Dòng vốn cho bất động sản đã khơi thông chưa?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến cá nhân, tổ chức về dự thảo thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ - CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ. Nguồn vốn dự kiến cho chương trình này là 30.000 tỷ đồng. Vậy, dòng vốn đã khơi thông chưa?
Theo dự thảo thông tư, các ngân hàng dành một lượng vốn tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay các đối tượng là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đối tượng thu nhập thấp, các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất và thời hạn phù hợp.
Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản có lượng tồn kho lớn như hiện nay là những người có nhu cầu mua nhà ở thực sự lại không có đủ tiền, và việc vay vốn mua nhà cũng rất khó khăn. Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Ngọc Thành phân tích: điều kiện và khả năng kết nối nguồn vốn của người mua nhà rất khó khăn vì vẫn đang có những quy định chưa phù hợp với đối tượng này. Ngân hàng yêu cầu là đối tượng vay phải có nguồn thu nhập ổn định, thu nhập phải bảo đảm mức sau khi trừ chi phí còn tích luỹ đủ để trả lãi ngân hàng. Đây là yêu cầu rất khó với người thu nhập thấp. Quy định phải có tài sản thế chấp gây khó khăn nhất cho người mua nhà. Theo ông Thành, cần có sự kết nối giữa ngân hàng và chủ đầu tư sao cho người mua nhà có thể dùng chính căn hộ mình đang mua làm tài sản thế chấp để vay tiền mua nhà.
Bởi vậy, Nghị quyết 02 của Chính phủ có phần đề cập chương trình tín dụng cho người mua nhà vay tiền được đánh giá là đã nhìn nhận đúng thực tế vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản. Dự thảo thông tư hướng dẫn việc thực hiện cho vay hỗ trợ mua nhà theo Nghị quyết 02 vừa được NHNN công bố quy định chương trình cho vay thuê mua nhà ở với lãi suất 6% trong 3 năm đầu tiên. Tuy nhiên, theo dự thảo này thì người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội không nằm trong đối tượng được vay nguồn vốn rẻ này. Mặc dù trước đó Bộ Xây dựng đã có văn bản góp ý về vấn đề này và theo phản ánh từ các doanh nghiệp, nhu cầu mua nhà ở xã hội của người dân rất lớn.
Theo tính toán của Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Viết Mạnh, nếu được vay mua nhà với lãi suất 6%/năm, số tiền lãi sẽ chỉ tương đương hoặc thấp hơn số tiền thuê nhà mỗi tháng. Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng: thời hạn vay mua nhà 10 năm cũng là tốt nhưng nếu có thể kéo dài thì sẽ tốt hơn. Một người vay khoản tiền 600 triệu để mua nhà, lãi suất 6%/năm, nếu chỉ được vay trong thời hạn 10 năm thì mỗi tháng người vay phải trả cả vốn cả lãi khoảng 10 triệu đồng. Nếu kéo dài thời hạn thành 15 năm thì họ chỉ phải trả 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Câu chuyện lãi suất không chỉ làm khó cho người mua nhà mà còn làm khó cho chính doanh nghiệp xây dựng. Theo tính toán của ông Nguyễn Ngọc Thành, Hiệp hội bất động sản Việt Nam, chi phí lãi suất khiến giá thành bất động sản bị đội lên khoảng 30%.
Như vậy, một phần dòng vốn dành cho người có nhu cầu mua nhà ở xã hội đã được khơi thông với các đối tượng là người thu nhập thấp, cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang. Nhưng nhìn chung, khả năng tiếp cận nguồn vốn để mua nhà với người dân nói chung vẫn khó khăn. Và nếu ngân hàng tiếp tục xếp cho vay đầu tư bất động sản vào loại hình cho vay phi sản xuất thì thị trường sẽ chưa thể khởi sắc.
Quyết Thắng
Theo ĐBND
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo