Tin tức - Sự kiện

Dữ liệu khổng lồ và lời giải trên “đám mây”

“Cùng với sự phát triển của CNTT, trong các xu hướng, mô hình công nghệ đang được quan tâm hiện nay, mô hình điện toán đám mây (ĐTĐM) nổi lên như một xu thế mới, có tầm ảnh hưởng lớn tới nền CNTT truyền thống, thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới công nghệ. Tại Việt Nam, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước cũng đã nhanh chóng nắm bắt và tăng cường nghiên cứu, triển khai các ứng dụng CNTT theo mô hình ĐTĐM để nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả công việc”.

Quản lý hiệu quả dữ liệu khổng lồ bằng ảo hóa và điện toán đám mây

Đó là nhận xét của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng tại buổi hội thảo về "Điện toán đám mây và dữ liệu khổng lổ" do tập đoàn EMC tổ chức mới đây. Thứ trưởng đánh giá cao những nỗ lực của các hãng CNTT hàng đầu thế giới như EMC, đã chủ động tổ chức diễn đàn này như một kênh thông tin bổ ích và hiệu quả để trao đổi về những vấn đề then chốt liên quan đến điện toán đám mây và các vấn đề xử lý dữ liệu lớn.
Với vai trò quản lý nhà nước về CNTT, hiện tại, Bộ TT&TT cũng đang nghiên cứu, xây dựng các chính sách, các biện pháp để thúc đẩy phát triển việc ứng dụng CNTT theo mô hình ĐTĐM trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức và doanh nghiệp. 

Ông Ajit Nair, Giám đốc cao cấp bộ phận dịch vụ toàn cầu EMC Đông Nam Á, chia sẻ,các tổ chức, doanh nghiệp đang gặp phải nghịch lý về ngân sách CNTT. Trong tổng số tiền đầu tư cho hệ thống CNTT hiện tại thì chi phí duy trì hoạt động của hệ thống chiếm tới 73% ngân sách. Chi phí ấy cũng không ngừng gia tăng do lượng dữ liệu đang bùng nổ. Trong tài liệu Nghiên cứu Vũ trụ Số năm 2011 của IDC đưa ra dự báo, trong thập kỷ này (từ năm 2010 đến năm 2020), số lượng máy chủ sẽ tăng 1000%, từ 19 triệu lên 190 triệu máy. Lượng dữ liệu cũng sẽ gia tăng gấp 44 lần, lên tới 35.2 Zettabytes. Trong khi đó, số nhân viên làm việc trong lĩnh vực CNTT toàn cầu chỉ tăng 50%, từ 15 triệu lên 22 triệu nhân viên. Vấn đề bảo mật cũng phiền toái không kém. Trong năm 2010, 60% số công ty có tên trong danh sách Fortune 500 có các địa chỉ email bị mã độc khai thác. Trong số 60 triệu biến thể của mã độc hiện nay có 1/3 được hình thành chỉ trong vòng một năm (Báo cáo An ninh của RSA, tháng 2/2011).
Việc ngày càng nhiều thông tin được tạo ra bao gồm cả dữ liệu cấu trúc, đơn lẻ và phi cấu trúc dẫn đến sự bùng nổ thông tin cần lưu trữ. Đây là một thách thức lớn mà các nhà hoạch định chính sách, các CIO của tổ chức và doanh nghiệp phải đổi mặt trong tương lai không xa. Giải pháp nào để quản lý hiệu quả khối dữ liệu khổng lồ với kinh phí có hạn là điều không đơn giản. 

 

Theo các chuyên gia của EMC, điện toán đám mây được coi là giải pháp lý tưởng để khắc phục các khó khăn mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải như thiếu ngân sách, bùng nổ dữ liệu, bảo mật…Theo đó, điện toán đám mây là xu hướng mới, mở ra cánh cửa đến với những cơ hội lớn trong tương lai gần. Trong điện toán đám mây, các tài nguyên và dịch vụ công nghệ thông tin được tách khỏi cơ sở hạ tầng và được cung cấp theo nhu cầu, phù hợp với quy mô trong một môi trường đa người dùng. Con đường ngắn nhất để lên đám mây Điều khiến các CIO lo ngại khi chuyển đổi sang điện toán đám mây là vấn đề an toàn, bảo mật thông tin và tận dụng hệ thống CNTT hiện có. Việc tối ưu hóa hệ thống hiện có, ảo hóa lưu trữ và máy chủ để xây dựng đám mây điện toán riêng (Private Cloud) có lẽ là bước đi phù hợp và là con đường ngắn nhất để chuyển sang điện toán đám mây. Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc EMC Việt Nam, cho biết: “Việt Nam đã bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ lưu trữ mạng. Các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đang ứng dụng những hạ tầng công nghệ thông tin phức tạp và tinh vi đòi hỏi các giải pháp lưu trữ linh hoạt, mạnh mẽ và đáp ứng được các ứng dụng quan trọng. Công nghệ phần cứng, phần mềm, hệ thống lưu trữ bậc thang cùng với các dịch vụ chuyên nghiệp đã được công nhận của EMC sẽ đem đến cho các doanh nghiệp Việt Nam các giải pháp đáp ứng tất cả những nhu cầu này”. Với giải pháp EMC thế hệ mới kết hợp lưu trữ thông minh với sao lưu, phục hồi và lưu trữ lâu dài, các tổ chức quy mô vừa và nhỏ có thể nâng cao hiệu suất cho hệ thống thông tin và hoạt động của doanh nghiệp một cách đồng bộ và toàn diện phù hợp nhất mà chi phí không quá cao. Giải pháp công nghệ của EMC dựa trên nền kiến trúc của vi xử lý Intel, kết hợp với phần mềm ảo hóa VMWare đang được rất nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới lựa chọn như: Facebook, Apple… vì nó mang lại nhiều lợi ích. Giải pháp của EMC giúp giảm không gian của trung tâm dữ liệu, tăng hiệu quả sử dụng, tăng hiệu năng, tiết kiệm chi phí, đồng thời giúp bảo vệ dữ liệu liên tục. 

EMC cung cấp cho các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực từ sản xuất, dịch vụ cho tới ngành ngân hàng, bưu chính viễn thông, phát triển phần mềm một hệ thống lưu trữ mạng tự động để quản lý lượng thông tin đang gia tăng nhanh chóng của họ. Khi ngày càng có nhiều công ty tham gia vào thương mại điện tử, quản lý khách hàng và các cải tiến trong việc xây dựng kho dữ liệu thì nhu cầu về một hạ tầng thông tin thông minh sẽ tăng lên rất nhanh.
Để giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng bảo vệ dữ liệu tốt hơn, EMC đã sáng tạo công nghệ bảo vệ dữ liệu liên tục CDP. Khi gặp sự cố, công nghệ này giúp hệ thống phục hồi tại bất kỳ thời điểm nào. Bảo vệ dữ liệu liên tục CDP cho phép hệ thống lưu trữ có thể khôi phục lại dữ liệu tại bất kỳ thời gian nào. “Thời điểm khôi phục và thời gian khôi phục dữ liệu luôn là mối quan tâm hàng đầu của khách hàng. Phổ biến trên thị trường hiện nay nhắc đến việc bảo vệ bằng công nghệ Snapshot lưu lại trạng thái hệ thống tại 1 thời điểm. Tuy nhiên nếu Snapshot ví như chụp ảnh lại hệ thống, thì CDP là máy quay phim ghi lại toàn bộ biến đổi của hệ thống CNTT 24/24, và CDP cho phép chúng ta tua lại đúng thời điểm tính đến hàng mili giây”, ông Ajit Nair cho biết. Hiệu quả trực tiếp từ công nghệ mới.

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai hệ thống lưu trữ (High-End) của EMC tại trụ sở Bộ Tài chính, ông Trần Nguyên Vũ - Phó Cục Trưởng - Cục Tin học và Thống kê tài chính Bộ Tài Chính, cho biết: Sau khi nghiên cứu hiện trạng hệ thống lưu trữ trước khi triển khai, đánh giá, lựa chọn công nghệ và giải pháp, Bộ Tài chính quyết định áp dụng giải pháp của EMC. Hệ thống cũ của Bộ Tài chính là mạng SAN tốc độ 2Gbps. Thiết bị lưu trữ chính là tủ đĩa dòng tầm trung (Mid-range), dung lượng 12 TB. Thiết bị backup là băng từ ảo, dung lượng 5TB. Dung lượng sử dụng đã vượt ngưỡng 97% tổng khả năng lưu trữ của hệ thống. Hệ thống sử dụng từ năm 2005, thường xảy ra tình trạng bị quá tải (overload) tại những thời điểm truy nhập nhiều (9h00-11h00, các ngày làm việc). Trong khi đó, hạ tầng lưu trữ và backup này được sử dụng để phục vụ cho 20 CSDL chính của Bộ Tài chính (6 kho dữ liệu quốc gia) với 33 máy chủ ứng dụng kết nối đồng thời đến hệ thống lưu trữ. Phần mềm backup thực hiện backup cho gần 80 máy chủ ứng dụng, CSDL chạy trên hệ điều hành: Windows, Linux,… 

Hệ thống này dùng để chạy các ứng dụng tại trụ sở Bộ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ, công việc chuyên môn của các đơn vị tại trụ sở Bộ và các đơn vị trong ngành (Tổng cục Thuế, Kho bạc NN, Tổng cục Hải quan, Dự trữ Nhà nước, Ủy ban chứng khoán) nên yêu cầu về tính sẵn sàng, thời gian uptime liên tục. Do đó, việc nâng cấp hệ thống lưu trữ phải đảm bảo không làm gián đoạn ứng dụng nghiệp vụ đang hoạt động tại Bộ. Hệ thống lưu trữ mới phải có hiệu năng (Performance) cao, khả năng lưu trữ lớn để đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của các ứng dụng mức Ngành Tài chính. Sau quá trình chuyển đổi hoàn tất theo giải pháp và thiết bị của EMC, hệ thống mới đã đạt được yêu cầu đề ra. Toàn bộ dữ liệu được chuyển toàn vẹn từ hệ thống cũ sang hệ thống mới. Đáp ứng tốt yêu cầu về performance của toàn hệ thống. Sẵn sàng cho nâng cấp và mở rộng trong lộ trình 3-5 năm năm sắp tới. So với cách thiết kế hệ thống chỉ sử dụng 1 loại đĩa truyền thống thì hiệu năng sử dụng tăng trung bình 30%. Tỉ lệ de-dup trên thiết bị backup tốt, trung bình lần backup đầu tiên giảm 1/2 dung lượng. Các lần backup tiếp theo dung lượng giảm trên 10 lần. Backup thành công các dịch vụ database, cluster, file server cluster với tốc độ tốt. Hệ thống lưu trữ chính VMAX, hệ thống sao lưu dữ liệu chính Datadomain hoạt động ổn định và tin cậy đáp ứng kỳ vọng của Bộ Tài Chính. Giao diện vận hành trực quan giúp nhân viên CNTT của Bộ Tài Chính dễ dàng làm chủ được công nghệ và giải pháp. 

Tại Việt Nam, Ngân hàng Đông Á cũng là một trong những doanh nghiệp sử dụng thành công công nghệ của EMC nhằm nâng tầm cho trung tâm dữ liệu để phục vụ tốt nhất cho các nhu cầu của khách hàng. Chia sẻ về việc lựa chọn công nghệ áp dụng cho ngân hàng Đông Á, ông Nguyễn Đức Doanh, Trưởng phòng Quản trị Trung tâm Dữ liệu & Mạng, Ngân hàng Đông Á, nhận xét: “EMC có giải pháp tổng thể về lưu trữ và bảo vệ dữ liệu cho trung tâm dữ liệu ảo hóa, đồng thời nhiều công nghệ tiên tiến của hệ thống EMC Symmetrix VMAX giúp mang lại lợi ích cho ngân hàng. Ngoài ra, giải pháp CDP còn cho phép chúng tôi đồng bộ hóa dữ liệu thời gian thực từ hệ thống lưu trữ cao cấp (high-end) Symmetrix VMAX với hệ thống tầm trung (mid-tier) CX3-40 mà chúng tôi đã trang bị vài năm trước. Điều này cho phép chúng tôi thực hiện giải pháp trung tâm dự phòng DR với chi phí thấp nhất. Do đó chúng tôi đã quyết định chọn EMC.” Trong những năm qua, Ngân hàng Đông Á đã có bước chuyển mạnh mẽ đối với việc ảo hóa môi trường CNTT. Nếu vài năm trước chỉ có 40% ứng dụng áp dụng ảo hóa, thì nay gần 100% các ứng dụng đã được ảo hóa. Áp dụng giải pháp của EMC, không gian Trung tâm dữ liệu của ngân hàng đã giảm đáng kể. Hệ thống Symmetrix VMAX cho phép tăng 50% số lượng máy ảo VMWare trong khi giảm 25% khoảng không gian đặt máy móc của Trung tâm dữ liệu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi ngân hàng Đông Á đang tiến tới mốc 100% ứng dụng  được chạy trên nền ảo hóa. Công nghệ FAST VP với khả năng lưu chuyển tự động dữ liệu giữa các loại ổ đĩa khác nhau sẽ giúp tăng 30% hiệu quả sử dụng. Tổng đầu tư giảm 30% nhờ công nghệ tự động lưu chuyển thông tin FAST giữa các loại ổ cứng Flash, SATA, FC. Hệ thống lưu trữ Symmetrix VMAX được thiết kế ngay từ đầu dành cho môi trường ảo hóa. Do đó nó giúp tăng hiệu năng của môi trường VMWare cũng như tạo tiền đề đối với xây dựng hạ tầng ĐTĐM.       

        

Thực tế này cho thấy, áp dụng ảo hóa và ĐTĐM để quản lý và khai thác nguồn dữ liệu lớn thực sự mang lại hiệu quả cao cho các tổ chức và doanh nghiệp. Không những thế, công nghệ này còn đảm bảo hệ thống hoạt động với hiệu năng cao và an toàn hơn. Công nghệ và giải pháp này hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam.

Theo Tops.com.vn/Tcbcvt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo