Thị trường

Đồng Tháp đẩy mạnh mô hình hội quán nông dân

Tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục đầu tư, giúp các hội quán nông dân kết nối nhanh về ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng vào sản xuất, tiêu thụ…

Khoảng 2 năm trở lại đây, Đồng Tháp tiên phong về hoạt động hội quán nông dân - mô hình tập hợp nông dân có chung chí hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, sau khi "Canh tân hội quán" ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành ra đời vào giữa năm 2016, đến nay, toàn tỉnh có 54 hội quán được thành lập với khoảng 30-100 người/hội quán. 

Hầu hết các hội quán tập hợp những nông dân cùng sản xuất chung một ngành nghề như làm lúa sạch, trái cây, làm bột, hoa kiểng, nhãn, cam, quýt… Các hội viên tham gia sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất hay, cách làm giỏi; kết nối các nhà khoa học, nhà chuyên môn về nông nghiệp đến trao đổi với nông dân về những kỹ thuật sản xuất mới, phương pháp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng; liên kết với các doanh nghiệp (DN) trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa - mô hình hội quán đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp đi lên hợp tác xã.

Ông Chung Hoàng Hà, Chủ tịch HĐQT HTX An Hòa, cho biết từ lúc bắt đầu sinh hoạt mô hình Canh tân hội quán năm 2016, các thành viên đã cùng nhau trải qua nhiều thăng trầm. Từ tháng 11-2017, các thành viên hội quán đã quyết định thành lập HTX Nông sản an toàn An Hòa (xã An Nhơn, huyện Châu Thành). Đến nay, HTX có 120 thành viên, trong đó 4 xã viên là pháp nhân; từ bộ máy lãnh đạo đến cách thức hoạt động của HTX đều đáp ứng tình hình mới. Hiện hoạt động của HTX dần ổn định.

Cũng ra đời từ hội quán, sở hữu 90 ha canh tác xoài theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng sản lượng 1.000 tấn/năm, đã bán sản phẩm vào một số hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn và hợp tác xuất khẩu, HTX xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) gặt hái nhiều thành công nhờ kinh tế tập thể. HTX này đã ứng dụng công nghệ blockchain truy xuất nguồn gốc để khẳng định thương hiệu, tránh tình trạng giả hiệu xoài Mỹ Xương và các tiêu cực trong mua bán khác. Phong trào "cây xoài nhà tôi" do HTX khởi xướng cũng gặt hái nhiều thành công. 

Theo ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX, HTX đã bán được hơn 200 "cây xoài nhà tôi" cho khách hàng thông qua website HTX. Với dịch vụ này, những cây xoài đẹp, năng suất tốt của xã viên được lựa chọn chào bán trên website, khách ưng ý sẽ "mua" trong vòng 1 năm và gửi người bán chăm sóc, có thể về thăm cây bất cứ lúc nào, đến kỳ thu hoạch sẽ nhận đủ sản lượng theo cam kết. "Những chuyến về vườn thăm "cây xoài nhà tôi" thường kết hợp với ăn uống tại chỗ, nhờ vậy xã viên vừa có tiền bán trọn gói cây xoài vừa có thêm thu nhập từ dịch vụ ăn uống và tập tành làm du lịch cộng đồng" - ông Hưng nói.

Ông Nguyễn Bá Chuốt, thành viên HTX nông sản an toàn Vĩnh Thới (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung), cho biết nhờ tham gia HTX, nông dân đã thay đổi nhận thức, gắn kết với nhau hơn, sẵn sàng trao đổi cách làm hay nhờ đó nhiều hộ cùng vươn lên trong sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm mô hình phát triển hội quán. Điều đáng mừng là đa phần các hội quán đều hướng tới sản xuất sạch, sản xuất VietGAP, bảo đảm sản phẩm đủ tiêu chuẩn vào các siêu thị và xuất khẩu. Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư cho các hội quán trên nhiều mặt như xây dựng trang web, tên miền, hỗ trợ dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin… để các hội quán kết nối nhanh về ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng vào sản xuất, tiêu thụ… 

 

Nên đọc
Theo Người lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo