Chứng khoán

Dự thảo xử phạt chứng khoán: khó thực hiện

Ngày 21/8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Dự kiến, thông tư này sẽ ban hành đồng thời với nghị định mới thay thế Nghị định 85/2010 sẽ ban hành trong quý 4/2013. Tuy nhiên, nhiều quy định còn chưa rõ ràng, rất khó thực hiện trong thực tế.

Một điểm rất mới của dự thảo là việc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành và hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán được quy định rất cụ thể: trong thời hạn 1 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm các quy định về chào bán, phát hành chứng khoán, cá nhân, tổ chức vi phạm phải công bố trên một tờ báo viết trong 3 số liên tiếp và trên trang thông tin điện tử của công ty về việc sẽ hoàn trả tiền mua chứng khoán, hoặc tiền đặt cọc (nếu có), cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà cá nhân, tổ chức vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán, hoặc tiền đặt cọc.

Khoản tiền lãi của tiền mua chứng khoán, hoặc tiền đặt cọc mà cá nhân, tổ chức vi phạm phải trả cho nhà đầu tư được tính từ ngày nhà đầu tư nộp tiền đến ngày cá nhân, tổ chức vi phạm trả lại tiền cho nhà đầu tư.

Các cá nhân, tổ chức vi phạm phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán về kết quả thực hiện việc hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc hoàn trả cho nhà đầu tư.

Dự thảo cũng quy định cụ thể: Khoản thu trái pháp luật là khoản tiền chênh lệch giữa tổng số tiền thu được từ đợt chào bán và tổng giá trị tính theo giá trị sổ sách của số cổ phần đã chào bán tại thời điểm chào bán.

Dự kiến, Thông tư hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán  và thị trường chứng khoán sẽ ban hành đồng thời với nghị định mới thay thế  Nghị định 85/2010 sẽ ban hành trong quý 4/2013.

Đặc biệt, dự thảo quy định: trong quá trình xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc trong trường hợp đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, dự thảo còn khá nhiều những quy định rất khó thực hiện. Những đối tượng được giảm nhẹ hình phạt gồm: phụ nữ mang thai, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (phải có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền), người già yếu (phải có giấy tờ chứng minh đủ 60 tuổi trở lên).

Riêng đối tượng được giảm nhẹ hình phạt do trình độ lạc hậu trong lĩnh vực chứng khoán, dự thảo chưa quy định thế nào là trình độ lạc hậu về chứng khoán.

Quy định tổ chức có trụ sở hoặc cá nhân có nơi ở tại vùng nông thôn, xa xôi, hẻo lánh, có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn nên chưa nhận thức đầy đủ các quy định mới của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán cũng được giảm nhẹ hình phạt, được nhiều nhà đầu tư cho rằng chưa rõ ràng bởi vì khái niệm chưa nhận thức đầy đủ trong một thông tư là rất chung chung.

Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm, dự thảo quy định rất máy móc như: là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tiền phạt tối thiểu và mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.

Đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì xem xét giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.

Việc xác định số lợi bất hợp pháp đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán thông tư quy định giao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng phương pháp tính phù hợp với tình hình thực tế và trường hợp cụ thể. Thông tư không quy định phương pháp tính nên muốn thi hành thì phải chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành phương pháp xác định số lợi bất hợp pháp.

Việc thực hiện hành vi làm cho khách hàng và nhà đầu tư hiểu nhầm về giá chứng khoán, thông tư quy định là việc công ty chứng khoán cố ý cung cấp cho khách hàng và nhà đầu tư thông tin, đưa ra những nhận định, tư vấn hoặc khuyến cáo không chính xác, không đầy đủ, che giấu sự thật về giá hoặc các yếu tố ảnh hưởng tới giá của một hoặc nhiều loại chứng khoán dẫn đến khách hàng và nhà đầu tư hiểu nhầm về giá chứng khoán và có quyết định không đúng trong đầu tư.

Quy định này cũng rất khó thực hiện bởi chứng cứ để chứng minh là cố ý, không đầy đủ, hiểu nhầm... thường gây tranh cãi, rất khó phân định đúng sai.

Đối với vi phạm quy định về giao dịch nội bộ và thao túng giá chứng khoán, dự thảo quy định: số lợi bất hợp pháp là số lợi phát sinh từ việc thực hiện hành vi giao dịch nội bộ hoặc giao dịch thao túng thị trường chứng khoán, sau khi trừ đi các khoản thuế, phí phải nộp.

Trường hợp một người dùng nhiều tài khoản để giao dịch nội bộ hoặc giao dịch thao túng thị trường chứng khoán thì số lợi bất hợp pháp được tính trên tổng các tài khoản được sử dụng để giao dịch nội bộ hoặc giao dịch thao túng thị trường chứng khoán.

Trường hợp một nhóm người thông đồng, cấu kết giao dịch nội bộ hoặc giao dịch thao túng thị trường chứng khoán thì số lợi bất hợp pháp được tính trên từng tài khoản được sử dụng để giao dịch nội bộ hoặc giao dịch thao túng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên số lợi bất hợp pháp phát sinh trong những trường hợp nêu trên không biết tính như thế nào.

Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo