Theo ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong các góp ý gần đây về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đáng chú ý có nhiều ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về sở hữu đất, thu hồi đất để tránh lạm dụng.
Ông Phan Trung Lý cho biết, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 120 điều (giảm 4 điều so với Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5). Dự thảo trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý một cách hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo ông Lý, về thu hồi đất (khoản 3 Điều 54) - hiện đang được quan tâm khi Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng sẽ được thông qua tại Kỳ họp này, ông Phan Trung Lý cho rằng, qua tổng hợp ý kiến về vấn đề này, có ý kiến tán thành với quy định về thu hồi đất tại khoản 3 Điều 54 của Dự thảo trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cũng có đề nghị chỉ thu hồi đất đối với 3 trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà không quy định trường hợp để thực hiện “các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Bởi vì, bản thân các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều trường hợp cũng đã được thể hiện khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Quy định như vậy cũng tránh được việc lạm dụng trong thu hồi đất.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị, không quy định về thu hồi đất trong Hiến pháp mà để Luật Đất đai quy định thì bảo đảm tính linh hoạt hơn trong quản lý đất đai.
Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thấy rằng, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho Luật Đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn trực tiếp với lợi ích của người sử dụng đất và doanh nghiệp nên cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường.
Do đó, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý khoản 3 Điều 54 như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Nguyễn Hoàng