Đột quỵ ở nông thôn
Theo sách vở và suy nghĩ của nhiều người, nói đến bệnh lý dẫn đến đột quỵ (bệnh lý liên quan đến thần kinh, mạch máu não hay tim mạch...), người ta thường liên tưởng ngay đến người lớn tuổi, người làm công việc trí óc và sống ở thành thị.
Thế nhưng, những năm gần đây số người bị đột quỵ là người trẻ, nông dân, người sống ở nông thôn xảy ra không ít.
Theo phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, năm 2012 và 2013 có trên 500 bệnh nhân đột quỵ dưới 55 tuổi vào cấp cứu tại bệnh viện, chiếm hơn 20% tổng số bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện. Trong chín tháng năm 2014, có 368 bệnh nhân dưới 55 tuổi bị đột quỵ đến cấp cứu. Trong đó, số người bệnh là nông dân hay lao động tự do chiếm tỉ lệ nhiều nhất.
Nông dân bị đột quỵ nhiều
Bác sĩ Nguyễn Văn Khoe - trưởng khoa nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa trung ương - cảnh báo thực tế nói trên là tình trạng rất đáng báo động liên quan đến thói quen sinh hoạt, việc lạm dụng rượu bia, thuốc lá... ngày càng phổ biến ở nông thôn.
“Trước đây khi nói đột quỵ ở lĩnh vực thần kinh như nhồi máu não hay xuất huyết não thì người ta nghĩ ngay đến đối tượng là người lớn tuổi, cán bộ công chức, nhưng giờ tình trạng này đã khác hẳn. Đó là những bệnh nhân có khi chỉ ở độ tuổi chưa đến 40, 50, là nông dân hoặc làm nghề bốc vác...” - bác sĩ Khoe nói.
Bác sĩ Khoe nêu trường hợp bệnh nhân N.V.P. (45 tuổi, ở xã Đông Phước, Châu Thành, Hậu Giang) như một ví dụ về đột quỵ ở nông thôn. Ông N.V.P. làm ruộng, có tiền sử bệnh cao huyết áp nhưng không điều trị lại thường uống rượu. Trước khi vào viện bệnh nhân có đau đầu, vào cấp cứu với bệnh lý nhồi máu não, yếu nửa người bên trái...
Hay một bệnh nhân khác là ông N.V.P. (48 tuổi, ngụ Q. Ninh Kiều, Cần Thơ). Theo người nhà cho biết, ông P. quanh năm đi làm thuê kiếm sống và chưa bao giờ đi bệnh viện khám bệnh. Thỉnh thoảng ông có đau đầu thì mua thuốc giảm đau uống rồi thôi. Khi đến bệnh viện, bác sĩ cho biết ông P. có tiền sử cao huyết áp, lúc đến cấp cứu đã bị liệt nửa người, lơ mơ do xuất huyết não...
Bác sĩ Nguyễn Văn Khoe cảnh báo thông thường các trường hợp người trẻ tuổi bị đột quỵ có liên quan đến tình trạng dị dạng mạch máu não, tăng huyết áp, bệnh lý về tim mạch, bị hội chứng chuyển hóa (rối loạn lipid máu), béo phì, lạm dụng rượu, thuốc lá...
Cùng quan điểm này, bác sĩ Trần Minh Hậu (đơn vị tim mạch Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long) cho biết gần đây ông gặp nhiều bệnh nhân bị đột quỵ liên quan đến tim mạch còn rất trẻ, có người chỉ 32, 35 hay 39 tuổi, họ làm nghề bốc vác và hình thể đều ốm. Đặc điểm chung đáng lo ngại của những bệnh nhân này là hút thuốc lá rất nhiều, mỗi ngày hơn một gói và có sử dụng rượu bia.
Bác sĩ Trần Minh Hậu kể về trường hợp bệnh nhân N.T.T. (35 tuổi, ngụ Bình Minh, Vĩnh Long) như một cảnh báo cho người lao động chân tay hút thuốc lá nhiều và không để ý đến sức khỏe. Cụ thể, bệnh nhân N.T.T. được chuyển đến cấp cứu ở Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long trong tình trạng hôn mê, tim loạn nhịp, rung thất do nhồi máu cơ tim. Sau đó khi qua cơn nguy kịch, tỉnh lại, T. kể anh làm nghề bốc vác, có ngày hút hơn một gói thuốc lá, sau giờ làm còn nhậu với bạn bè... Đôi lúc anh có cảm giác nặng ngực khi khiêng vác nặng, nhưng sau đó không để ý mà vẫn đi làm bình thường cho đến lúc đi cấp cứu.
Có thể phòng ngừa
Các bác sĩ cho rằng mặc dù đột quỵ thường xảy ra đột ngột nhưng trước đó bệnh nhân thường nôn ói, đau đầu, nói khó, dẫn đến yếu nửa người, nặng hơn là rối loạn ý thức, hôn mê. Có thể phòng ngừa đột quỵ bằng các chế độ ăn uống hợp lý và kiểm soát các nguy cơ hay khám sức khỏe định kỳ. Bác sĩ Nguyễn Văn Khoe cho rằng điều nguy hiểm nhất là tình trạng lạm dụng rượu hiện nay ở người trẻ vì uống nhiều rượu bia sẽ dẫn đến xơ gan, rối loạn đông máu, đưa đến tình trạng xuất huyết não gây đột quỵ. Theo bác sĩ Khoe, cách tốt nhất là mỗi người phải kiểm soát sức khỏe bằng cách ăn uống điều độ (giảm chất béo, tăng rau xanh, trái cây) để giảm mỡ trong máu, hạn chế rượu bia, thuốc lá; tập thể dục thường xuyên. Nếu có bệnh lý liên quan như cao huyết áp, tiểu đường thì cần kiểm soát điều trị thường xuyên.
Bác sĩ Trần Minh Hậu cảnh báo các trường hợp đột quỵ liên quan đến tim mạch, thường các bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu cơ tim đều có bệnh lý tắc hay hẹp mạch máu... Trước đó có người hay bị đau nặng ngực, mệt mỏi, có cơn đau thắt ngực khi làm việc nặng nhưng thường bỏ qua. Các trường hợp bệnh lý này cần được kiểm tra bằng xét nghiệm, đo điện tim, siêu âm và đo điện tim gắng sức để có hướng can thiệp sớm.
Tỉ lệ tử vong cao
Bác sĩ Nguyễn Văn Khoe cho biết các dạng đột quỵ do thần kinh não thường gặp là xuất huyết não tỉ lệ tử vong khoảng 30%, nhồi máu não tỉ lệ tử vong trên 20%... Các trường hợp đột quỵ này nếu ở thể nặng, không cấp cứu kịp thời thì di chứng để lại rất nặng nề: liệt nửa người, nói khó, nằm tại chỗ lâu ngày có thể bị lở loét, viêm phổi. Các trường hợp này nếu xảy ra ở người trẻ tuổi sẽ là gánh nặng rất lớn cho gia đình, xã hội vì người bệnh mất sức lao động và mọi sinh hoạt cần phải có người trợ giúp. Đối với trường hợp bị đột quỵ do tim mạch, trong trường hợp bị tắc mạch máu nhánh chính nuôi tim thì tỉ lệ tử vong khoảng 70%, nếu không được can thiệp thì tử vong hơn 90%.
Theo bác sĩ Trần Minh Hậu, nếu bệnh nhân nặng được cấp cứu và can thiệp kịp thời trong sáu tiếng đầu (kể từ khi xảy ra bệnh), khả năng hồi phục rất tốt, nếu trễ có thể biến chứng dẫn đến suy tim.
"Mọi người cần để ý đến những thay đổi về sức khỏe như đau đầu thường xuyên, hay bị cơn choáng thiếu máu não (mất ý thức tạm thời, mờ mắt, yếu tay, chân). Những triệu chứng này thường tự hết sau 24 giờ nên nhiều người bỏ qua, không đi khám dẫn đến đột quỵ... Tốt nhất bà con nên khám sức khỏe định kỳ và kiểm tra bằng siêu âm mạch cảnh xem có hẹp hay không..."
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự báo thời tiết ngày mai 8/11 trên cả nước: Hà Nội chuyển rét, có nơi 19 độ, TP Hồ Chí Minh xuất hiện mưa rào
PC Đà Nẵng: Xử lý kịp thời các trường hợp sản lượng điện tăng bất thường
Đà Nẵng: Cấm một số loại ô tô trên Quốc lộ 1 giờ cao điểm
Nhiều hoạt động mới lạ, hấp dẫn tại Festival Hoa Đà Lạt năm 2024
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Phân cấp triệt để trong mua sắm, đấu thầu thiết bị y tế