Dòng vốn tín dụng cần về nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn
Sau gần 3 năm thực hiện Nghị định 41/NĐ-CP về chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhiều hộ gia đình trên cả nước vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nghị định 41 cùng các chính sách khác của Nhà nước về hỗ trợ tín dụng góp phần thay đổi diện mạo sản xuất khu vực nông nghiệp, nông thôn từ manh mún, nhỏ lẻ sang đầu tư phát triển tập trung, quy mô lớn. Dù vậy, các ngân hàng cho biết họ đang gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định này. Trước hết do nguồn vốn được huy động từ dân cư và từ nguồn vay tái cấp vốn chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn. Song, nhu cầu vay vốn của các đối tượng thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn phần lớn là nhu cầu vốn trung và dài hạn. Chi phí tác nghiệp cho vay nông nghiệp nông thôn thường khá cao. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn cũng có thể gặp những rủi ro bất khả kháng. Ngoài ra, việc cho vay đối với kinh tế hộ đòi hỏi mỗi cán bộ tín dụng phải quản lý, theo dõi một khối lượng khách hàng lớn, trong khi khó am hiểu các định mức kinh tế kỹ thuật nông nghiệp.
Nghị định 41 đã tăng điều kiện tiếp cận vốn tín dụng đối với các cá nhân, hộ gia đình và hợp tác xã sản xuất, kinh doanh tại khu vực nông thôn khi đưa ra hình thức vay không cần sử dụng tài sản bảo đảm (vay tín chấp). Tuy nhiên, Nghị định này cũng quy định, các đối tượng khách hàng phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với các đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc được UBND cấp xã xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp. Như vậy, thực chất là cá nhân, hộ gia đình và hợp tác xã tại khu vực nông thôn vẫn phải vay theo hình thức thế chấp. Và dù Nghị định 41 chấp thuận được sử dụng xác nhận của UBND về đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì cũng không có nghĩa là nông dân được tạo điều kiện thuận lợi hơn. Để tiếp cận được nguồn vốn không cần tài sản bảo đảm này, nông dân phải phụ thuộc vào tốc độ giải quyết xác nhận của UBND cấp xã.
Để hướng dòng vốn tín dụng về sản xuất nông nghiệp, về nông thôn, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với bộ, ngành hữu quan nhanh chóng nghiên cứu sửa đổi những bất cập, vướng mắc trong Nghị định 41 để bảo đảm nông dân ở các vùng thị xã, thị trấn từ xã lên phường đều được hưởng chính sách. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân vì đây là một trong những điều kiện để nông dân tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng. Đối với các ngân hàng có dư nợ lớn ở lĩnh vực này, Ngân hàng Nhà nước nên có những ưu tiên về mức dự trữ bắt buộc, hoặc sẽ dành một phần tiền cung ứng cho tái cấp vốn để các tổ chức tín dụng cho vay. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại đưa ra các sản phẩm tín dụng mới, hiệu quả và trực tiếp hỗ trợ đối với nông dân và các hộ kinh doanh nông nghiệp. Đề xuất những kiến nghị các biện pháp bình ổn giá lương thực, nông sản, chăn nuôi, thủy sản hợp lý nhằm ổn định và phát triển sản xuất, bảo đảm lợi ích cho người nông dân.
Quyết Thắng
Theo ĐBND
End of content
Không có tin nào tiếp theo