Đốt nhiều đồ mã dễ gây họa, người âm cũng chẳng “chứng” cho
Đồ mã cháy đỏ các ngõ phố Thủ đô
Ngày 27/8 (tức ngày 14/7 Âm lịch), tại các ngõ, phố Hà Nội thường xuyên trong cảnh khói lửa nghi ngút bởi các gia đình đua nhau đốt đồ mã “gửi” người cõi âm. Bà Hoàng Thị Tam (ở khu tập thể Bách Khoa, đường Nguyễn Hiền, quận Hai Bà Trưng) đang “hóa” những lỉnh kỉnh tiền, vàng, đồ mã khá hoành tráng như: ngựa, voi, hình nhân, ô tô… Theo bà Tam, những năm trước gia đình bà hóa đồ mã khá gọn nhẹ, chỉ có tiền, vàng và ít quần áo nhưng năm nay để “theo kịp thời đại”, bà sắm nhiều hơn. “Nhà người ta có, mình phải có. Nếu đốt xuống, người âm không nhận được cũng không sao. Nhưng nếu người âm nhận được, nhà họ có, nhà mình không thì tội lắm?”, bà Tam bày tỏ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ trưa 14/7 Âm lịch, những dãy nhà cũ kỹ tại khu tập thể Bách Khoa lại bị xông khói khi nhà nhà đốt đồ mã ở ngay chân cầu thang. “Mỗi năm có vài ba lần như vậy, nhà nào có trẻ con thì phải tạm lánh không thì ngạt thở vì khói. Không ai nói được ai cả vì nhà nào cũng đốt. Khu tập thể này không có chỗ hóa vàng như những khu chung cư mới nên đành phải chịu”, bà Tam chia sẻ.
Không chỉ ở khu tập thể cũ này mà đồ mã còn rực cháy ở nhiều ngả đường Hà Nội. Gia đình nào có không gian thì đốt trong sân nhà, phần nhiều còn lại đốt ngay vỉa hè. Anh Hoàng Cường (ở khu chung cư HH4B, Linh Đàm) mới về nhà mới nên Rằm tháng Bảy năm nay, gia đình anh làm rất to. Anh Cường cho rằng, người sống nhớ về người đã khuất thể hiện ở tâm đã đành, đốt vàng mã cho người cõi âm vừa là phong tục, vừa thể hiện sự quan tâm đối với người đã khuất.
Rất nhiều người khi được hỏi có biết về quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, đã quy định, việc đốt đồ mã nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng hay không? Phần lớn những câu trả lời chúng tôi nhận được là họ không hề hay biết quy định này(?).
Dễ gây hỏa hoạn và lãng phí
Trả lời chúng tôi về việc “gửi” đồ mã cho người đã khuất thì liệu có đến tay người nhận hay không, chị Nguyễn Thị Oanh (ngõ 664 Giáp Bát, Hoàng Mai) cho rằng, việc đốt vàng mã là phong tục, từ xưa đến giờ mọi người vẫn làm vậy. Tuy nhiên, chị Oanh cũng nói thêm rằng, không nên đốt những thứ như mô hình nhà lầu, xe hơi… và cũng không nên chi tiêu quá nhiều vào việc này. “Kể cũng lạ, ông bà mình khi còn sống nào biết dùng điện thoại, xe máy, xe hơi… là cái gì đâu mà gửi. Chưa kể việc đốt nhiều giấy tiền vàng mã cũng có thể là nguy cơ gây hỏa hoạn”, chị Oanh nói.
Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho rằng, tục đốt vàng mã ở nước ta chịu ảnh hưởng từ văn hóa tâm linh Trung Quốc, chứ đạo Phật không dạy đốt vàng mã cho người quá vãng. Trong đạo Phật không có cúng vàng mã.
“Người thác xuống âm phủ cũng có ngân hàng âm phủ. Trên đời có bao nhiêu ngành nghề dưới âm phủ cũng có đủ. Đốt đồ dùng, tiền vàng mã thành tro, gió thổi bay tung tóe làm sao mà dùng được, tiêu được nên rất lãng phí. Vậy nên, tiền đó nên để làm từ thiện là tốt nhất”, Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu lý giải.
GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay, nhiều người dân đốt vàng mã một cách “lãng phí và sai lầm”. Quan niệm đốt càng nhiều tiền vàng mã thì càng có nhiều lộc là không đúng. Bởi điều quan trọng nhất là ở tấm lòng thành tâm, chứ không phải ở vàng mã nhiều hay ít. Cần lên án những người đốt vàng mã “như đốt đống rơm, đống rạ”. “Hành động này vừa vô tín ngưỡng, vừa vô văn hóa”, GS Ngô Đức Thịnh nhận xét.
Đốt đồ mã ngày Rằm tháng Bảy đã ăn sâu trong tiềm thức không chỉ người dân Thủ đô mà của người Việt từ xưa đến nay. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc đốt vàng mã ngày càng biến thái. Theo thống kê, mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã, tiêu tốn một số tiền khổng lồ. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, số tiền thật “đốt” cho vàng mã lên tới 400 tỷ đồng/năm. Đây là hành động rất lãng phí, vô bổ và vô nghĩa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam