Thị trường

Động lực giúp doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay, doanh nghiệp đứng trước lựa chọn đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển hay là phá sản. Một cơ chế chính sách phát triển KHCN mới cùng kinh nghiệm quý báu từ các nước phát triển là những động lực quan trọng giúp doanh nghiệp có thể thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển của mình.

Nguồn: ITN

Từ hợp tác quốc tế

Trong quá trình rũ bỏ công nghệ lạc hậu, cũ kỹ của mình, việc hợp tác với các quốc gia, doanh nghiệp có nền khoa học công nghệ phát triển là hoạt động quan trọng giúp doanh nghiệp có được kinh nghiệm cũng như cách thức để hoạt động đổi mới sáng tạo được tiến hành hiệu quả, mang lại thành công cho doanh nghiệp. Trong khi sự lan tỏa công nghệ từ các doanh nghiệp FDI không được như kỳ vọng thì các dự án đổi mới sáng tạo với các quốc gia, tổ chức quốc tế đã mang lại những kết quả bước đầu thiết thực. Cụ thể như dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ (FISRT) với vốn vay ưu đãi từ WB là 100 triệu USD; Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP); Dự án hợp tác xây dựng Viện nghiên cứu cao cấp Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST)… và tới đây Vương quốc Bỉ sẽ giúp chúng ta thông qua dự án hỗ trợ các đơn vị chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hình thành doanh nghiệp KHCN.

Lấy ví dụ về Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP). Được thực hiện từ tháng 8/2009 – 2/2014 với nguồn hỗ trợ không hoàn lại của Chính phủ Phần Lan, thông qua IPP, chúng ta đã xây dựng được hệ thống chính sách KHCN bao gồm Luật Khoa học Công nghệ và các chính sách phát triển khác, đồng thời hỗ trợ một số tổ chức KHCN, viện nghiên cứu, các trường ĐH ở Việt Nam tiến hành đổi mới sáng tạo, đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh. Chương trình cũng đã tiến hành thí điểm mô hình đổi mới sáng tạo cho một số doanh nghiệp của Việt Nam, bước đầu xây dựng một số doanh nghiệp KHCN đóng vai trò hạt nhân trong các doanh nghiệp, đưa KHCN vào sản xuất kinh doanh, tạo sản phẩm mới phục vụ sản xuất và đời sống. Hiện chương trình đã và đang hỗ trợ có hiệu quả 60 dự án lớn nhỏ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đánh giá, kết thúc giai đoạn I của dự án IPP, các doanh nghiệp và tổ chức KHCN của chúng ta đã nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu từ Phần Lan và các quốc gia phát triển khác là làm thế nào để nâng cao chất lượng các dự án, đề tài nghiên cứu, đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Thông qua kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam, chúng ta đã đưa ra một hình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp, tổ chức KHCN của Việt Nam cũng như cách thức xây dựng doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo, có tinh thần phát triển KHCN. Có thể thấy, KHCN đã có một bước tiến hữu ích trong hội nhập quốc tế, tiếp cận các thông lệ quốc tế trong quản lý, hoạt động KHCN cũng như xây dựng các tập thể, các viện, trường nghiên cứu KHCN mạnh. Từ những kết quả tốt đẹp này, đối tác Phần Lan tiếp tục tài trợ IPP giai đoạn II với những mục tiêu như giai đoạn I song ở mức độ cao hơn, rộng hơn nhằm đưa đổi mới sáng tạo thực sự trở thành nhu cầu, thành hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Để từ đó, chúng ta có nền KHCN mạnh với nhiều sản phẩm quốc gia có sức cạnh tranh cao, có nhiều viện, trường uy tín và đưa KHCN chạy cùng thế giới.

Đến việc gỡ nút thắt về chính sách

Thực trạng các doanh nghiệp Việt quên đổi mới, sáng tạo, phát triển KHCN bên cạnh nguyên nhân chủ quan từ các doanh nghiệp, thì theo nhiều chuyên gia, còn do nút thắt từ chính sách của Nhà nước còn quá nhiều bất hợp lý, hơn nữa một số chính sách được ban hành nhưng không được thực thi đầy đủ bởi thủ tục hành chính nhiều vướng mắc và sự quan liêu của người có trách nhiệm trong bộ máy hành chính. Nhà nước chưa tạo ra được một thị trường khoa học công nghệ để các nhà khoa học, viện, trường và doanh nghiệp gặp nhau. Thực tế, nhiều đề tài, dự án hay, xuất sắc không có chỗ bán trong khi doanh nghiệp thì đói các giải pháp, công nghệ mới do không biết mua ở đâu.

Đơn cử, với Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 quy định doanh nghiệp có thể trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KHCN thông qua Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do Luật không quy định mức sàn bắt buộc các doanh nghiệp phải trích lập quỹ cũng như đối tượng doanh nghiệp phải thành lập quỹ cũng chưa được quy định cụ thể nên đa số các doanh nghiệp còn chưa thực hiện. Với một số doanh nghiệp đi tiên phong trong việc thành lập quỹ và trích kinh phí cho Quỹ phát triển KHCN thì lại gặp khó khăn trong phương thức trích sử dụng quỹ, các cơ chế ưu đãi cho quỹ. Bộ KHCN đánh giá, việc sử dụng Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp thời gian qua chưa hiệu quả.

Trước những bất hợp lý này, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 quy định rõ ràng, các doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải thành lập Quỹ phát triển KHCN, các doanh nghiệp ngoài nhà nước thì được khuyến khích thành lập quỹ. Đồng thời, Luật cũng giao Chính phủ quy định mức sàn các doanh nghiệp buộc phải trích để thành lập quỹ này; giao Bộ KHCN phối hợp với Bộ Tài chính quy định việc sử dụng quỹ này cho hoạt động KHCN. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Nghị định Về đầu tư và cơ chế tài chính cho KHCN trong đó có quy định về quỹ phát triển KHCN sẽ được ban hành trong tháng 3 này, đồng thời các thông tư hướng dẫn về mức trích quỹ, phương thức sử dụng quỹ như thế nào cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Bên cạnh hoàn thiện các quy định pháp lý, tới đây Nhà nước cũng sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua Quỹ đổi mới KHCN quốc gia, Chương trình Sản phẩm quốc gia, quỹ đầu tư mạo hiểm… Những chính sách này sẽ tạo tiền đề để doanh nghiệp có nguồn lực và xây dựng đội ngũ người làm nghiên cứu khoa học. Từ đó góp phần vào đổi mới sáng tạo, triển khai các tiến bộ KHCN vào sản xuất, kinh doanh.

Những thách thức từ cơ chế cạnh tranh khốc liệt, từ khủng hoảng kinh tế hiện nay cũng đồng thời là cơ hội lớn để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hướng đến phát triển bền vững. Trong quá trình này, đổi mới sáng tạo, phát triển KHCN trở thành nhu cầu tự thân, là con đường duy nhất để doanh nghiệp có thể tồn tại, cạnh tranh và thành công. Ở đó, vai trò của chính doanh nghiệp là yếu tố quyết định, cộng với sự hỗ trợ tích cực từ khung khổ pháp lý KHCN; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực từ hợp tác quốc tế là những yếu tố quan trọng trong hành trang của doanh nghiệp trên con đường đổi mới sáng tạo.

Đại biểu nhân dân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo