 đạt con số ấn tượng 11 tỷ USD. Dự báo, nguồn kiều hối sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay và thực tế cho thấy, doanh số chi trả kiều hối qua các ngân hàng thương mại 5 tháng đầu năm đã tăng mạnh.
Ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank cho biết, kiều hối chuyển về qua Sacombank trong 5 tháng đầu năm đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch Sacombank đưa ra cho năm nay là doanh số chi trả kiều hối ở mức 1,9 tỷ USD, lợi nhuận trước thuế 15,01 tỷ đồng.
Công ty Kiều hối Đông Á (thuộc Ngân hàng Đông Á) cũng cho biết, doanh số chi trả kiều hối qua Công ty tiếp tục tăng trưởng khá trong những tháng đầu năm. Doanh số chi trả kiều hối của Kiều hối Đông Á trong năm qua đạt 1,531 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012, đạt 113% kế hoạch năm 2013. Lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt 20,1 tỷ đồng trong năm 2013, bằng kế hoạch 2014. Kế hoạch 2014, Kiều hối Đông Á dự kiến doanh số tăng 20 -25% so với năm 2013.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến cuối tháng 5/2014, kiều hối chuyển về khu vực TP.HCM đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. “Ước 6 tháng đầu năm nay, kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 2 tỷ USD và cả năm đạt gần 5 tỷ USD. Năm ngoái, kiều hối chuyển về Thành phố đạt 4,85 tỷ USD”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, 70% kiều hối về Việt Nam tập trung vào sản xuất, kinh doanh, 21% vào bất động sản, nhưng xu hướng đang dần thay đổi theo hướng kiều hối đổ nhiều hơn vào bất động sản. Nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn chủ yếu từ châu Âu và châu Mỹ.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Di cư và Phát triển. Theo đó, năm 2013, kiều hối toàn cầu đạt 542 tỷ USD. Con số này được dự báo tăng lên 581 tỷ USD năm 2014 và 681 tỷ USD năm 2016. Ấn Độ là nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới, với 70 tỷ USD. Các vị trí tiếp theo là Trung Quốc (60 tỷ USD), Philippines (25 tỷ USD) và Mexico (22 tỷ USD). Việt Nam xếp thứ 9 trong danh sách này, với 11 tỷ USD kiều hối năm 2013.
So với năm 2012, thứ tự 9 nước đầu không thay đổi. Thời điểm đó, Việt Nam cũng đứng thứ 9 thế giới về thu hút kiều hối, với 10 tỷ USD. Tuy nhiên, xét theo tỷ lệ kiều hối trên GDP, thì các quốc gia dẫn đầu lại là Tajikistan (52%), Kyrgyzstan (31%), Nepal, Moldova (cùng 25%).
Kiều hối về khu vực Đông Á - Thái Bình Dương ước tăng 4,8% năm 2013, lên 112 tỷ USD. Số liệu tăng mạnh nhất là tại Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Lượng người di cư trong khu vực này khá lớn, chủ yếu do sự chênh lệch về cơ hội và thu nhập. Tuy nhân công tay nghề thấp chiếm phần lớn trong số này, song nhu cầu nhân lực chất lượng cao tại đây vẫn đang tăng lên.
Với việc năm 2015, người lao động có thể tự do đi lại trong nhóm nước ASEAN, các chuyên gia tài chính dự báo, kiều hối vào khu vực này sẽ vượt 148 tỷ USD trong năm 2016.
Hàng năm, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam nhiều nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, thường tăng 20 - 25% so với các tháng khác trong năm.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, khả năng nguồn kiều hối năm nay tăng trưởng tốt, do kinh tế các nước Mỹ, Australia, Canada… dần phục hồi, nhờ vậy, thu nhập của kiều bào ổn định hơn, nên sẽ gửi tiền về nhiều hơn.
Theo Báo Đầu Tư