Dự án nâng cấp TL 324 ở Phú Thọ dân khổ…“quan” không nói gì!
Ngày 9/10/2014, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam có mặt trên đoạn đường 6,8km qua xã Cao Xá và Sơn Vy, nối đê sông Thao với thị trấn Lâm Thao, thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 324, mà UBND huyện Lâm Thao làm chủ đầu tư.
Dự án đang trong thời gian thi công, nhưng chỉ thấy vài chiếc máy lu đắp chiếu bên vệ đường và vài người thợ xây cống thoát nước. Mặt đường nhiều chỗ đã được trải đá dăm, bụi thường bay mịt mù. Bụi nhiều, người dân mang gạch đá và các vật cản, khúc cây chắn trên đường để “giảm tốc” và ngăn khỏi bị đá dăm bắn từ lốp xe vào nhà.
Khủng khiếp nhất là bụi đá, mà điển hình là đoạn qua khu vực chợ của xã Sơn Vy, cây cối và các dãy nhà hai bên đường đều phủ một màu trắng xóa. Ông Nguyễn Đình Đạt, Trưởng khu 9, xã Sơn Vy than rằng không chịu nổi: “Nhà cách đường hai mặt ao mà lúc nào bể nước, vườn sau, quần áo phơi phóng ngoài sân cũng đầy bụi đá. Thế nhưng không thấy đơn vị thi công tưới nước”.
Quả thật, suốt nửa ngày có mặt tại đoạn qua xã Sơn Vy, chứng kiến hàng trăm học sinh của xã Sơn Vy, Cao Xá, Tứ Xã, Bản Nguyên.v.v…thuộc huyện Lâm Thao tan học trong cái bụi mịt mù, mà không hề thấy có xe tưới nước nào đi qua.
Ông Nguyễn Văn Luận và vài hàng xóm có nhà sát mặt đường cho biết phải gửi cháu nhỏ vào tít trong xóm để tránh bệnh tật vì bụi bặm, công việc kinh doanh, buôn bán của các hộ dân có mặt đường ở đây cũng đình trệ theo vì ô nhiễm.
Không chỉ kêu cứu về nhiễm bụi, người dân còn kể khổ việc đường làm cao vọt hẳn với nhà dân gây tốn kém sửa chữa, nâng cao theo.
Thời điểm phóng viên có mặt cũng ghi nhận, nhiều hộ gia đình tại khu 9 xã Sơn Vy có nền nhà bị tụt khoảng 40cm so với đường đang làm và đang phải nâng nền nhà, sửa cửa, trong khi nhiều đường của xã, thôn nối vào đường tỉnh cũng bị tụt thấp hẳn so với đường mới.
Ông Kiều Văn Thao- Trưởng Công an xã Sơn Vy, Phó trưởng ban An toàn giao thông xã khẳng định: “Dự án làm đường gây ô nhiễm bụi quá mức độ khiến người dân bức xúc, dẫn đến việc chặn gạch đá trên đường. Mặt khác đường làm cao hơn nhà dân, đường xã, khiến xã, người dân phải sửa nhà, đổ đất vào các điểm nối mới đi lại được”. Ông cũng cho biết, có vài vụ ngã xe bị chấn thương vì xe đi vào điểm nối bị “kịch gầm”.
Vì thế, Chủ tịch xã này sẽ có văn bản kiến nghị gửi UBND huyện để cơ quan chức năng có trách nhiệm với dân.
Cùng chung nỗi bức xúc, cử tri xã Cao Xá đã đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án để đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân. Tuy nhiên, nếu theo văn bản trả lời của UBND huyện Lâm Thao (chủ đầu tư) vào tháng 9/2014, như chỉ đạo đơn vị thi công “tưới nước chống bụi mặt đường toàn tuyến” hay “dự kiến thảm bê tông nhựa từ 10/10/2014” không phải là hiện thực.
Nhằm làm rõ vấn đề, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam cùng một số báo khác đã liên hệ với Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND huyện Lâm Thao ông Cao Xuân Hải (người phát ngôn) song cán bộ đều không thể làm việc vì rất nhiều lý do.
Trong khi đó, ông Trần Trọng Quang- Trưởng ban quản lý Các công trình công cộng của huyện (đại diện chủ đầu tư) trả lời câu hỏi về việc dự án đang gặp khó khăn về nguồn vốn thì liệu có hoàn thành đúng tiến độ, lại cho biết:
“Tôi chịu, cái đấy biết được ai ghi vốn cho nó. Ủy ban Thường vụ quốc hội ghi vốn cho nó, tỉnh ghi vốn, làm sao tôi biết được ”.
Ông trưởng ban còn dặn, “viết gì thì viết, huyện rất nghèo, tỉnh rất nghèo. Nếu đưa được tiền về đây thì viết, không thì đừng viết”. Rồi lên giọng khi phóng viên chuyển thắc mắc của người dân rằng đường cũ vẫn tốt nhưng lại nâng cấp. Ông Quang đòi lập biên bản vì cho rằng phóng viên vu cho huyện đầu tư không đúng trọng điểm .
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề này
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
FPT sẽ mở văn phòng đại diện giáo dục tại Nhật Bản