Đồng Nai khuyến cáo nông dân không ồ ạt trồng sầu riêng
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, những năm qua, giá sầu riêng luôn duy trì ở mức cao, người trồng thu lợi nhuận lớn nên nông dân Đồng Nai chặt bỏ nhiều loại cây khác để trồng sầu riêng.
Ngành nông nghiệp Đồng Nai đã khuyến cáo người dân không ồ ạt tăng diện tích sầu riêng. Đồng thời, chỉ trồng loại cây này tại những nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp; không chặt bỏ những loại cây đang thu hoạch, có hiệu quả kinh tế sang trồng sầu riêng.
Ông Nguyễn Công Tú, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 4.100 ha sầu riêng, tăng gần 300 ha so với cuối năm 2016.
Trước đây tại Đồng Nai, sầu riêng chủ yếu được trồng ở thị xã Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ, nhưng nay đã phát triển ở các địa phương khác như: huyện Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất. Hầu hết diện tích sầu riêng trồng mới tập trung ở 3 huyện này và người dân thường chặt bỏ cà phê, điều chuyển sang trồng sầu riêng.
Khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cho thấy, cây sầu riêng phát triển tốt ở những vùng đất mới. Năm 2017, mỗi ha cho năng suất từ 10-12 tấn/năm, giá bán trung bình là 45.000 đồng/kg. Mỗi năm, 1 ha sầu riêng người dân thu lãi khoảng 700 triệu đồng.
Giá sầu riêng tăng cao, người dân đổ xô trồng khiến nhu cầu cây giống tăng mạnh. Những năm trước, mỗi kg hạt sầu riêng chỉ có giá từ 15.000-20.000 đồng thì nay đã tăng hơn 70.000 đồng/kg.
Theo ghi nhận của phóng viên, dọc Quốc lộ 1A và Quốc lộ 51 đi qua địa bàn Đồng Nai có nhiều cơ sở treo bảng thu mua hạt sầu riêng giá cao. Một số quán bán sầu riêng cho khách ăn tại chỗ với giá rất rẻ, điều kiện là khách phải bỏ lại hạt.
Nhiều chủ cơ sở thu mua sầu riêng trên địa bàn các huyện Cẩm Mỹ và Thị xã Long Khánh cho biết, những năm trước đây chủ yếu thu mua sầu riêng để lấy nhân đóng hộp bán cho các cơ sở làm bánh kẹo thì nay kiêm luôn lấy hạt để bán cho các vườn ươm.
Ông Nguyễn Công Tú cho rằng, hạt sầu riêng bán trên địa bàn tỉnh là hạt của trái chín, do nông dân, các cơ sở tận dụng để bán cho các vườn ươm. Đây là điều bình thường, không ảnh hưởng đến sản xuất.
Theo ông Tú, việc người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế là tốt, song khi dân ồ ạt trồng có thể khiến nguồn cung sầu riêng tăng cao, gây dư thừa, rớt giá. Ngành nông nghiệp Đồng Nai khuyến cáo nông dân chỉ phát triển sầu riêng trong vùng có điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp.
Nông dân nên chọn, sử dụng cây giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn, giống có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Sắp tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai sẽ mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng cho nông dân. Phối hợp với ngành chức năng tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống sầu riêng trên địa bàn.
Vận động nông dân tham gia các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi giá trị, qua đó xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra ổn định cho sầu riêng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chung cư Hà Nội 2025: Chuyên gia dự báo không dễ giảm nhưng khó sốt nóng
Xăng dầu đồng loạt giảm giá
Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030: Phải có tư duy đột phá
PGBank mở chi nhánh mới tại Nghệ An
Giá heo hơi ngày 15/11/2024: Tiếp tục tăng giá tại một số tỉnh phía Nam
Giá nông sản ngày 15/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng, hồ tiêu giảm giá