Dự án trên bán đảo Sơn Trà: Lãnh đạo Đà Nẵng nói gì?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, quy hoạch phát triển không gian điều chỉnh của TP. Đà Nẵng, tầm nhìn đến 2030 được cấp thẩm quyền phê duyệt vào tháng 12/2013. Ngay sau đó, Đà Nẵng đã tổ chức quy hoạch phân khu, theo thỏa thuận với Bộ Xây dựng theo tin tức trên báo Điện tử Chính phủ.
Tính đến 2017, Đà Nẵng đã quy hoạch xong 3 phân khu. Trong đó, phân khu của khu vực bán đảo Sơn Trà đã được công bố vào tháng 3/2017, là phù hợp theo quy định và dựa trên quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt.
Ghi nhận sự vào cuộc của cơ quan báo chí và dư luận trong thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, quan điểm của lãnh đạo Đà Nẵng, Sơn Trà là tài nguyên thiên nhiên rất quý giá của Thành phố.
Sơn Trà không chỉ là “lá phổi xanh”, mà còn có ý nghĩa an ninh quốc phòng quan trọng. Do đó, tất cả các động thái can thiệp đến khu vực này đều cần phải được cân nhắc, để vừa đảm bảo an ninh quốc phòng, đảm bảo môi trường song song với việc hài hòa trong phát triển kinh tế.
Sau sự việc 40 móng biệt thự xây dựng phía Đông bán đảo Sơn Trà (của Công ty cổ phần Biển Tiên Sa) chưa được cấp phép phá vỡ một góc phía đông bán đảo Sơn Trà, UBND TP. Đà Nẵng đã có động thái xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy trong việc xem xét, điều chỉnh lại qui hoạch chung và qui hoạch du lịch của khu vực này.
Ông Tuấn cho biết: “Chúng ta phải rà soát, cân nhắc, đảm bảo cho Sơn Trà phát triển theo hướng bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng và một phần nào đó là phát triển kinh tế địa phương. Tôi tin rằng, Thường vụ sẽ cho phép chúng ta điều chỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện”, báo Giáo dục Việt Nam đưa tin.
Đối với các vi phạm trên bán đảo Sơn Trà thì ông Tuấn cho rằng phải bị xử lý theo quy định. Các trường hợp xây dựng trái phép thì phạt vi phạm hành chính, sau đó tạm dừng công trình, giao cơ quan chức năng thành phố rà soát, đúng quy định.
Cũng theo ông Tuấn, đối với những dự án đang triển khai dở dang bị tạm dừng vì sai phạm thì các Sở, ngành phải nghiên cứu kỹ. Sau khi doanh nghiệp đã bổ sung các giấy tờ liên quan thì đối xử với các công trình đó ra sao?.
“Quan điểm của thành phố là không đúng theo quy hoạch thì phải tháo gỡ. Còn nếu phù hợp thì phải xem xét đến quyền lợi của doanh nghiệp”.
Riêng đối với cá nhân, tổ chức, vừa rồi buông lỏng hoặc không kịp thời phát hiện việc xây dựng trái phép thì sẽ xử lý, kiểm điểm trách nhiệm. Theo hướng trách nhiệm đến đâu thì xử lý đến đó, không xuê xoa nhưng cũng không tăng nặng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo