Dự án chống ngập 10.000 tỷ của TP.HCM không thể đúng hẹn
"Đến giờ phút này có thể nói dự án chống ngập không thể hoàn thành theo kế hoạch vào dịp 30/4 như cam kết. Chúng tôi không có mặt bằng để thi công", ông Nguyễn Tâm Tiến (Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, chủ đầu tư dự án gần 10.000 tỷ đồng) cho biết.
"Việc này ngoài khả năng của chúng tôi. Dịp Tết vừa rồi chúng tôi phải cho công nhân nghỉ vì thú thật nếu làm xuyên Tết thì giờ không còn việc để làm", ông Tiến thẳng thắn, cho biết nếu được giao mặt bằng dự án sẽ hoàn thành sau 6 tháng thi công.
Ông Tiến ví làm dự án chống ngập như xây căn nhà. Căn nhà có 10 cửa, mới làm được 9, cũng không thể phát huy tác dụng bảo vệ. Do vậy thi công dự án phải có tính liên hoàn, đồng bộ hoàn thiện tất cả các hạng mục mới có hiệu quả chống ngập.
Tính đến cuối tháng 1, dự án chống ngập có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu đạt 68% khối lượng xây dựng với tổng khối lượng thép đạt 80% (gần 63.000 tấn), bêtông đã hoàn thành 68% (hơn 320.000 m3). Tiến độ dự án nhanh hơn 8 tháng so với hợp đồng BT đã ký kết. Tại 6 cống kiểm soát triều, các công trình chính để lắp đặt cửa van gần hoàn thiện, sắp tới sẽ lắp đặt các cửa van.
Tuy nhiên, nhà đầu tư đang phải chờ các quận huyện giao mặt bằng hai bên bờ kênh để thi công công trình phụ trợ, lắp đặt hệ thống kỹ thuật, vận hành cửa van và xây bờ kè. Trong khi theo cam kết, các địa phương phải giao mặt bằng từ tháng 7/2017.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND TP.HCM đã yêu cầu các quận 1, 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè đảm bảo bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, chậm nhất vào tháng 5.
Lãnh đạo thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối phối hợp các sở ngành báo cáo toàn diện về dự án này từ khi chuẩn bị đến nay.
Theo hợp đồng ký kết giữa UBND TP.HCM và Tập đoàn Trung Nam hồi tháng 6/2016, dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), tổng kinh phí hơn 9.926 tỷ đồng sẽ hoàn thành sau 36 tháng thi công (6/2019).
Lãnh đạo TP.HCM sau đó yêu cầu rút ngắn thời gian thi công xuống còn 22 tháng để sớm giải quyết tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng. Chủ đầu tư và các sở ngành đều cam kết hoàn thành trước ngày 30/4/2018.
Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Đồng thời, công trình cũng giúp thành phố chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Để đảm bảo mục tiêu kiểm soát ngập do triều và chủ động điều tiết nước, dự án tập trung xây dựng các cống kiểm soát triều lớn và xây dựng tuyến đê dài. Bao gồm các hạng mục ở quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh với diện tích ảnh hưởng khoảng 100 ha.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất