Dự án sân bay Long Thành tạo việc làm cho 200.000 lao động
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong giai đoạn hiện nay là vấn đề cấp bách và cấp thiết, nhằm khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Báo cáo trước QH, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tiếp tục nhắc lại sự cấp bách và cần thiết của sân bay Long Thành. Đồng thời, dự án sẽ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng vận tải hàng không Việt Nam, dần trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển quốc tế của khu vực theo xu hướng phát triển của hàng không quốc tế.
Theo chủ trương của Dự án, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có quy mô sân bay cấp 4F đủ điều kiện tiếp nhận tất cả các loại tàu bay hiện đại nhất, áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành.
Bộ trưởng khẳng định Long Thành có thuận lợi lớn nhất là quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại, đủ điều kiện tiếp nhận tất cả các loại tàu bay hiện đại nhất. Vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á cũng là một thuận lợi lớn.
Bản thân VN cũng là thị trường tiềm năng cho sân bay Long Thành với hơn 90 triệu dân. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - nơi xây dựng sân bay Long Thành, cũng đang phát triển năng động, có nhu cầu vận chuyển hàng không cao nhất cả nước. Bộ trưởng Đinh La Thăng tin rằng dự án này sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 người lao động.
Theo quy hoạch được duyệt, diện tích đất dành cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000 ha. Sau khi rà soát lại báo cáo đầu tư theo phương án phân kì đầu tư, nhu cầu đất cho dự án giảm xuống còn 2.750 ha, không bao gồm diện tích đất cho quốc phòng và các hạng mục phụ trợ và các công trình thương mại khác.
Ông cũng thận trọng khi nhắc rằng giải phóng mặt bằng và tái định cư chắc chắn cũng sẽ khó khăn dù đã được tỉnh Đồng Nai chuẩn bị công phu, bài bản.
Theo phương án GPMB và tái định cư của UBND tỉnh Đồng Nai cho diện tích 2.750 ha để xây dựng dự án thì tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án là 2.294 hộ.
Giai đoạn 1 sẽ sử dụng 1.165 ha với kinh phí GPMB ước tính khoảng 4.042 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2, kinh phí GPMB cho diện tích đất còn lại 1.585 ha cần khoảng 7.209 tỷ đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ, tiết kiệm chi phí, Chính phủ đề nghị GPMB một lần cho 2.750 ha với kinh phí ước tính khoảng 9.540 tỷ đồng.
Đại diện cho địa phương nơi triển khai dự án, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đánh giá, các dự án thành phần khác đã và đang thực hiện, giả dụ Quốc hội quyết không làm, thì quy hoạch có bị phá vỡ, có lãng phí hay không”, ông Quốc nói. Theo đại biểu, phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hay tận dụng sân bay Biên Hòa đều là tầm nhìn ngắn và dự án sân bay Long Thành với những đánh giá sâu hơn mới thể hiện tầm nhìn dài hạn.”
Chung quan điểm, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho biết chủ trương nhất quán từ lâu của TPHCM là không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, mà phải xây sân bay mới ở xa trung tâm. “Tình trạng quá tải hiện hữu của sân bay Tân Sơn Nhất có công suất tối đa 25 triệu khách/năm sẽ sớm là trở lực cho cả vùng kinh tế sôi động nhất cả nước hiện nay.”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) nhận xét, quyết định chủ trương đầu tư là đúng “điểm rơi” trong điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay. Các nước trong khu vực cũng đều đang tham vọng làm mô hình này và chúng ta không thể chậm hơn nữa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước