Dự án bauxite: Nếu có thiệt hại Vinacomin sẽ chịu trách nhiệm
Hiệu quả kinh tế, vấn đề môi trường, công nghệ sử dụng… là những vấn đề được báo chí quan tâm nhiều nhất tại cuộc họp báo về hai dự án bauxite Tây Nguyên do Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tổ chức ngày 16-5.
Có thể lỗ trong 3- 5 năm đầu
Về những lo ngại đến hiệu quả kinh tế của dự án, ông Nguyễn Tiến Chỉnh- Trưởng Ban Khoa học công nghệ và Chiến lược phát triển (Vinacomin) cho biết, Vinacomin đã thuê tư vấn tính toán và thẩm tra lại tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế của 2 dự án.
Kết quả cho thấy, dự án có hiệu quả kinh tế trên 3 thông số về tác động kinh tế - xã hội, nộp ngân sách Nhà nước, tài chính doanh nghiệp cũng như thời gian hoàn vốn giản đơn.
Theo tính toán, thời gian hoàn vốn của Tổ hợp nhôm Lâm Đồng là 12 năm, còn Tân Rai là 13 năm. “Ban đầu, dự án có thể lỗ trong thời gian 3-5 năm do những khấu hao về đầu tư, lãi vay… Tuy nhiên, sau đó dự án chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả theo tính toán của chúng tôi”, ông Chỉnh nói.
Việc thẩm tra mức đầu tư cho thấy, đối với Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng (Tân Rai), tổng nguồn vốn tăng 31,3% (3,3 tỷ USD) do tăng tỷ giá, tăng lãi vay và đền bù giải phóng mặt bằng, điều chỉnh dự án như các hồ chứa bùn đỏ và một số chi phí thêm khoảng 20%. Tuy nhiên, nếu quy về USD thì tỷ lệ tăng sẽ giảm đi.
"Chúng tôi không dám dừng"
Trước câu hỏi có nhiều ý kiến cho rằng nên dừng Dự án Alumin Nhân Cơ, ông Chỉnh khẳng định: “Việc dừng dự án Tập đoàn cũng đã xem xét, tính toán, nếu dừng thì thiệt hại sẽ thế nào, tiếp tục sẽ ra sao. Nhưng thú thật là chúng tôi không dám dừng bởi thiệt hại mà chúng tôi phải gánh vác là rất lớn. Hiện dự án đã đầu tư vào đó cả đống tiền, nhà máy đã xây dựng, thiết bị, công trình nằm ngổn ngang, hợp đồng với các đối tác cũng đã ký. Khi làm dự án này, Chính phủ, các cơ quan chức năng đã xem xét, chúng tôi có trách nhiệm làm, nếu có thiệt hại gì thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước”.
Cũng tại buổi họp báo, ông Chỉnh cho biết, Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm alumin với 2 doanh nghiệp (Nhật Bản và Trung Quốc) và đã bán hàng cho 6 khách hàng trong nước. Do vậy, việc tiêu thụ sản phẩm của 2 dự án này là hoàn toàn khả thi.
Sắp ra sản phẩm thương mại
Theo báo cáo của Vinacomin được đưa ra tại họp báo, Dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng (Tân Rai) và Dự án Alumin Nhân Cơ – Đắk Nông có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 650.000 tấn alumin/năm. Dự án bauxite – nhôm Lâm Đồng đã hoàn thành Nhà máy tuyển quặng, Nhà máy alumina. Đến nay đã khai thác được trên 1,6 triệu tấn quặng bauxite và sản xuất được trên 265.000 tấn quặng tinh bauxite (tính đến tháng 4-2013).
Tính đến tháng 4-2013, tổng giá trị đầu tư đã thực hiện của toàn bộ dự án này khoảng 11.612 tỷ đồng, tổng giá trị đã giải ngân khoảng 11.125 tỷ đồng. Dự kiến đến tháng 5-2013 sẽ tiến hành chạy đồng bộ các chỉ tiêu để đưa Nhà máy alumina vào sản xuất sản phẩm thương mại đầu tiên.
Đối với Dự án Alumin Nhân Cơ – Đắk Nông, tổng giá trị đã thực hiện của toàn bộ dự án và một số dự án khác liên quan là khoảng 6.836 tỷ đồng (đến tháng 4-2013), trong đó, đã giải ngân gói thầu EPC đạt khoảng 4.606 tỷ đồng. Dự án này bao gồm Nhà máy tuyển quặng bauxite và Nhà máy alumin Nhân Cơ. Vinacomin đã báo cáo Thủ tướng điều chỉnh một số nội dung của gói thầu EPC (phạm vi cung cấp, thời gian thực hiện, giá gói thầu) để triển khai thực hiện đối với Nhà máy tuyển quặng bauxite.
Gói thầu EPC Nhà máy alumin Nhân Cơ đã triển khai thực hiện 72/73 hạng mục (còn hạng mục trồng cây xanh chưa thực hiện). Dự kiến nhà máy có sản phẩm vào năm 2014.
Minh Trí
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Cột tin quảng cáo