Đợt 2 kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014: Cách ra đề mới sẽ vô hiệu hóa “phao thi“
Với chủ trương đề thi mở, hạn chế tối đa việc phụ thuộc tài liệu mà đẩy mạnh vận dụng kỹ năng, tư duy vào bài làm, Bộ GDĐT lưu ý, thí sinh thi đợt 2 kỳ thi ĐH, CĐ cần làm bài nghiêm túc, đừng nghĩ đến việc sẽ có "phao" thi hỗ trợ với cách ra đề thi mới. Ngoài các câu hỏi cơ bản, đề thi còn có sự phân hóa rõ nét năng lực của thí sinh.
Đề thi mở và phân hóa năng lực
Về những điểm mới đối với đợt 2 kỳ thi này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh, sau đề thi tốt nghiệp THPT, việc đổi mới cách ra đề thi sẽ tiếp tục theo hướng kiểm tra năng lực, không yêu cầu thí sinh học thuộc lòng hay nhớ một cách máy móc kiến thức. Việc mang tài liệu vào phòng thi vừa phạm quy bị xử lý nặng, vừa không hỗ trợ được gì trong việc làm bài với đề thi kiểu mới. Đây được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng của đợt thi tới với các khối B, C và D.
"Hầu hết các môn khoa học xã hội đều ra đề thi theo hướng mở, cả thí sinh lẫn giáo viên đều cảm thấy hào hứng với cách ra đề này. Đề thi cũng theo hướng tiệm cận dần đến kiểm tra năng lực, tư duy của thí sinh thay vì những kiến thức khô cứng trong sách giáo khoa" - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói. Một điểm mà thí sinh cần lưu ý nữa là đề thi sẽ bao gồm hai phần, một phần kiểm tra những kiến thức cơ bản của học sinh, phần khác nâng cao để phân loại thí sinh.
Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) cũng cho hay, đợt thi đầu tiên có 73 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, vẫn có tình trạng gian lận diễn ra. Vì thế, cán bộ coi thi cần hết sức chú trọng kiểm tra phát hiện các thiết bị công nghệ tinh vi, hiện đại cấm mang vào phòng thi. Kiểm tra giám sát chặt chẽ tránh không để diễn ra hiện tượng thi hộ, thi kèm. Đặc biệt là khâu thu bài thi ở môn thi cuối cùng, các trường cần chỉ đạo các giám thị tuyệt đối không để xảy ra sai sót.
Tuyển sinh riêng: Phải có ngưỡng điểm tối thiểu
Đợt thi thứ hai này cũng tập trung khá nhiều các trường có trong danh sách tuyển sinh riêng - một trong những điểm mới của kỳ thi năm nay. Điều mà dư luận băn khoăn nhiều nhất chính là chất lượng nguồn tuyển của những trường này, Bộ GDĐT khẳng định, trong mỗi đề án tuyển sinh riêng, Bộ GDĐT bắt buộc các trường phải công bố ngưỡng tối thiểu để xét tuyển.
Hầu hết những trường thực hiện tuyển sinh riêng năm nay sử dụng kết quả học tập và kết quả thi phổ thông và đều xác định ngưỡng tối thiểu để nhận hồ sơ. Ví dụ, với trường ĐH, điểm trung bình là 6,0 trở lên; CĐ là 5,5 trở lên, các trường không thể lấy thấp hơn mức đó. Các đoàn thanh tra của Bộ GDĐT sẽ kiểm tra việc tuyển sinh riêng của các trường dựa trên đề án đã công bố. Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: "Việc thanh tra sẽ được đẩy mạnh, giám sát chặt chẽ về chất lượng nguồn tuyển chứ không phải các trường tuyển sinh riêng muốn tuyển thế nào cũng được. Trách nhiệm của hội đồng tuyển sinh rất quan trọng, nếu có dấu hiệu vi phạm, tiêu cực, người đứng đầu hội đồng tuyển sinh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo