Đột nhập mỏ đá trắng hoa cương lớn nhất Việt Nam
Ngót 80 km, sau ba tiếng đồng hồ, từ thị xã Yên Bái cuối cùng cũng đến được thủ phủ của vùng đá trắng hoa cương lớn nhất miền Bắc và có lẽ cũng là lớn nhất Việt Nam.
Mỏ đá đầu tiên chúng tôi thấy là mỏ Đào Lâm của Công ty cổ phần Khoáng sản Yên Bái nằm cách không xa trung tâm thị trấn Yên Thế. Từ ngoài đường nhìn vào, cả một vạt núi nhỏ bị cày xới. Nhưng không có vẻ gì của những nhất: lớn, nhiều, to như thông tin được nghe và hình dung khi đến với trung tâm đá trắng Yên Bái này.
Xuôi qua Đào Lâm về phía sâu trong núi, con đường đất rộng đưa chúng tôi đến một mỏ đá khác. Từ xa đã nhận ra cổng doanh nghiệp được lãnh đạo huyện Lục Yên ca ngợi là đơn vị lớn nhất của huyện bởi những chiếc xe container trở đá khối lầm lũi trườn ra đường.
Đây là công ty R.K, 100% vốn nước ngoài do người Ấn Độ làm chủ. Đọc nhanh ở đâu đó báo cáo doanh nghiệp này tổng đóng góp ngân sách địa phương năm 2013 khoảng trên 63 tỷ đồng và sáu tháng đầu năm của 2014 trên 30 tỷ.
Khang trang, đó là cảm nhận của hầu hết ai đặt chân đến nơi này. Dãy văn phòng trắng toát bởi nền đá, sạch sẽ, chuyên nghiệp khiến cho ai vẫn hình dung thế giới hay được gắn với hai chữ “quặng tặc” phải ngạc nhiên. Ngạc nhiên nữa cô gái Việt trẻ, xinh, nói vanh vách về hoạt động của doanh nghiệp và cái nghiệp khai thác đá nặng nhọc này với cương vị là Phó tổng giám đốc.
Chỉ sang xưởng sản xuất, quy trình cuối cùng của công đoạn khai thác, chếch phía văn phòng, Hồng, doanh nhân quê Thủ đô này bảo công ty có ba loại sản phẩm chính là đá khối, đá xẻ tấm lớn và đá cắt
“Nhà máy em dùng công nghệ xẻ và đánh bóng của Italia, công nghệ hiện đại nhất trên thế giới. Sản phẩm 100% xuất khẩu. Đá trắng đòi hỏi giữ gìn rất cao vì nếu đánh đổ nước hoặc bất kì cái gì ra nó sẽ thẩm thấu và sẽ đổi màu. Khí hậu ở Việt Nam độ ẩm cao nên đây cũng là lý do sử dụng đá trắng không phù hợp”, Hồng giải thích
Đá trắng từ đây đã tỏa đến trên 60 nước trên thế giới. Ngay lúc chúng tôi đến cũng có dăm khách nước ngoài đang ở nhà máy để chọn hàng .
Đến trung tâm đá trắng hoa cương Việt Nam mà không lên khai trường thì thật là thiếu sót. Lắc lư qua những đoạn đường ngoằn nghèo, mọi người được đưa lên mỏ bằng dòng xe bán tải hai cầu. Cuối cùng cũng đến nơi.
Trước mắt chúng tôi là một công trường khá nhộn nhịp, khác hẳn với vẻ trầm tĩnh khi nhìn từ dưới lên. Cả quả núi to sừng sững, chỉ có một chút màu xanh của lá cây trên đỉnh. Mênh mông bên dưới tán rừng là màu trắng toát của đá hoa cương xen chút vàng như màu đất tạo thành bức tranh đá đẹp ngỡ ngàng.
Ngọn núi được xẻ ra thành từng tầng như ruộng đá bậc thang hay như thành phố của người Trung Á với những dãy nhà san sát không bóng cây. Ngọn núi được xẻ thành từng mảng lớn, vết cắt phẳng lì, sắc bén và mượt.
Nhìn cả đội xe hùng hậu đang vận hành cũng đủ thấy chi phí đầu tư để khai thác cũng khá nhiều. “Riêng bộ sợi sích để lắp vào bánh xe ủi là 100 triệu”, một nhân viên văn phòng của công ty đi cùng đoàn cho biết.
Đấy là chưa kể con đường từ văn phòng lên đến điểm khai thác này công ty phải đầu tư. Cứ nhẩm với chi phí làm đường dưới xuôi, có lẽ cũng phải đầu tư hàng trăm tỷ. Chỉ vào những phiến đá phẳng lì trong núi, Hùng bảo, công nghệ khai thác cũng như quy mô về khai thác đá tự nhiên của mỏ này là hiện đại nhất ở của Việt Nam. Ở đây khai thác từ trên đỉnh khai thác xuống, chứ không khai thác theo phương pháp ở bên dưới, tạo những hàm ếch rất nguy hiểm.
“ Đá được cắt theo tầng, rất an toàn”, Hùng nói. Công trường nơi chúng tôi đang đứng có thể thấy lớp đá khai thác lên đến tầng 9-10. Mỗi một tầng cao cao trên 10m, trải dài từ đầu đến cuối khai trường khoảng 1km.
Đã xẻ được xếp vào bãi đá, rồi phân chia thành từng loại. Có những tảng đá nặng hàng chục tấn, trắng muốt. Nghe nói giá của nó phải vài trăm triệu đồng. Nhưng chỉ cần bên trong tảng đá này có vết nứt nhỏ, một đốm đen nhỏ, giá trị của nó sẽ kém đi rất nhiều.
Rủi ro này là có và nó cũng liên quan nhiều đến những tranh cãi giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình cấp phép, cấp quyền khai thác và dĩ nhiên, cuối cùng lại quay về chuyện tiền nong.
Tranh cãi này cõ lẽ còn dài, không biết sau 30 năm khi doanh nghiệp khai thác hết công suất đã xong hay chưa. Nhưng tranh cãi về quản lý lại làm tôi nhớ đến gương mặt mấy công dân nhỏ tuổi miền viễn cước này ùa ra khi thấy đoàn nhà báo chụp ảnh và nhớ đến lời ông chủ tịch thị trấn. Rằng khi lớn lên những đứa trẻ kia sẽ được hưởng lợi gì từ món quà thiên nhiên ban tặng cho quê hương chúng.
Nếu áp dụng cái sáng kiến minh bạch trong khai thác khoáng sản EITI mà Trung tâm Thiên nhiên và Con người với Diễn đàn Các nhà báo Môi trường đang ra sức tuyên truyền, vận động, chưa biết thành công hay không. Nhưng nhiều người tin có EITI, thế hệ những đứa trẻ hôm nay sẽ được hưởng thụ chút gì từ “rừng vàng”.
Đừng để như anh Vũ Mạnh Thắng 43 tuổi, nhà ngay sát mỏ, sống ở đây từ năm 80 của thế kỷ trước bảo, “chả được cái gì sất” ngoài chuyện phải hứng chịu môi trường sống có thêm những tiếng ầm ào, bụi bặm.
Tôi tin Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Yên Thế Nguyễn Quang Vinh nói thật lòng chuyện địa phương cũng như dân không hề được tham khảo ý kiến khi cấp mỏ cho doanh nghiệp.
“Nếu như chúng ta làm thì dân chủ, ý thức và trách nhiệm của dân cũng sẽ cao hơn, tạo thuận lợi hơn kể cả công tác quản lý điều hành và các đơn vị vào khai thác. Nếu như có sự đồng thuận của dân cao, nếu làm được việc đó thì quá tốt chứ không phải là cần hay không cần”, vị chủ tịch nom khá trẻ và xông xáo này chia sẻ khi phóng viên hỏi về việc công khai các vấn đề liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản của doanh nghiệp.
Xuống đặt vấn đề với dân, khai thác mang lại lợi ích cho dân kể cả việc có thể bị ảnh hưởng gì đó, để dân xem giữa cái được và cái mất. Cái nào cảm thấy có lợi hơn và khi người ta ủng hộ cao thì là quá tốt.
Doanh nhân Hồng chúng tôi không hỏi những cũng đoán sẽ ủng hộ chủ trương trên. Bởi chả ai muốn những gì mình đóng góp cho nhà nước, cho những kêu gọi đóng góp ở thị trấn xa xôi này nằm trong vòng bí mật. Ấy vậy mà sao mãi chưa công khai!
Việt Nam có hai nguồn cung cấp đá trắng là Quỳ Hợp – Nghệ An và Lục Yên – Yên Bái, còn trên thế giới có Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Hy Lạp cung cấp đá trắng. Nhưng đá trắng mỗi nước có một đặc điểm riêng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc