Dự thảo nghị định casino và chuyện “ông đưa chân giò…”
“Tôi nhận e-mail và điện thoại liên tục hai ngày nay, cả trong nước lẫn quốc tế, ai cũng hỏi về casino”, GS. Hà Tôn Vinh, người hiện đang là cố vấn đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh trong kế hoạch xây dựng khu phức hợp casino Vân Đồn, bắt đầu câu chuyện về dự thảo nghị định casino với chúng tôi.
Hồ hởi ít thôi
Tháng trước, câu chuyện casino giữa ông với báo giới cũng khá xôm tụ, khi ông kể về hai câu hỏi của một nhà tỷ phú khi đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư Việt Nam, câu chuyện mà sau đó VnEconomy đã đăng lại.
Tình hình đã khác đi khá nhiều kể từ khi bài viết đó đăng tải: trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy dự án sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã xin phép và được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc rằng việc đầu tư dự án này có thể được tiến hành một cách chủ động.
Trước đó, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về việc đầu tư sân bay Vân Đồn là “việc lập dự án cảng hàng không Quảng Ninh sẽ được xem xét sau khi Đặc khu kinh tế Vân Đồn được phê duyệt”. Chính vì ràng buộc này, các nhà đầu tư quan tâm đến dự án sân bay Vân Đồn cảm thấy như bị mắc kẹt.
Điều kiện thứ hai mà nhà tỷ phú nêu ra là việc mở cửa cho người Việt vào casino thì dự thảo nghị định mới đã giải đáp, theo đó người Việt “từ 21 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi và tài chính có thể được vào chơi tại các điểm kinh doanh casino”.
Trong khi câu chuyện sân bay Vân Đồn chỉ là một “điều kiện cần”, việc cho phép người Việt vào casino mới là “điều kiện đủ” mà các nhà đầu tư quốc tế đặc biệt quan tâm. Nhưng theo GS. Hà Tôn Vinh, sự hồ hởi từ giới đầu tư là khá chừng mực.
Ông Vinh dẫn chứng, theo điều 10, “người Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam được vào chơi tại các điểm kinh doanh casino và điểm kinh doanh casino được phép cho phép người Việt Nam đủ điều kiện vào chơi.”
“Đây có lẽ là một trong các điều khoản được các nhà đầu tư và người chơi Việt Nam mong chờ nhiều nhất, tuy vẫn chưa biết rõ Thủ tướng sẽ quy định các điều kiện cụ thể thế nào. Để xác định được các cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự, năng lực về tài chính… mới được phép vào chơi casino là một vấn đề rất nhiêu khê và tốn kém đòi hỏi các cơ quan bộ ngành tham gia xác nhận và cấp phép vào chơi casino”, ông nói.
Phân tích chi tiết, ông cho rằng đây là một điều “không tưởng và khó có tính khả thi khi đi vào thực tế”. Ở các nước khác, khi cho phép kinh doanh casino và áp dụng loại hình kiểm soát hay có quy định như thế này thường chỉ cần đảm bảo tên và thông tin của những người muốn vào chơi không nằm trong danh sách tội phạm, đang bị điều tra hay truy nã, có biểu hiện tâm thần, hoặc thiếu thuế…
Khi đó, các nhà quản lý và kiểm soát casino chỉ cần đối chiếu thông tin của người muốn vào chơi với cơ sở dữ liệu của các cơ quan chức năng điều tra, trong vòng vài giây sẽ có thể cho phép hay từ chối.
“Với quy định hiện tại, các nhà đầu tư sẽ khó cam kết đầu tư khi thấy có nhiều rào cản không cần thiết. Nhìn vào nghị định, người Việt chúng ta ai cũng sẽ nghĩ việc quản lý người chơi sẽ rất an toàn, dễ dàng và hợp lý nhưng thực tế sẽ không như thế. Các nhà đầu tư tương lai vẫn sẽ đề nghị Chính phủ làm rõ các chi tiết liên quan đến điều khoản này, và họ cũng sẽ đề nghị Chính phủ nên hành xử theo thông lệ tốt của các quốc gia đang cho phép kinh doanh casino”, ông Vinh nói.
Dự thảo 6 năm và chuyện nghe ngóng
Tính từ lần công bố dự thảo nghị định casino lần thứ nhất đến nay đã gần 6 năm. Khoảng thời gian đó, theo ông Vinh, “cứ mỗi lần sửa đổi thì mở thêm một tý, dường như để thăm dò dư luận và phản ứng của nhà đầu tư”.
Trong khi dân gian có câu: “Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”, quá trình mở cửa đối với lĩnh vực casino dường như là quá cẩn trọng, và với thái độ đó, khó có thể khẳng định nhà đầu tư sẽ hồ hởi vào ngay.
Trong hơn một thập niên vừa qua, việc phát triển ngành công nghiệp trò chơi có thưởng và mở rộng các khu phức hợp có casino là hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế - du lịch trọng điểm của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Mỹ, Macau, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Campuchia, Nga…
Một số quốc gia trong khu vực châu Á cũng đã bắt đầu hình thành và luật hóa nhiều hoạt động kinh doanh casino và đã thấy rõ được hiệu quả của các khu phức hợp casino và việc kinh doanh ngành công nghiệp này đặc biệt là tại Singapore, Philippines và đặc khu hành chính Macau.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, ngay cả khi dự thảo nghị định được công bố mỗi lúc một mở hơn, các nhà đầu tư chắc chắn vẫn băn khoăn khi chưa thấy một cam kết nào cụ thể, và bối cảnh đó tiếp tục đưa tới thái độ nghe ngóng.
“Giới đầu tư cần nghe một cam kết cụ thể, chẳng hạn Chính phủ sẽ hoàn tất khung pháp lý trong năm 2015, đấu thầu chọn nhà đầu tư vào năm 2016, bắt đầu cho xây dựng năm 2017 và đưa vào khai thác năm 2020. Vì chúng ta “dự thảo” quá lâu, nhà đầu tư cũng sẽ không vội vã. Một cam kết cụ thể mới có thể giúp nhà đầu tư dễ đi đến quyết định tham gia hình thành xây dựng một hay nhiều khu phức hợp với tổng số đầu tư lên đến hàng tỷ USD”, ông Vinh nói.
Thêm nữa, ngay cả khi điều kiện then chốt là cho người Việt vào chơi, những rào cản khác vẫn còn nguyên. Lấy ví dụ, điều kiện “vốn đầu tư ban đầu là 4 tỷ USD” vẫn được giữ nguyên trong dự thảo lần này.
4 tỷ USD là một con số khá… mơ hồ. Theo ông Vinh, con số này được các nhà soạn thảo đưa ra có lẽ là dựa trên các tiền lệ của Chính phủ Singapore khi chọn hai nhà đầu tư là Las Vegas Sands của Hoa Kỳ và Genting của Malaysia. Mức vốn đầu tư ban đầu của họ vào khoảng 4 USD cho mỗi dự án và dường như đã có lý lẽ đại loại rằng Việt Nam cũng cần đặt ra yêu cầu tương tự.
Tuy nhiên, có lẽ các nhà soạn thảo đã quên mất rằng Singapore và Việt Nam là hai thị trường, hai mô hình kinh doanh và thể chế hoàn toàn khác nhau, và địa điểm chọn lựa cũng rất khác nhau.
Chính phủ Singapore cho phép Las Vegas Sands xây khu phức hợp ngay trung tâm tài chính của thành phố, một địa điểm đắc địa có lẽ là đẹp nhất thành phố và Genting xây khu phức hợp ngay trong công viên nổi tiếng quốc tế Sentosa.
“Tôi nghĩ nếu cho xây ở quận 1 của Sài Gòn hay trung tâm Hà Nội thì con số 4 tỷ USD không phải vấn đề lớn, nhưng chúng ta muốn xây ở Vân Đồn hay Phú Quốc thì phải xem lại”, ông Vinh nói.
Không chỉ vậy, quy định nhà đầu tư được cấp “giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh casino” bao gồm việc “đảm bảo vốn giải ngân tối thiểu đạt 50% tổng vốn cam kết đầu tư của dự án”, tương đương 2 USD cũng là một điều kiện khó nuốt.
Theo ông Vinh, việc dự án Hồ Tràm ở Bà Rịa - Vũng Tàu được cấp giấy phép kinh doanh casino vào tháng 4/2013 mà không theo các điều khoản đầu tư và giải ngân tối thiểu sẽ được xem như một tiền lệ và chắc chắn các nhà đầu tư tương lai sẽ nêu lên để được cơ hội đối xử bình đẳng.
“Theo quan điểm và yêu cầu của Chính phủ, ngành công nghiệp giải trí này cần có những nhà đầu tư lớn và có kinh nghiệm toàn cầu ví dụ như Las Vegas Sands. Một nghị định có tầm nhìn hạn hẹp hay không đáp ứng được nhu cầu của xã hội cũng như của các nhà đầu tư sẽ không giải quyết được vấn đề đầu tư và sẽ còn phải điều chỉnh lại nhiều lần như kinh nghiệm trong quá khứ”, ông Vinh nhấn mạnh.
Vị chuyên gia giàu kinh nghiệm nói rằng có lẽ đã đến lúc lãnh đạo cao nhất của Chính phủ nên bắt tay vào cuộc để chỉ đạo và mở cửa ngành công nghiệp giải trí mới này.
“Nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu, Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore, và Thủ tướng Shinzo Abe đã từng đứng ngoài cuộc nhiều năm, và chỉ đến khi tất cả vào cuộc thì mọi thứ mới thành hiện thực”, ông Vinh nói thêm.
Vneconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo