Dự án ODA đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị đưa vào "tầm ngắm" chậm tiến độ
Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi diễn ra hôm 12/8.
Báo cáo tình hình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng giá trị các hiệp định ký kết có chiều hướng giảm kể từ năm 2013 đến nay.
Trong 6 tháng đầu năm, thông qua các hoạt động hợp tác phát triển, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt trên 1,590 tỉ USD (vốn vay ODA và vay ưu đãi 1,573 tỉ USD, viện trợ không hoàn lại 17 triệu USD), bằng 70,54% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, một số chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi có giá trị lớn gồm Dự án Vệ sinh môi trường TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2 trị giá 450 triệu USD (WB), Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành trị giá 262,79 triệu USD (Nhật Bản); Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trị giá 230 triệu USD (ADB); Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai - khoản vay bổ sung trị giá 147 triệu USD (ADB); Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu trị giá 135,82 triệu USD (Nhật Bản và Hàn Quốc)...
Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 6 tháng đạt khoảng 1,917 tỉ USD (ODA vốn vay đạt 1,736 tỉ USD, ODA viện trợ không hoàn lại 181 triệu USD). Mức giải ngân này thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm 2014, một phần do có các khoản vay giải ngân nhanh của Chương trình tín dụng Hỗ trợ quản lý kinh tế và Nâng cao khả năng cạnh tranh EMCC, Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu SPRCC… với tổng giá trị khoảng 350 triệu USD và một phần do các nhà tài trợ quy mô lớn thuộc Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển đều có mức giải ngân thấp hơn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nguyên nhân gây chậm trễ tiến độ thực hiện và giải ngân chủ yếu vẫn là vướng mắc về thể chế, pháp lý; quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành; vướng mắc do các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án; do khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ và do vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời, công tác giải phóng mặt bằng...
Theo Bộ KH&ĐT, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng nhiều đến tiến độ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi là việc không cho phép giải ngân vượt kế hoạch được giao theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 của Quốc hội. Mặc dù vấn đề trên đã được tháo gỡ trong tháng 5/2015 sau ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ song tình hình giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong 6 tháng đầu năm 2015 chỉ mới được cải thiện ở mức độ nhất định.
Đánh giá về việc này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, việc 6 tháng đầu năm mới giải ngân được 1,9 tỷ USD, so với kế hoạch 5,6 tỷ USD năm nay thì khả năng hoàn thành mục tiêu là rất khó.
Phó thủ tướng cũng cho rằng, trong bối cảnh trở thành nước thu nhập trung bình, việc thu hút các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi sẽ ngày càng khó khăn. Vì vậy, việc giải ngân, sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả tối đa là nhiệm vụ lớn mà mỗi bộ, ngành, địa phương phải tập trung, chú ý.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp thời gian qua cần quyết liệt và chú trọng hơn trong công tác điều hành, lựa chọn các dự án ưu tiên, nâng cao chất lượng văn kiện dự án để đảm bảo tiến độ cam kết và hiệu quả đầu tư.
Vẫn còn nhiều dự ODA chậm tiến độ
Báo cáo tình hình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, 23 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi trong Danh sách dự án chậm tiến độ năm 2015 được tiếp tục rà soát, đánh giá.
Kết quả 10/23 dự án về cơ bản đã giải quyết xong các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đối ứng, thiếu vốn kế hoạch ODA. Với việc bổ sung thêm Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông, danh sách dự án chậm có 14 dự án cần tiếp tục được giám sát thường xuyên.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngoại trừ dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội và dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TPHMC, tuyến Bến Thành – Suối Tiên tiến độ thực hiện đã có cải thiện, 4/6 dự án đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội và TPHCM đều bị chậm trễ nghiêm trọng.
Trước tình trạng này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã thống nhất đề xuất thành lập nhóm công tác liên ngành gồm các Bộ, Hà Nội, TP HCM phối hợp với các nhà tài trợ liên quan để xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án này. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương bố trí đủ vốn đối ứng, tránh thực hiện chậm trễ các dự án.
Gần đây, ngày 16/7/2015, bốn ngân hàng và tổ chức gồm ADB, AFD, KFW và JICA đã có công thư gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp cao đối với các dự án đường sắt đô thị để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án đường sắt đô thị đã triển khai và lập kế hoạch xây dựng các dự án đường sắt đô thị trong thời gian tới cho hiệu quả.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển