Đồng Rúp Nga nguy cơ mất giá kỷ lục do lệnh trừng phạt tài chính
Theo VPBS, trong vòng 1 năm qua, đồng Rúp (RUB) của Nga đã sụt giảm mạnh. Trong nửa đầu năm 2015, đồng Rúp hồi phục đôi chút nhưng trong vòng 3 tháng tiếp theo lại sụt giảm mạnh mẽ. Tỷ giá hiện tại là 70,8 Rúp/USD, vượt qua đỉnh đạt được vào cuối tháng 1 năm nay.
So với đầu năm, đồng Rúp đã giảm giá 19,68% so với USD. Tính từ ngày 18/5/2015, đồng Rúp đã tụt giá 40,9%. Trong khi đó, so với đầu năm, các đồng tiền chủ chốt khác như Euro và Yên đã giảm giá 7,2% và 0,4% tương ứng.
Theo nhận định của VPBS, việc đồng Rúp (RUB) đang có dấu hiệu xuống giá kỷ lục là do ảnh hưởng từ việc giá dầu giảm, nền kinh tế suy giảm, đặc biệt là do lệnh cấm vận quốc tế và FDI suy giảm.
Cụ thể, theo nhận định của Công ty chứng khoán VPBS, những lo lắng gần đây về nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại đã và sẽ làm giảm nhu cầu về dầu và sự gia tăng sản lượng dầu thô sẽ khiến nguồn cung dầu dư thừa, đã khiến giá dầu giảm một cách đáng kể.
Giá dầu Brent đã chạm đáy 6 năm trong tháng 8/2015 ở mức 38,24 USD/thùng. Theo báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) tháng này, dữ trự dầu thô kì vọng sẽ tăng lên và sẽ không giảm cho tới quý IV/2016.
Giá hợp đồng tương lai dầu Brent tại thời điểm ngày 27/8 đạt mức 40,23 USD/ thùng, giảm 29,5% so với đầu năm và 14,6% so với đầu tháng 8. Một số chuyên gia kinh tế tin rằng giá dầu có thể giảm xuống mức 32USD/thùng của năm 2008.
VPBS cũng cho rằng, Nga là một trong những nước sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới, xuất khẩu năng lượng là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế Nga. Doanh thu từ dầu và khí đốt đóng góp đến 25%GDP và gần 50% ngân sách quốc gia.
Thêm vào đó, “căn bệnh Hà Lan”, vốn phổ biến ở các nước xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên cũng hiện diện tại Nga, đồng nghĩa với việc Nga không có ngành công nghiệp chế biến chế tạo mạnh và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu năng lượng.
"Theo tính toán của chúng tôi, giữa giá dầu Brent và đồng Rúp có sự tương quan ngược chiều ở mức 96,5%", VPBS đánh giá.
Cũng theo VPBS, sau năm 2014 phát triển không mấy sáng sủa, nền kinh tế Nga suy thoái trong quí I với tác động kết hợp của các biện pháp trừng phạt quốc tế, giá dầu giảm thấp, lạm phát cao kéo theo đó là sự suy giảm về niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
GDP tính theo năm giảm 2,2% trong quí I và giảm 4,6% trong quí II. Vào tháng 6, sản xuất công nghiệp sụt giảm tháng thứ ba liên tiếp trong khi xuất khẩu ghi nhận tháng thứ 8 liên tiếp tụt giảm ở mức hai con số.
Hầu hết các dự báo cho rằng GDP của Nga sẽ giảm 3-3,5% trong năm 2015, với mức giảm đángkể trong nhu cầu tiêu dùng và đầu tư được bù đắp một phần do nhập khẩu giảm. Nga sẽ thiệt hại nghiêm trọng về mặt sản xuất và mức sống của người dân khi mức lương thực tế được dự báo giảm đến 10%, mức giảm lớn nhất kể từ đầu thế kỷ 21.
"Giá dầu đi xuống và việc cắt giảm lãi suất trong tháng 7 đã khiến đồng Rúp rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2. Số liệu thống kê sơ bộ trong quí I/2015 cho thấy sự gia tăng số người nghèo một cách đáng kể", đơn vị này nhận định.
Nguyên nhân nữa khiến đồng Rúp (RUB) của Nga đã sụt giảm mạnh là do cấm vận quốc tế và FDI suy giảm. VPBS cho biết, tình thế khó khăn càng trở nên trầm trọng bởi các lệnh trừng phạt tài chính đối với Nga. Hầu hết các quốc gia phát triển đã đặt ra các rào cản ngăn trở các ngân hàng và công ty lớn của Nga tiếp cận thị trường vốn tại nước họ.
Kết quả là khả năng vay vốn quốc tế của các doanh nghiệp Nga kể cả để đảo nợ đến hạn - giảm đi một nửa. Đầu tư đã giảm mạnh và nền kinh tế Nga đã đánh mất một nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng.
"Một số chuyên gia ước tính thiệt hại trong năm nay từ nguồn thu xuất khẩu do giá dầu giảm lên đến 150 tỷ USD và thiệt hại do vốn nước ngoài rút ròng vì trừng phạt tài chính ở mức 50 tỷ USD", Công ty chứng khoán VPBS thông tin.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh